Theo đó, phòng GD&ĐT huyện Lương Sơn vừa tổ chức đấu thầu gói thầu số 01: Mua sắm thiết bị bếp ăn cho khối Mầm non với mã thông báo mời thầu là IB2400428199. Thông tin từ cơ quan này cho biết, việc tư vấn lập E-HSMT và đánh giá E-HSDT là do Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng và Thương mại Minh Khang có địa chỉ tại tổ 20 phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội đảm nhiệm.
Còn việc tư vấn thẩm định E-HSMT được thực hiện bởi Công ty TNHH Tư vấn, Xây dựng, Cơ giới Việt Nam có địa chỉ tại thôn Yên Lâm, xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.
Lãnh đạo Phòng GD&ĐT Lương Sơn khẳng định tiêu chí lạ là do lỗi đánh máy
Điểm đáng chú ý trong hồ sơ mời thầu về việc yêu cầu năng lực sản xuất của nhà thầu. Nếu tính đúng theo qui định, thì nhà thầu phải chứng minh được sản lượng sản xuất hàng tháng của mình trong vòng 5 năm gần đây nhất tính đến thời điểm đóng thầu đạt tối thiểu là: Số lượng yêu cầu của gói thầu X 30/thời gian thực hiện gói thầu (tính theo ngày là 45 ngày). Trong đó K = 1,5 sản phẩm/01 tháng).
Thế nhưng, chủ đầu tư đưa ra tiêu chí trên với thời gian bắt buộc tính theo ngày là 10 ngày ít hơn so với qui định là 35 ngày. Giải trình về vấn đề này, Tổ chuyên gia cho rằng "do lỗi đánh máy nhập dữ liệu". Điều này khiến các doanh nghiệp tham gia gặp khó khăn trong việc tính toán và cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu.
Điều đáng nói, tại Chương V, yêu cầu về kĩ thuật, ở danh mục thiết bị, thông số kỹ thuật, các thiết bị trong danh mục yêu cầu đáp ứng QCVN3:2011/BYT. Thế nhưng, tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Y Tế chưa ban hành Quy chuẩn nào là QCVN3:2011/BYT, chỉ có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn vệ sinh đối với bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm bằng kim loại QCVN12-3:2011/BYT ban hành ngày 30/08/2011, ngày có hiệu lực 01/03/2012.
Việc hồ sơ mời thầu yêu cầu các thiết bị phải đáp ứng một tiêu chuẩn mà không hề tồn tại, điều này làm cho các doanh nghiệp tham gia sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin và chuẩn bị hồ sơ dự thầu, dẫn đến giảm tính cạnh tranh của gói thầu, gây bức xúc trong dư luận.
Vì sao Phòng GD&ĐT Lương Sơn ra Quyết định điều chỉnh hồ sơ theo kiến nghị của Nhà thầu?
Tiếp đó, một yêu cầu kỳ lạ đã xuất hiện trong hồ sơ mời thầu, các thiết bị bếp ăn lại phải đạt tiêu chuẩn dành cho đồ chơi trẻ em, cụ thể: Thiết bị bình inox ủ cơm, tủ úp bát inox yêu cầu sản phẩm đạt tiêu chuẩn TCVN 6238-1: 2017, TCVN 6238-2:2017, TCVN 6238-3:2011.
Tiêu chuẩn TCVN 6238-1:2017- An toàn đồ chơi trẻ em, có các phạm vi được áp dụng như sau. Các yêu cầu an toàn liên quan đến tính chất cơ lý, tiêu chuẩn này áp dụng cho tất cả các loại đồ chơi để sử dụng cho trẻ nhỏ hơn 14 tuổi sử dụng khi chơi; Quy định các vật liệu dễ cháy bị cấm sử dụng trong tất cả các đồ chơi, và các yêu cầu liên quan đến tính cháy của một số đồ chơi khi chúng gặp một nguồn cháy nhỏ; Quy định mức chấp nhận được tối đa, phương pháp lấy mẫu và chiết trước khi phân tích mức thôi nhiễm của các nguyên tố antimon, asen, bari, cadimi, crom, chì, thủy ngân và selen từ các vật liệu làm đồ chơi và từ các bộ phận của đồ chơi.
