Nhiều dự án đã hết thời gian thực hiện nhưng chưa được điều chỉnh tiến độ. Ảnh minh họa: TTXVN phát
Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện có 63 dự án đầu tư ngoài ngân sách và 2 dự án đầu tư công đang chậm tiến độ đồng thời có 14 dự án trọng điểm có tổng vốn đầu tư là 87.196 tỷ đồng (ngân sách Nhà nước 23.732 tỷ đồng, ngoài ngân sách 63.464 tỷ đồng). UBND tỉnh Hòa Bình đã và đang có những chỉ đạo quyết liệt nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hòa Bình, trong số 63 dự án đầu tư ngoài ngân sách chậm tiến độ có 28 dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa vào sử dụng với tổng diện tích khoảng 6.504 ha. Nhiều dự án đã hết thời gian thực hiện nhưng chưa được điều chỉnh tiến độ; trong đó, có 21 dự án đang làm thủ tục điều chỉnh, 31 dự án chậm triển khai.
Hai dự án thuộc vốn đầu tư công chậm tiến độ gồm: Dự án Mô hình thí điểm Khu xử lý chất thải rắn quy mô liên xã tại huyện Yên Thủy sử dụng 45% vốn Ngân sách Nhà nước, 54,22% vốn góp của doanh nghiệp, 0,78% vốn huy động cộng đồng; thực hiện và quản lý theo Luật Đầu tư công, có tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng, thời gian thực hiện đến năm 2022. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại dự án mới chỉ giải ngân trên 12,8 tỷ đồng cùng nhiều hạng mục như hệ thống đường giao thông nội bộ; hệ thống thoát nước mưa và nước thải; hố chôn lấp tro xỉ; hệ thống cấp điện, nước; trạm cân điện tử; phòng cháy chữa cháy vẫn chưa được thực hiện.
Dự án tuyến đường xóm Sộp, xã Phúc Sạn đi xóm Đoi, xã Tân Mai, huyện Mai Châu với tổng mức đầu tư là 191,085 tỷ đồng. Đến hết năm 2021, dự án đã thi công được 12,2/14,2 km mặt đường theo thiết kế được duyệt, đã giải ngân 133,236 tỷ đồng, trả lại Ngân sách Trung ương là 57,849 tỷ đồng. Đến nay khối lượng đã thi công của dự án chưa đủ điều kiện bàn giao khai thác sử dụng, một số hạng mục cống thoát nước ngang, rãnh thoát nước dọc chưa được thi công đồng bộ cùng mặt đường.
Sau khi rà soát, UBND tỉnh Hòa Bình đã đề nghị cho phép thực hiện các thủ tục hủy bỏ Dự án Mô hình Khu xử lý chất thải rắn quy mô liên xã huyện Yên Thủy để chuyển sang đầu tư không dùng vốn ngân sách Nhà nước theo hình thức “Giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất” để thực hiện dự án đầu tư theo quy định.
Đồng thời trình cấp có thẩm quyền bổ sung số vốn còn thiếu từ nguồn ngân sách địa phương cho dự án tuyến đường xóm Sộp, xã Phúc Sạn đi xóm Đoi, xã Tân Mai, huyện Mai Châu trong năm 2025 để hoàn thành dự án. Việc tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các công trình, dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm, dự án chậm tiến độ là vấn đề được UBND tỉnh Hòa Bình quan tâm triển khai, thực hiện.
Theo Sở xây dựng tỉnh Hòa Bình, hầu hết vướng mắc nằm ở khâu giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án không đảm bảo thời gian giải phóng mặt bằng như kế hoạch. Một số dự án có một phần diện tích trùng lấn với diện tích đất đã giao cho tổ chức, cá nhân; có dự án nằm trong khu vực yêu cầu phải lập quy hoạch phân khu xây dựng dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện các thủ tục. Bên cạnh đó, có nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính, gặp khó khăn trong huy động vốn…
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, rà soát để giải quyết dứt điểm tình trạng chậm tiến độ đối với 63 dự án, có các phương án tháo gỡ nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tận dụng tối đa các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình kết quả thực hiện trước ngày 30/5/2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Đức Hinh cho biết, Chính quyền tỉnh Hòa Bình sẽ khẩn trương hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cac dự án chậm tiến độ cho nhà đầu tư nếu do nguyên nhân khách quan. Trường hợp dự án không đảm bảo điều kiện để tiếp tục triển khai thực hiện sẽ phải chấm dứt hoạt động theo quy định hiện hành. Đối với các dự án đã bị chấm dứt hoạt động, thực hiện rà soát, hướng dẫn nhà đầu tư thanh lý tài sản trên đất và thực hiện thu hồi đất theo quy định khi đủ điều kiện…
Theo kế hoạch, trong năm 2025 dự kiến có 12 dự án khởi công và 3 dự án sẽ khởi công năm tới. Trong quý I/2025, UBND tỉnh Hòa Bình có 10 dự án đầu tư được cấp mới, 20 dự án được chấp thuận điều chỉnh với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 3.003 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2024, số dự án cấp mới tăng 7 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký tăng khoảng 2.868 tỷ đồng.
Theo báo cáo UBND tỉnh Hòa Bình, việc triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh còn gặp một số vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng; một số dự án phát sinh thủ tục hành chính thuộc cơ quan có thẩm quyền cấp Trung ương như thủ tục chuyển đổi đất lúa, đất rừng, phê duyệt dự án… dẫn đến thời gian thực hiện kéo dài.
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long, Trưởng Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm của tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh, các dự án trọng điểm đang triển khai là những dự án có ý nghĩa rất lớn, thúc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình. Các thành viên Ban Chỉ đạo, các sở, ngành liên quan phối hợp cùng các địa phương nơi có dự án trọng điểm của tỉnh Hòa Bình phát huy tinh thần đoàn kết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án.
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long cũng yêu cầu các cấp, sở ngành tiếp tục rà soát, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết, đồng thời xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức để xảy ra tình trạng trì trệ kéo dài, kiên quyết thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, không đáp ứng yêu cầu công việc được giao, nhất là trong giải quyết các vấn đề liên quan đến các dự án, công trình trọng điểm chậm tiến độ, kéo dài, lãng phí nguồn lực.
Dự kiến đến hết tháng 3/2025, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 750 dự án đầu tư còn hiệu lực; trong đó, có 39 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 522,55 triệu USD; 711 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 281.410 tỷ đồng.
Lưu Trọng Đạt/TTXVN