Phát huy tiềm năng mặt nước
Hồ Hòa Bình là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, với diện tích mặt nước lớn, chứa đựng tiềm năng phát triển du lịch và nuôi trồng thủy sản. Để khai thác lợi thế trên, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nghề nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Hòa Bình. Nổi bật như Quyết định số 1354/QĐ-UBND, ngày 5.7.2021 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg, ngày 11.3.2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đã thả con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản vùng lòng hồ Hòa Bình. Ảnh: Lê Huệ
Nhờ đó, nghề nuôi cá lồng, bè trên hồ thủy điện Hòa Bình đã phát triển rất nhanh, số lồng/bè nuôi cá năm 2014 là 1.700 lồng, nay đã tăng lên gần 5.000 lồng. Sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác năm 2024 ước đạt 12.500 tấn. Hiện, trên khu vực hồ Hòa Bình có một số doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi trồng thủy sản với quy trình hữu cơ, VietGAP. Hệ thống lồng, bè, máy móc được đầu tư, áp dụng kỹ thuật tiên tiến nhất. Nhờ đó, chất lượng thủy sản luôn bảo đảm. Một số sản phẩm từ thủy sản nuôi trồng trên hồ đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Công Sứ, những năm qua, thủy sản đã đóng góp tỷ trọng khá cao trong tăng trưởng của ngành nông nghiệp; trong đó, chủ yếu là nuôi cá lồng trên sông Đà. Các địa phương trong tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển nuôi cá lồng trên các thủy vực lớn, nuôi thủy đặc sản trên diện tích ao hồ theo định hướng cơ cấu lại ngành thủy sản. Hiện, tỉnh duy trì diện tích nuôi cá hồ chứa đạt 2.695ha. Các sản phẩm cá, tôm sông Đà đã nổi tiếng khắp các tỉnh thành trong cả nước và tạo nguồn thu lớn cho tỉnh, nâng cao thu nhập cho nhân dân, doanh nghiệp nuôi trồng, khai thác.
Tăng cường quản lý, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng lòng hồ
Nhằm tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm cá, tôm sông Đà, tỉnh Hòa Bình đã tổ chức thành công Lễ hội cá, tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ nhất năm 2023 và lần thứ hai năm 2024. Qua đó, đẩy mạnh quảng bá, khẳng định thương hiệu có bản quyền gắn với sản phẩm nông nghiệp là quyền chủ sở hữu hai nhãn hiệu đặc sản “Tôm sông Đà Hòa Bình” và “Cá sông Đà Hòa Bình”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Công Sứ khẳng định, điều này sẽ góp phần đưa thủ phủ cá, tôm sông Đà trở thành một trong những trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh Hòa Bình. Đồng thời, các hoạt động của Lễ hội cũng giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cảnh quan và bản sắc văn hóa truyền thống của Hòa Bình nói chung, khu du lịch vùng hồ sông Đà nói riêng, góp phần kích cầu phát triển du lịch và thu hút mở rộng thị trường khách du lịch trong và ngoài nước.
Ngoài ra, để xây dựng, phát triển thương hiệu cá, tôm sông Đà, ngày 5.6.2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 966/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Phát triển thủy sản hồ chứa thủy điện Hòa Bình gắn với du lịch đến năm 2030. Đề án đã xác định các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, như: xây dựng 8 vùng nuôi trồng thủy sản lồng bè tập trung gắn với các tua, tuyến, điểm du lịch khu vực hồ Hòa Bình; số lồng nuôi 10.000 lồng, giá trị sản xuất thủy sản đạt 500 tỷ đồng/năm; 80% cơ sở nuôi cá lồng áp dụng quy trình sản xuất nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) hoặc tương đương. Đề án chính là cơ sở pháp lý, định hướng chiến lược để quản lý, phát triển khai thác tiềm năng, lợi thế về thủy sản lòng hồ Hòa Bình đến năm 2030.
Tỉnh Hòa Bình tin tưởng rằng, với tiềm năng sẵn có và quyết tâm phát triển, nghề thủy sản sông Đà sẽ tiếp tục cất cánh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, mang lại lợi ích kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường, tạo nên một Hòa Bình giàu đẹp và phồn vinh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ. Ảnh: Lê Huệ
Trần Tâm