Song, ngay trong lúc đó, những hy vọng về một lệnh ngừng bắn tạm thời nhân lễ Phục sinh cũng đã phụt tắt, khi người phát ngôn Điện Kremlin Dmytri Peskov khẳng định: Lệnh ngừng bắn tạm thời hiện có sẽ hết hiệu lực vào 0h ngày 21/4 (theo giờ Moscow, nghĩa là 4h sáng ngày 21/4 theo giờ Việt Nam), và không có quyết định gia hạn nào được chỉ đạo từ Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin.
Với không ít vấn đề cấp bách bủa vây, Nhà Trắng hoàn toàn có thể từ bỏ vai trò trung gian đàm phán hòa bình Nga - Ukraine.
Khi hòa đàm vẫn chỉ là những khả năng trên giấy
Trước đó, ngày 18/4, theo tờ The Wall Street Journal, trong cuộc gặp gỡ với đại diện Ukraine và các nước Tây Âu tại thủ đô Paris của Pháp, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã đưa ra đề xuất về “một khuôn khổ chấm dứt chiến tranh”, bao gồm cả một lệnh ngừng bắn. Như truyền thông phương Tây dẫn nguồn từ tờ The Kiev Post, phía Ukraine đã “đồng thuận đến 90%” với khuôn khổ hòa bình được trình bày tại Paris bởi Ngoại trưởng Marco Rubio và hai đặc phái viên”. Vấn đề, như vậy, chỉ còn phụ thuộc vào chuyện Moscow có chấp thuận những đề nghị ấy hay không.
Cho đến lúc bài viết này lên khuôn, thực địa chiến trường vẫn đang chứng minh rằng những nghi ngại ấy là hoàn toàn có cơ sở. Nga và Ukraine đã tiến hành trao đổi tù binh. Một lệnh ngừng bắn tạm thời cũng đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra, như đã nêu, nhưng chỉ với lý do nhân đạo, và nó cũng đã khép lại hết sức chóng vánh. Những cuộc không kích diện rộng vẫn tiếp diễn và giao tranh vẫn được tiến hành, ở nhiều hướng của chiến tuyến dài hàng nghìn km.
Nhìn chung, không cần là một nhà phân tích chuyên nghiệp, hầu hết ai quan tâm đều có thể cảm nhận: Phía Nga đang nắm giữ quá nhiều ưu thế trong cuộc chiến tranh tiêu hao này và họ không có lý do gì để phải vội vàng chấp thuận ngồi vào bàn đàm phán. Họ chưa hoàn tất mục tiêu “phi quân sự hóa, phi phát-xít hóa Ukraine” - lý do họ bắt đầu cuộc chiến. Hơn thế, quân đội Nga cũng vẫn chưa kiểm soát được hoàn toàn các phần lãnh thổ tại cả 4 tỉnh mà Moscow tuyên bố chủ quyền: Kherson, Zaporizhzhia, Donetsk và Luhansk.
Ở chiều ngược lại, cho dù đã có những thay đổi theo hướng “cam chịu” hơn, lập trường của Kiev vẫn kiên định trong vấn đề cốt lõi: Sự bảo toàn lãnh thổ, theo đường biên giới năm 1991. Họ có thể (đành phải) chấp nhận việc Liên bang Nga kiểm soát các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, cũng như khả năng “đóng băng” cuộc xung đột tại chiến tuyến hiện thời. Song, giữa các khái niệm công pháp quốc tế “de facto” (trên thực tế) và “de jure” (theo pháp lý) vẫn là một khoảng cách mênh mông.
Một cách ngắn gọn, “De facto nghĩa là chúng tôi công nhận rằng Liên bang Nga đang chiếm đóng vùng đất này, nhưng không nói rằng (Ukraine) sẽ từ bỏ vĩnh viễn. De jure thì có nghĩa là chúng tôi chính thức thừa nhận rằng (Liên bang Nga) đã chiếm vùng lãnh thổ này và chúng tôi sẽ không bao giờ lấy lại được” - Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustern Umerov làm rõ.
Do đó, cũng không có gì quá bất ngờ khi cả hai phía liên tục cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn. Xét cho cùng, họ đều chưa kiệt quệ, đều vẫn còn sức chịu đựng những hệ lụy khốc liệt của cuộc đối đầu, để không quá mặn mà với các triển vọng hòa đàm. Hơn thế, không thể bỏ qua một thực tế: Sắc lệnh cấm đàm phán dưới mọi hình thức với chính quyền đương kim Tổng thống Nga, được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ký ngày 4/10/2022, vẫn còn hiệu lực. Trong khi đó, từ quan điểm của Moscow, đầu tiên, sắc lệnh ấy phải được hủy bỏ, nhằm tái lập cơ sở pháp lý cho các cuộc đối thoại. Không chỉ vậy, ông Zelensky cũng không còn duy trì vị thế một tổng thống hợp hiến của Ukraine để có thể thương thảo trực tiếp với Moscow, khi đã hết nhiệm kỳ nhưng vẫn chưa tổ chức bầu cử (với lý do tình trạng khẩn cấp thời chiến).
Chắc chắn, những bộ óc tham mưu ở Nhà Trắng cũng nhìn thấu hình thái “cài răng lược” phức tạp này.
Nhà Trắng, trong những mối tơ vò
Có lẽ vì vậy, đối với giới quan sát quốc tế, điều thực sự đáng quan tâm sau cuộc họp tại Paris nêu trên lại là chuyện Tổng thống Mỹ Donald Trump để ngỏ khả năng rút khỏi tiến trình đàm phán.
