Rước Long Châu trong Lễ hội Cầu Ngư năm 2025.
Dựa vào cuốn Dư địa chí Diêm Phố - xã Ngư Lộc và theo linh tích của các bậc tiền nhân để lại thì cách đây hơn 800 năm vào thời kỳ nhà Trần, làng Diêm Phố xưa, Ngư Lộc ngày nay còn là khu đất hoang thuộc xứ Cồn Bò. Cư dân đã về đây đắp đê ngăn nước lập nên làng Diêm Phố, bám biển lập kế sinh nhai. Từ xưa đến nay, người dân làng Diêm Phố với nghề “lọc nước lấy cái”, các thế hệ ngư dân nối tiếp nhau, kiên cường bền bỉ với những con thuyền gỗ, những bè mảng thủ công, nay là tàu máy vẫn vững tay lái, chắc tay chèo, ngày đêm vươn khơi, bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo, vừa khai thác đem lại nguồn lợi từ biển để nuôi sống gia đình và phát triển kinh tế địa phương. Trước biển cả bao la, nơi đầu sóng ngọn gió, người dân Diêm Phố - Ngư Lộc thấy mình nhỏ bé và luôn khát vọng biển khơi gió lặng, sóng yên, ước mơ, mong cầu có những vị thần linh che chở cho cuộc sống được yên bình, hạnh phúc, gặp nhiều may mắn. Xuất phát từ ý nguyện tâm linh, từ cuộc sống lam lũ của con người xứ biển, trí tuệ và sự cần cù sáng tạo của ông cha đã tạo nên lễ hội đặc sắc nơi vùng biển.
Lễ hội Cầu Ngư trước kia gọi là lễ hội Cầu Mát, được hình thành từ thế kỷ 14 - thời Hậu Lê. Hằng năm, vào ngày 24 tháng 2 âm lịch, Nhân dân xã Ngư Lộc đồng tâm thành kính tổ chức Lễ hội Cầu Ngư. Trước ngày lễ hội khoảng 1 tháng, ban tổ chức và các cụ trong xã hợp sức đóng Long Châu, chọn ngày tốt để khai mộc. Vật liệu là tre, luồng, nứa, giấy màu, xốp... Nơi đóng Long Châu là thôn Bắc Thọ. Long Châu mô phỏng như thuyền thật và to như thuyền thật, có chiều dài từ 8 - 8,5m, rộng 2 - 2,5m, tùy từng năm. Long Châu sau khi làm xong sẽ được rước từ nơi đóng về Trung tâm văn hóa nơi tổ chức lễ hội để thực hiện tế lễ. Đầu tiên là rước kiệu từ cụm di tích (Chùa - Đền Liên Hoa) về thôn Bắc Thọ (nơi đóng Long Châu), rồi rước kiệu và Long Châu từ thôn Bắc Thọ về sân Trung tâm văn hóa, đi đầu là kiệu Phật, kiệu Mẫu, kiệu Bát Cống (Tứ vị Thánh nương); rồi đến kiệu Cá Ông; kiệu Đức Vua (Nẹ Sơn); kiệu cỗ mũ (thờ 21 vị quan); đoàn người cầm cờ hội, giáo mác; rước Long Châu khoảng 30 người khiêng; đi sau cùng là Nhân dân, khách thập phương.
Kiệu rước về, đặt lần lượt các kiệu từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, đầu tiên là kiệu Phật, đến Kiệu Mẫu, kiệu Bát Cống, kiệu Cá Ông, kiệu Đức Vua Nẹ Sơn, cuối cùng là Cỗ Mũ. Tiếp đó là bàn đặt lễ vật chung của làng và lễ vật của các thôn. Những ngày diễn ra lễ hội, Long Châu được đặt trang trọng trên sân trung tâm văn hóa để Nhân dân và du khách đến thắp hương, chiêm ngưỡng. Sau các nghi thức tế lễ, Long Châu được tiễn hóa đến với Long Vương và các thần biển, mong các vị thần biển sẽ phù hộ cho ngư dân đi biển được bình an.
Với những giá trị tiêu biểu, năm 2017, Lễ hội Cầu Ngư, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 3421/QĐ-BVHTTDL ngày 11/9/2017 đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia, khẳng định sự trường tồn của văn hóa truyền thống, nét đẹp văn hóa của người dân miền biển. Cùng với tiến trình đi lên của đất nước, quê hương Ngư Lộc đang từng bước đổi mới và phát triển điểm du lịch Diêm Phố - Lễ hội Cầu Ngư mang tín ngưỡng văn hóa dân gian cùng mối quan hệ mật thiết với phong tục tập quán ảnh hưởng lẫn nhau, tồn tại và phát triển cho đến ngày nay mang đặc trưng văn hóa biển. Năm 2025, Lễ hội Cầu Ngư được tổ chức từ ngày 21 đến 23/3 (tức ngày 22-24 tháng 2 năm Ất Tỵ) với nhiều hoạt động phong phú. Có dịp về xã Ngư Lộc vào những ngày diễn ra lễ hội, từ sáng sớm ngày 22 tháng 2 âm lịch, đông đảo người dân vùng biển Ngư Lộc đã tề tựu đông đủ ở cụm di tích Diêm Phố để chờ rước kiệu, rước cỗ, rước Long Châu về Trung tâm văn hóa xã Ngư Lộc tổ chức Lễ hội Cầu Ngư. Đoàn người dọc theo đê biển với rộn ràng trống hội, biểu diễn nhạc Lưu Thủy. Trong những ngày diễn ra lễ hội với nhiều hoạt động như lễ yên vị, tế lễ thánh, diễn xướng chầu văn, thể dục - thể thao, các trò chơi dân gian,... Long Châu đặt trang trọng bên tả sân trung tâm văn hóa xã để Nhân dân và du khách đến thắp hương, chiêm ngưỡng và được tiễn hóa vào ngày 24/2 âm lịch. Lễ hội Cầu Ngư cũng là dịp để người dân tưởng nhớ công đức to lớn của các vị thánh thần đối với cuộc sống của mình và mong muốn gửi gắm vào đó những khát vọng của nghề đánh cá, ra khơi vào lộng, mong muốn được biển lặng, sóng yên, khát vọng về mùa màng bội thu, về một cuộc sống thanh bình, ấm no hạnh phúc “Nhân khang, vật thịnh”. Đồng thời, tạo ra một môi trường sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lành mạnh trong đời sống tinh thần của người dân Diêm Phố xưa, Ngư Lộc ngày nay, giúp con người trở nên hòa hợp, gần gũi nhau hơn. Những mỹ tục được khơi dậy cùng với lòng nhân ái, vị tha, xóa đi ranh giới giàu nghèo, tạo nên sức mạnh đoàn kết để mỗi người dân nêu cao tinh thần cố kết cộng đồng, là dịp để người dân thể hiện nét tài hoa giữa các thôn, làng với nhau. Thông qua lễ hội cũng là dịp địa phương giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế địa phương gắn với lễ hội và điểm du lịch Diêm Phố xã Ngư Lộc.
Bài và ảnh: Ngọc Huấn