Tỉnh Hòa Bình hỗ trợ đồng bào DTTS an cư, lạc nghiệp (Ảnh: Báo Pháp luật)
Tính đến ngày 23/9/2024, tỉnh Hòa Bình vẫn còn 20.306 hộ nghèo, trong đó 6.362 hộ đang sống trong các ngôi nhà tạm, dột nát, và 3.194 hộ có nhu cầu cấp bách về nhà ở. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu đất ở và đất sản xuất cho đồng bào DTTS cũng là vấn đề nghiêm trọng, khiến đời sống của nhiều hộ gia đình gặp khó khăn. Không chỉ thiếu nhà ở, đồng bào tại các xã vùng cao như Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu... còn phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước sạch kéo dài. Địa hình chủ yếu là đồi núi cao, khiến các nguồn nước ngầm rất hiếm hoi. Mặc dù tỉnh đã được Nhà nước đã đầu tư xây dựng nhiều công trình cung cấp nước sinh hoạt, nhưng theo thời gian, các công trình này đã xuống cấp trầm trọng. Hệ thống ống dẫn và bể chứa nước bị rỉ sét, hư hỏng, khiến nhiều bể chứa nước bị bỏ hoang, không thể đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. Tình trạng thiếu nhà ở, đất ở và nước sinh hoạt kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của đồng bào DTTS, đặt ra yêu cầu cấp bách về giải pháp hỗ trợ và cải thiện điều kiện sống.
Để triển khai Chương trình, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2725/QĐ-UBND ngày 22/11/2021, phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình cho giai đoạn 2021-2030, trong đó giai đoạn I được thực hiện từ năm 2021 đến 2025; tiếp theo, Quyết định số 1887/QĐ-UBND ngày 31/8/2022 đã được ban hành nhằm điều chỉnh và bổ sung kế hoạch thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh Hòa Bình đã giao cho các sở, ban, ngành chủ trì hướng dẫn thực hiện các nội dung quan trọng của Dự án 1. Cụ thể, Sở Xây dựng chịu trách nhiệm hướng dẫn các nội dung liên quan đến nhà ở. Sở Tài nguyên và Môi trường phụ trách hướng dẫn các nội dung về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nội dung về hỗ trợ nước sinh hoạt. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hòa Bình giữ một vai trò quan trọng trong việc vận động, giám sát và bảo đảm sự tham gia của cộng đồng, nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ dành cho đồng bào DTTS. Mặt trận Tổ quốc còn có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, bảo đảm rằng quá trình thực hiện Chương trình được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả và bền vững, đáp ứng nhu cầu của đồng bào DTTS trên địa bàn. Sự phối hợp này không chỉ giúp nâng cao nhận thức của người dân về các chính sách hỗ trợ, mà còn khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng, từ đó bảo đảm quyền lợi thiết thực cho các hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa.
Ngày 28/3/2024, Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết số 357/NQ-HĐND về phân bổ dự toán kinh phí sự nghiệp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024. Theo Nghị quyết, tổng kinh phí được phân bổ thuộc Chương trình là 381.084 triệu đồng. Trong đó, 85.220 triệu đồng được phân bổ cho các sở, ban, ngành cấp tỉnh, và 295.864 triệu đồng được bổ sung có mục tiêu cho ngân sách các huyện, thành phố. Đối với Dự án 1, tổng kinh phí phân bổ là 25.830 triệu đồng, chi tiết như sau: huyện Đà Bắc nhận 3.875 triệu đồng, huyện Mai Châu 2.660 triệu đồng, huyện Lạc Sơn 11.180 triệu đồng, huyện Kim Bôi 4.568 triệu đồng, huyện Yên Thủy 842 triệu đồng, huyện Cao Phong 1.601 triệu đồng, huyện Lạc Thủy 1.080 triệu đồng, và thành phố Hòa Bình nhận 24 triệu đồng.
Ngày 20/9/2024, UBND tỉnh Hòa Bình tiếp tục ban hành Quyết định số 1853/QĐ-UBND về việc điều chỉnh dự toán kinh phí sự nghiệp cho Chương trình. Theo quyết định này, tổng số kinh phí của các dự án bị điều chỉnh giảm là 15.150 triệu đồng, trong đó: Dự án 1 giảm 2.858 triệu đồng. Việc điều chỉnh này nhằm phù hợp với tình hình thực tế triển khai và quản lý ngân sách trong năm 2024.
Ngày 21/6/2024, Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình ban hành Công văn số 1119/BDT-CSDT về tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo DTTS và hộ nghèo dân tộc Kinh tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Là cơ quan thường trực Chương trình, Ban Dân tộc đã phối hợp với các đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện để tham mưu và triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo. Từ năm 2022 đến 15/6/2024, đã có nhiều hoạt động cụ thể được thực hiện.