Căn cứ phạm vi áp dụng của các tiêu chuẩn, nhà thầu khẳng định việc áp dụng các tiêu chuẩn TCVN 6238 trên cho các thiết bị bình inox ủ cơm và tủ úp bát inox là không phù hợp, gây hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.
Để có thông tin khách quan, đa chiều, ngày 5/11/2024 phóng viên báo Nhà báo và Công luận đã có buổi làm việc cùng ông Nguyễn Hồng Hải – Trưởng phòng, ông Lê Thanh Bình – Chuyên viên phòng GD&ĐT huyện Lương Sơn. Tại đây, lãnh đạo Phòng này khẳng định, những kiến nghị trên là do “lỗi đánh máy” và Chủ đầu tư đã có quyết định sửa đổi hồ sơ E-HSMT theo kiến nghị của nhà thầu.
Do đó, theo Quyết định số 966/QĐ-PGD&ĐT về việc phê duyệt điều chỉnh hồ sơ E-HSMT và thời gian đóng thầu, gói thầu mua sắm thiết bị bếp ăn khối mầm non lần 2 gồm:
“Bỏ yêu cầu sản phẩm Tủ sấy bát đĩa đáp ứng QCVN12-3:2011/BYT; Điều chỉnh Tại bảng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm (Đối với nhà thầu là nhà sản xuất ra hàng hóa thuộc phạm vi của gói thầu).
Mục 4, năng lực sản xuất hàng hóa: Nhà thầu cung cấp tài liệu chứng minh năng lực sản xuất hàng hóa thuộc gói thầu đáp ứng yêu cầu theo một trong hai cách sau đây: Sản lượng sản xuất cao nhất của 01 tháng trong vòng 05 năm gần đây nhất tính đến thời điểm đóng thầu đạt tối thiểu: Số lượng yêu cầu của gói thầu x 30/thời gian thực hiện gói thầu (tính theo ngày 45 ngày). Trong đó k = 1,5 sản phẩm/01 tháng (Do tại thời điểm ngày 25 tháng 10 năm 2024 Tổ chuyên gia đã giải trình, nhưng chưa có trong Quyết định phê duyệt)?
Các nội dung khác được giữ nguyên theo TBMT phát hành ngày 25 tháng 10 năm 2024 (Mã TBMT: IB2400428199-01) và theo nội dung đăng tải làm rõ ngày 25 tháng 10 năm 2024”.
Trụ sở UBND huyện Lương Sơn (ảnh sưu tầm)
Mặc dù còn nhiều uẩn khúc trong các tiêu chí lựa chọn nhà thầu chưa được phúc đáp thỏa đáng, nhưng ngày 8/11/2024, ông Nguyễn Hồng Hải vẫn ký Quyết định 1035/QĐ-PGD&ĐT cho đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần Công nghệ F5 có địa chỉ tại 560 đường Trường Chinh, phường Khương Thượng, quận Đống Đa, TP. Hà Nội. Giá trúng gói thầu là 1.312.885.000VND. Được biết, trước đây, phòng GD&ĐT Lương Sơn cũng đã phê duyệt trúng nhiều gói thầu độc lập cho đơn vị này.
Trước những thông tin nghi vấn về sự minh bạch trong quá trình đấu thầu tại Phòng GD&ĐT huyện Lương Sơn, kính đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm toán toàn diện. Mọi sai phạm, nếu có, cần được xử lý nghiêm minh, kịp thời để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng vốn đầu tư công, góp phần xây dựng một môi trường đầu tư lành mạnh tại địa phương.
Lê Bá