Hòa Bình xây dựng và phát triển thương hiệu cá, tôm Sông Đà

Hòa Bình xây dựng và phát triển thương hiệu cá, tôm Sông Đà
3 giờ trướcBài gốc
Tọa lạc giữa đại ngàn Tây Bắc hùng vĩ, Hòa Bình ẩn chứa tiềm năng thủy sản vô song với hồ thủy điện Hòa Bình rộng lớn, trải dài hơn 8.892 ha. Hòa Bình đã nhận thấy tiềm năng này và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tạo nên bước ngoặt cho nghề nuôi cá lồng trên hồ.
Ngày nay, Hòa Bình đã trở thành một trong năm tỉnh hàng đầu cả nước về phát triển thủy sản hồ chứa. Số lồng/bè nuôi cá tăng vọt từ 1.700 lên gần 5.000, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ngành.
Không chỉ về số lượng, chất lượng sản phẩm thủy sản Hòa Bình cũng được nâng cao đáng kể. Các doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư vào hệ thống lồng, bè hiện đại, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn hữu cơ và VietGAP. Nhờ đó, sản phẩm thủy sản Hòa Bình luôn tươi ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hòa Bình xác định du lịch sẽ là "đầu kéo" để phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy điện Hòa Bình.
Một số sản phẩm thủy sản nuôi trồng trên hồ Hòa Bình đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Năm 2018, thương hiệu "Cá sông Đà - Hòa Bình" và "Tôm sông Đà - Hòa Bình" chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu, khẳng định chất lượng vượt trội và danh tiếng của sản vật đặc biệt này.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại Đà Bắc, Hợp tác xã Đà Giang ECO tiên phong trong phong trào nuôi cá sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Các sản phẩm cá trắm đen, cá lăng đen, cá ngạnh sông Đà của hợp tác xã đã đạt OCOP 3 sao. Không dừng lại ở đó, hợp tác xã còn liên tục sáng tạo ra các sản phẩm chế biến chuyên sâu như cá trắm đen sấy mắc khén, cá bống sông Đà chiên, cá kho niêu "người lái đò sông Đà", mang đến sự đa dạng cho thực đơn của người tiêu dùng.
Thời gian qua, các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm cá, tôm sông Đà được tỉnh triển khai đa dạng. Trong đó, nổi bật là tổ chức thành công Lễ hội cá, tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ nhất năm 2023. Để xây dựng, phát triển thương hiệu cá, tôm sông Đà, ngày 5/6/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 966/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển thủy sản hồ chứa thủy điện Hòa Bình gắn với du lịch đến năm 2030. Đề án đã xác định các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, như: xây dựng 8 vùng nuôi trồng thủy sản lồng bè tập trung gắn với các tua, tuyến, điểm du lịch khu vực hồ Hòa Bình; số lồng nuôi 10.000 lồng, giá trị sản xuất thủy sản đạt 500 tỷ đồng/năm; 80% cơ sở nuôi cá lồng áp dụng quy trình sản xuất nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) hoặc tương đương.
Đồng chí Lương Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh nhấn mạnh, Đề án là cơ sở pháp lý, định hướng chiến lược để quản lý, phát triển khai thác tiềm năng, lợi thế về thủy sản lòng hồ Hòa Bình đến năm 2030. Tỉnh xác định, du lịch là "đầu kéo” để nâng tầm giá trị của thương hiệu tôm cá sông Đà. Hòa Bình kỳ vọng, du lịch sẽ đi trước, mở đường và sẽ là đầu tàu để kéo thủy sản phát triển, đồng thời du lịch cũng là kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Khách du lịch sẽ là người tiêu thụ tôm, cá sông Đà. Định hướng của tỉnh về lâu dài, bền vững là khai thác giá trị thương hiệu tôm, cá sông Đà chứ không phải chỉ sản xuất thủy sản sông Đà.
Chính vì du lịch được xác định là đòn bẩy để quảng bá và nâng tầm giá trị của thương hiệu tôm cá sông Đà nên các lễ hội cá, tôm sông Đà sẽ được tổ chức thường xuyên, mang lại cơ hội cho người dân địa phương giới thiệu sản phẩm và thu hút du khách đến với mảnh đất Hòa Bình.
Tỉnh Hòa Bình tin tưởng rằng, với tiềm năng sẵn có và quyết tâm phát triển, nghề nuôi thủy sản sẽ tiếp tục cất cánh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, mang lại lợi ích kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường, tạo nên một Hòa Bình giàu đẹp và phồn vinh.
Tâm Hiền
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/hoa-binh-xay-dung-va-phat-trien-thuong-hieu-ca-tom-song-da.html