“Nếu vì lý do nào đó, nghĩa là nếu một trong hai bên (Nga và Ukraine) nhất quyết gây khó khăn”, nước Mỹ có thể “từ bỏ vai trò trung gian” - Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trong một cuộc họp báo tại Phòng Bầu dục ngày 18/4. Đây hiển nhiên là một cách mà ông tạo sức ép lên “những người chơi khác”, nhưng có lẽ, đó cũng là sự gợi mở về những thứ áp lực mà chính ông cùng chính quyền của mình đang phải đối diện.
Trước đó, từ bên kia Đại Tây Dương, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cũng thẳng thừng: “Trong vài ngày tới, chúng tôi phải quyết định liệu điều này có thể khả thi trong vài tuần tiếp theo hay không. Nếu không, chúng tôi có những ưu tiên khác cần tập trung”. Nói cách khác, nước Mỹ sẽ không kéo dài nỗ lực trung gian trong một tiến trình bế tắc: “Chúng tôi không thể theo đuổi nỗ lực này trong nhiều tuần hay nhiều tháng mà không có kết quả”. Nước Mỹ cần “quyết định rất nhanh”, và do đó, họ bày tỏ hy vọng rằng các bên sẽ sớm thực sự thể hiện thiện chí hướng tới một thỏa thuận. Tuy nhiên, có lẽ là chưa tới thời điểm để điều này trở thành hiện thực.
Thay vào đó, một câu hỏi có thể gợn lên: “Những ưu tiên cần tập trung” khác là gì, mà chính quyền Tổng thống Mỹ đương nhiệm sẵn lòng buông bỏ một trong những cam kết nổi bật nhất (sớm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine) trong cương lĩnh tranh cử của Tổng thống Donald Trump?
Đầu tiên, rất rõ ràng, đó là cuộc chiến thuế quan ở quy mô toàn cầu đang được Nhà Trắng phát động, với những phản ứng đa chiều từ mọi nền kinh tế (bao gồm cả các động thái đáp trả không khoan nhượng từ Trung Quốc - nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai thế giới). Sau đó, là các hệ lụy của nó, đối với chính tâm trạng xã hội Mỹ, khi một làn sóng lo âu và phản đối đang dấy lên đầy hăm dọa (nhất là với sự dẫn dắt của các tinh hoa nghị trường thuộc đảng Dân chủ), về nguy cơ vật giá leo thang, cũng như sự tàn phá cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Nước Mỹ, thực tế, chưa sẵn sàng và còn cần rất nhiều thời gian để tự biến mình thành một “công xưởng của thế giới”, nếu từ chối vai trò ấy của Trung Quốc, nhằm ổn định tình hình.
Cùng lúc, Tổng thống Donald Trump thậm chí còn phát động một cuộc công kích vào Cục Dự trữ Liên bang (Fed), khi đề nghị cách chức Chủ tịch Fed - ông Jerome Powell, ngày 17/4, với lý do chậm trễ trong việc hạ lãi suất, dẫn đến tình trạng kìm hãm sức bật của nền kinh tế Mỹ. Nhìn sâu hơn, đây cũng có thể xem là một lời tuyên chiến với giới đại tài phiệt, đặc biệt là tài phiệt tài chính, vốn được cho là luôn có quyền lực lũng đoạn chính trường Mỹ (để tạo nên “truyền thuyết” ngày càng có thêm nhiều cơ sở chứng minh về “Nhà nước ngầm (Deep State)”. Chính vì vậy, cuộc đối đầu này tiềm ẩn nhiều rủi cho cho ông chủ Nhà Trắng hiện tại, hơn bất cứ cuộc phiêu lưu nào bên ngoài lãnh thổ.
Chiến sự vẫn tiếp diễn trên biên giới Nga - Ukraine.
Một trong những “cuộc phiêu lưu” mới, ít được dư luận quan tâm hơn nhiều so với chính sách thuế quan hay vai trò trung gian giải quyết xung đột Nga - Ukraine (nơi vai trò không thể thay thế của nước Mỹ vẫn được chính các cường quốc châu Âu thừa nhận, trong việc kiến tạo một nền hòa bình lâu dài và bền vững), là những trận oanh kích dội xuống Yemen, nơi lực lượng vũ trang Houthi đóng “đại bản doanh”. Cùng đó, những nỗ lực tái triển khai đàm phán với Iran, về các vấn đề xoay quanh chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này, cũng đang được tiến hành, với không ít thách thức.
Chưa hết, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) đang nóng bỏng trở lại, với việc hải quân Mỹ tăng cường hiện diện nhiều hơn và mạnh mẽ hơn gấp bội, so với thời cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Với chừng ấy vấn đề cấp bách, rõ ràng, cuộc xung đột Nga - Ukraine không thể được xem là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Nhà Trắng vào lúc này, nhất là khi nó vẫn còn quá nhiều dư địa để tiếp diễn. Có lẽ, cũng cần nhắc đến nhận định từ một trợ lý cao cấp của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Yuri Ushakov, chia sẻ với hãng RT: “Theo tôi, giới lãnh đạo Mỹ, bao gồm cả tổng thống, hiểu rõ nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột này”. Tuy nhiên, “một bầu không khí chống Liên bang Nga đã được tạo ra ở Mỹ và châu Âu trong những năm qua, thậm chí là nhiều thập kỷ gần đây. Chính bầu không khí đó đang cản trở việc thúc đẩy những ý tưởng khá hợp lý - mà một số nhà lãnh đạo, bao gồm cả ở Washington, thực chất cũng đồng tình”.
Vậy nên, đến hiện tại, ông chủ Nhà Trắng cũng chỉ có thể tuyên bố chung chung, rằng ông luôn luôn “muốn cuộc chiến này (Nga - Ukraine) kết thúc”, để rồi quay lại với những mối bận tâm của riêng mình...
Thiên Thư