Trong quá trình sản xuất, ngoài các nguyên liệu thông thường, các cơ sở bị kiểm tra còn sử dụng một loại "nước kẹo" không màu có tên 6- Benzylaminopurine để trồng giá đỗ. Ảnh: Handmadevn.
Vụ việc kiểm tra đồng loạt 6 cơ sở sản xuất giá đỗ tại TP Buôn Ma Thuột vừa qua đã gây lo ngại trong dư luận khi công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện các dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng.
Trong quá trình sản xuất, các cơ sở này không chỉ sử dụng nguyên liệu thông thường mà còn thêm vào một loại hóa chất không màu, có tên 6-Benzylaminopurine. Điều đáng nói, đây là chất không nằm trong danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm tại Việt Nam.
Theo cơ quan chức năng, chỉ riêng trong năm 2024, các cơ sở này đã đưa ra thị trường hơn 2.900 tấn giá đỗ chứa hóa chất cấm, tương đương 8-10 tấn mỗi ngày.
Thông tin này khiến nhiều người không khỏi lo lắng, bởi giá đỗ là thực phẩm quen thuộc, xuất hiện trong bữa cơm hàng ngày của hầu hết gia đình Việt. Đồng thời, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi: Liệu hóa chất cấm này có đang âm thầm được sử dụng trong việc sản phẩm các loại nông sản khác trên thị trường.
"Nước kẹo" 6-Benzylaminopurine là gì?
Trao đổi với Tri Thức - Znews, tiến sĩ Đỗ Duy Hưng, Bộ môn Bệnh cây và Miễn dịch thực vật, Viện Bảo vệ thực vật, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho biết 6-Benzylaminopurine (BAP) là chất điều hòa sinh trưởng thực vật, thuộc nhóm cytokinin, là hormone thực vật được sử dụng phổ biến trong nuôi cấy mô tế bào.
BAP còn được ứng dụng trong nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng quả, đặc biệt với nho và táo.
"Chúng ta không thể phủ nhận vai trò và ứng dụng rộng rãi của BAP trong nông nghiệp. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách, cụ thể là không tuân thủ liều lượng và thời gian cách ly khi sử dụng, chúng có thể mang lại những tác động tiêu cực đến sức khỏe con người", tiến sĩ Đỗ Duy Hưng nói.
6-Benzylaminopurine (BAP) là chất điều hòa sinh trưởng thực vật, thuộc nhóm cytokinin, là hormone thực vật được sử dụng phổ biến trong nuôi cấy mô tế bào. Ảnh: Indiamart.
Ông cho hay đối với con người, giá đỗ chứa BAP dư thừa cho thấy nguy cơ gây hại cho gan và thận ở người dùng thường xuyên. Liều lượng BAP cao có thể gây độc tế bào, tăng nguy cơ ung thư nếu tiếp xúc lâu dài qua thực phẩm.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cũng cho rằng 6-Benzylaminopurine có khả năng kích thích sự sinh trưởng bất thường của tế bào trong cơ thể người, dẫn đến tình trạng rối loạn tế bào.
Khi chất này tích tụ lâu ngày, nó có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, biểu hiện qua các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, nôn mửa. Về lâu dài, hợp chất này có thể gây tổn thương gan, làm suy yếu cơ thể và dẫn đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng.
Đặc biệt, tác động của BAP còn nguy hiểm hơn đối với phụ nữ mang thai. Sự tích tụ chất này trong cơ thể người mẹ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi, làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, sinh non, hoặc các bất thường trong quá trình phát triển của trẻ.
Nhận biết nông sản bị lạm dụng hóa chất như thế nào?
Theo chuyên gia của Viện Bảo vệ thực vật, đã có nhiều nghiên cứu về tác hại khi lạm dụng BAP trong nông nghiệp. Cụ thể, sử dụng BAP quá liều (>10 mg/L) gây ức chế sự phát triển của cà chua, làm giảm năng suất.
Tồn dư BAP trong rau xanh ở mức >1 ppm có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa ở động vật thí nghiệm. Khi nồng độ BAP trên 5 mg/L, chồi cây chuối nuôi cấy mô phát triển không cân đối và giảm tỷ lệ ra rễ.
Giá đỗ quá trắng, quá mập, không có rễ có thể là dấu hiệu của việc sử dụng hóa chất kích thích. Ảnh: YT Handmadevn.
Tùy mục đích sử dụng, BAP có thể được dùng với liều lượng từ 10-5.000 ppm. BAP có thể được sử dụng trong nuôi cấy mô thực vật. Nếu sử dụng cho cây ăn quả (giai đoạn ra hoa, đậu quả và giai đoạn quả lớn), nồng độ sử dụng từ 10-50 ppm, thời gian cách ly cần tối thiểu 30 ngày.
Theo tiến sĩ Hưng, người tiêu dùng có thể nhận biết dấu hiệu nông sản bị lạm dụng hóa chất kích thích tăng trưởng thông qua quan sát hình dạng, kích thước hoặc màu sắc. Nông sản tự nhiên thường không hoàn hảo về mặt hình dạng và màu sắc.
Ví dụ, giá đỗ quá trắng, quá mập, không có rễ có thể là dấu hiệu của việc sử dụng hóa chất kích thích. Để đảm bảo an toàn, người dân có thể ưu tiên mua nông sản từ những nông dân, cơ sở sản xuất biết rõ quy trình canh tác, hoặc các cơ sở uy tín, chuyên cung cấp thực phẩm sạch.
Để an toàn hơn, các chuyên gia khuyến cáo nên rửa thực phẩm là nông sản với nhiều nước và rửa dưới vòi nước, sau đó ngâm kèm một chút muối. Sau khi ngâm xong, người dân vẫn phải rửa sạch dưới vòi nước. Phương pháp này là một cách đơn giản để tăng cường độ sạch của trái cây, rau củ và giảm tiếp xúc với chất gây ô nhiễm.
Riêng đối với 6-Benzylaminopurine, PGS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh giá đỗ đã bị tẩm qua "nước kẹo" này không thể làm sạch bằng nước hay bất kỳ dung dịch nào, bởi hợp chất đã thấm sâu vào tế bào thực vật. Do đó, người tiêu dùng cần hạn chế tiêu thụ thực phẩm chứa 6-Benzylaminopurine ngay từ khâu chọn lựa thực phẩm, ưu tiên mua giá đỗ từ các nguồn uy tín, đảm bảo an toàn.
Phương Anh