Trong năm 2022, tỉnh đã hỗ trợ 116 hộ nghèo, gồm cả hộ đồng bào DTTS và hộ nghèo dân tộc Kinh, với tổng kinh phí 9.744 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương đóng góp 4.640 triệu đồng, ngân sách huyện đối ứng 464 triệu đồng, và vốn vay tín dụng là 4.640 triệu đồng.
Năm 2024, UBND tỉnh đã phê duyệt các công trình và dự án hỗ trợ nhà ở, thuộc nguồn vốn đầu tư phát triển Chương trình, theo Quyết định số 250/QĐ-UBND ngày 19/02/2024. Tổng kinh phí phân bổ cho các huyện là 33.913 triệu đồng, bao gồm 33.598 triệu đồng từ ngân sách Trung ương, 170 triệu đồng từ ngân sách huyện, và 145 triệu đồng từ các nguồn vốn khác. Số tiền này sẽ hỗ trợ khoảng 840 hộ gia đình nghèo về nhà ở. Đến nay, các huyện đang tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ.
Đáng chú ý là việc triển khai thực hiện tại huyện Lạc Sơn, từ năm 2021 đến nay, huyện đã được giao 54,252 tỷ đồng để thực hiện Dự án 1, nhằm giải quyết các vấn đề về đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt. Trong đó, ngân sách Trung ương đóng góp hơn 47,1 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay hơn 7 tỷ đồng. Tính đến hiện tại, huyện đã giải ngân được hơn 24,4 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, đạt 51,7%. Năm 2024, huyện được phân bổ gần 10,7 tỷ đồng cho việc hỗ trợ nhà ở, và hiện đã chỉ đạo các xã rà soát và phê duyệt danh sách hộ đủ điều kiện hỗ trợ. Đến nay, huyện đã phân bổ gần 6,8 tỷ đồng để hỗ trợ mua máy móc phục vụ sản xuất cho 180 hộ (với vốn giao từ năm 2022) và 498 hộ đang triển khai (với vốn giao từ năm 2023).
Về vấn đề nước sinh hoạt, huyện Lạc Sơn đã nhận được hơn 14 tỷ đồng để hỗ trợ 4.848 hộ đồng bào DTTS và hộ nghèo dân tộc Kinh tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Cụ thể, 4.630 bồn chứa nước nhựa đã được cấp phát, cùng với máy bơm nước cho 169 hộ và hệ thống ống dẫn nước cho 43 hộ.
Huyện Đà Bắc là địa phương khó khăn nhất của tỉnh, nơi đồng bào DTTS chiếm gần 90% dân số. Với địa hình chủ yếu là đồi núi cao, hiểm trở và thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, việc đảm bảo nguồn nước sinh hoạt ổn định và vệ sinh cho người dân luôn là thách thức lớn. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình, trên 700 hộ tại 16 xã trên địa bàn đã được trang bị téc chứa nước để dự trữ nguồn nước dẫn từ các khu vực trên cao. Các téc chứa này có thể đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cơ bản của các hộ gia đình trong khoảng một tuần.
Tính đến ngày 30/9/2024, UBND tỉnh Hòa Bình đã phân bổ đầy đủ nguồn vốn đầu tư phát triển và nguồn vốn sự nghiệp cho các sở, ngành, và UBND các huyện, thành phố để triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân các dự án vẫn gặp nhiều khó khăn và chậm trễ. Cụ thể, tỉnh mới giải ngân được 204.114 triệu đồng trên tổng số 522.155 triệu đồng vốn đầu tư phát triển, đạt 39,09%. Về nguồn vốn sự nghiệp, chỉ giải ngân được 77.822 triệu đồng trên 596.359 triệu đồng, đạt 13,05% so với kế hoạch đề ra.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, và huyện phải tập trung quyết liệt hơn, giải quyết các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Người đứng đầu các đơn vị cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đảm bảo hoàn thành mục tiêu.
Đối với nguồn vốn đầu tư, các địa phương được giao nhiệm vụ rà soát lại các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, thực hiện điều chuyển vốn sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn. Việc đầu tư cần tập trung, không dàn trải, và phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Về nguồn vốn sự nghiệp, tỉnh yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình triển khai, khắc phục các sai sót kịp thời. Sở Tài chính được giao nhiệm vụ rà soát và điều chỉnh các khoản chi, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Nếu có nội dung hoặc dự án không còn nhu cầu thực hiện, cần đề xuất điều chuyển vốn sang các hạng mục khác, đảm bảo đúng đối tượng và phạm vi của Chương trình.
Hồng Phương