Hoa cỏ may

Hoa cỏ may
4 giờ trướcBài gốc
Mỗi lúc lội ngược dòng cùng ký ức trẻ trâu cắt cỏ, chăn bò lang thang đồng bãi, tôi hay nhớ đến cỏ may. Giống cỏ nhìn qua khá mộc mạc hiền hòa, chừng như yếu ớt mong manh nếu tách riêng ra từng cọng. Chắc vậy nên cỏ may ít khi nào mọc lẻ loi. Luôn luôn mọc thành vạt, thành đám, lao xao chi chít!
Thân yếu lá mềm nhưng hoa sắc nhọn, thẳng băng, tua tủa đính trên cành hệt những chiếc kim. Kim ấy chỉ chờ tà áo, ống quần hay mảng lông thú vật nhẹ khua là lập tức găm vào. Thi nhau găm chặt, đeo bám kiên cường để có cơ may được “khổ chủ” mang đi xa, thật xa mà phát tán giống nòi. Phải, cái mà ta quen gọi hoa thực chất là hạt cỏ may. Hạt khô chín, biến thành hình chiếc kim khâu nhỏ xíu có cái đuôi trăng trắng nên mới nhìn cứ tưởng là hoa. Hạt nhờ người, nhờ vật mang đi, rớt xuống đâu gặp môi trường thuận lợi sẽ mọc mầm lên cây, tiếp tục nhân giống cỏ may ra đến đó. Cứ vậy mà tuần tự nhân xa, xa tít bốn phương trời…
Biết vậy thôi, nhưng giờ hãy cứ gọi đó là hoa - hoa cỏ may - bởi những hạt cỏ may kia đã lỡ thành hoa khi đi vào thơ nhạc. “Hồn anh như hoa cỏ may/ một chiều cả gió bám đầy áo em” (Nguyễn Bính). Ngày nhỏ đi chăn bò ưa chui bờ lủi bụi, mê chơi đường nào chiều lùa bò ra bãi cũng mang theo hai ống quần găm dày hoa cỏ may. Đứa nào đứa nấy tự động ngồi xuống sắp lượt, cặm cụi chong mắt nhổ cho kỳ hết đám “kim” nếu không muốn về nhà bị… ăn roi. Không được mang hoa cỏ may về nhà, điều cấm kỵ ấy chẳng biết có tự bao giờ. Chỉ biết nó như một lời nguyền bí ẩn mà lũ chăn bò đứa trước đem truyền đứa sau. Trẻ nhỏ hay ưa chuyện huyền hoặc, nghe các anh chị tiền bối chăn bò khuyên răn đương nhiên mắt dẹt mắt tròn tin sái cổ! Sau này lớn lên, tôi mới vỡ lẽ: Té ra chuyện người lớn cấm mang ống quần dính hoa cỏ may về nhà chỉ để tránh chuyện… vô tình nhân giống cỏ may trong vườn ngoài ngõ! Kiến giải hợp lý, có điều “tín niệm linh thiêng” một thời ấu thơ sụp đổ (bởi cái lý do chẳng “linh thiêng” gì ráo) kể cũng hơi buồn…
Thời sinh viên, nghe nhỏ bạn kể: Hoa cỏ may là biểu tượng của tình yêu đôi lứa. Truyền thuyết về loài hoa dại không tên tuổi kia té ra thật buồn và thật đẹp. Đôi tình nhân bị cản trở vì không môn đăng hộ đối phải trốn nhà dắt nhau vào chốn thâm sơn. Có được tình yêu, nhưng nghèo túng, quẫn bách, chàng trai đành gạt nước mắt bỏ vợ ở nhà tha phương kiếm tìm sự nghiệp. Cuộc ra đi ấy không ngờ lại là lần chia tay vĩnh viễn. Cô gái ngày ngày chờ đợi mỏi mòn cho đến lúc chết hóa thành loài cỏ may thân mong manh bàng bạc tím. Mong manh, nhưng sức sống, sức phát triển giống nòi lại vô cùng mãnh liệt. Người ta bảo tập tính ấy nơi loài cỏ may hình thành do khát khao mãnh liệt của người phụ nữ: chết rồi vẫn muốn lên đường; muốn bươn đi xa, thật xa để tìm gặp người chồng yêu dấu. Từng mũi hoa cỏ may thẳng tắp sắc như kim, găm đâu bám chặt đó cũng chính là biểu tượng của tình yêu mạnh mẽ, bộc trực, thủy chung tới chết không rời…
Tôi nghe tự nhiên thấy nhớ thấy thương nhiều hơn loài hoa/cỏ một thời (bất đắc dĩ) gắn bó với tuổi thơ luôn bị ghét bỏ bởi cái tính “kiên cường đeo bám”! Chiều về thăm quê, tình cờ thả bước lãng du ngang qua triền núi, nhìn vạt cỏ may xuôi theo gió chiều tím phớt một màu lung linh sương khói, chợt muốn một lần thả chân trần lội ngang đám cỏ, cho trăm ngàn chiếc kim khâu tự do găm lút ống quần…
Y NGUYÊN
Nguồn Phú Yên : https://baophuyen.vn/93/321150/hoa-co-may.html