Hóa giải khó khăn tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ thông qua ứng dụng công nghệ

Hóa giải khó khăn tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ thông qua ứng dụng công nghệ
7 giờ trướcBài gốc
Phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với bà Đinh Thị Thúy, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần MISA về sự chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - kế toán, cũng như giải pháp công nghệ để các doanh nghiệp nâng cao chất lượng, sự minh bạch trong bức tranh tài chính của mình.
Công nghệ giúp hiệu suất làm việc tăng nhiều lần
Nhìn lại quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - kế toán ở Việt Nam trong những năm qua, bà nhận thấy công nghệ đã thay đổi nghề kế toán như thế nào?
- Bà Đinh Thị Thúy: Xu hướng chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực tài chính - kế toán thuộc nhóm có sự chuyển đổi nhanh nhất. Công nghệ đã gần như thay thế được con người trong rất nhiều công đoạn như nạp dữ liệu đầu vào, kiểm tra dữ liệu, kiểm soát sự hoàn chỉnh dữ liệu cũng như kiểm tra sai sót…
Ví dụ vấn đề hóa đơn đầu ra đầu vào, hiện nay các nhân viên kế toán không còn phải nhập thủ công như ngày xưa. Nhờ có công nghệ, phần đầu vào của mình sẽ là đầu ra của nhà cung cấp. Phần mềm sẽ tự động hạch toán, thậm chí có thể phát hiện được sai sót trong hóa đơn, chứng từ.
Hoặc câu chuyện về chữ ký số, nhờ ứng dụng công nghệ, quy trình trình ký được rút ngắn thời gian, chi phí khá nhiều, mà thời gian là cơ hội, cơ hội là tiền bạc với doanh nghiệp.
Chẳng hạn, một nhân viên kinh doanh sang gặp khách hàng đàm phán hợp đồng. Khách hàng “gật đầu”, nhân viên lại phải chạy về xin chữ ký của lãnh đạo, mà chẳng may “sếp’ lại đi công tác, vài ngày sau mới ký được thì có khi khách hàng lại thay đổi ý kiến rồi. Với công nghệ, dù lãnh đạo doanh nghiệp có đang ở sân golf hoặc đang du lịch cũng có thể ký ngay được.
Chuyển đổi số đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng ở nhiều lĩnh vực
Với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), những người kế toán chưa thành thạo công nghệ họ có thể hỏi trợ lý ảo để hướng dẫn nhập liệu, sử dụng ứng dụng.
Nếu như trước đây, người dùng phần mềm kế toán có thể phải cần đến 5 - 6 thao tác mới lấy được chính xác bản báo cáo cần sử dụng thì nay, với trợ lý ảo, người dùng chỉ cần ra một câu lệnh bằng văn bản hoặc giọng nói, ngay lập tức chủ doanh nghiệp, giám đốc tài chính hay kế toán viên sẽ có được ngay các báo cáo mong muốn với tốc độ ước tính nhanh gấp 5 lần.
Trợ lý ảo trong lĩnh vực kế toán cũng có khả năng phân tích dữ liệu tài chính sâu sắc và đa chiều, giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về cơ cấu thu chi, lợi nhuận, và xu hướng kinh doanh, từ đó hỗ trợ quá trình nhà quản trị ra quyết định chiến lược. Qua đó, cấp lãnh đạo dễ dàng nắm bắt các thông tin tài chính – kế toán nhanh nhất để đưa ra quyết định điều hành kịp thời.
Thậm chí, trợ lý ảo cũng có thể nhắc nhở khi gần đến thời hạn nộp tờ khai thuế, tự động gửi kèm gợi ý lập tờ khai thuế giá trị gia tăng, tự động lập từ khai thuế hoàn thiện và có thể đưa ra thêm gợi ý cho chuyên viên kế toán về sự chênh lệch giữa tờ khai và dữ liệu kế toán.
Dù nhiều tiện ích nhưng việc đầu tư hệ thống công nghệ để chuyển đổi số hẳn là không đơn giản, thưa bà?
- Thực tế, tình trạng phổ biến hiện nay là nhiều doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ, hộ kinh doanh (số lượng rất lớn) thường không đủ ngân sách để thuê riêng một nhân viên kế toán để xử lý công việc. Khi đó, họ có thể tham gia nền tảng dịch vụ kế toán để tìm kiếm các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ kế toán, kê khai thuế.
Điều này giúp tổ chức cá nhân cung cấp dịch vụ kế toán và đại lý thuế nâng cao công suất lên gấp 10 lần. Ví dụ, trước đây, một nhân viên có thể làm báo cáo cho 10 khách hàng thì với công cụ này hiện nay họ có thể làm cho cả trăm khách hàng. Người quản lý có thể ngồi ở bất cứ đâu cũng có thể kiểm tra được công việc.
Trước đây, mỗi lần làm dịch vụ cho doanh nghiệp thì các đơn vị dịch vụ phải đến tận nơi. Doanh nghiệp dùng phần mềm nào thì họ phải sử dụng, thao tác trên phần mềm đó, hoặc họ phải mang chứng từ, dữ liệu về đơn vị rồi trả báo cáo lại doanh nghiệp sau.
Bà Đinh Thị Thúy, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần MISA
Điều này vừa mất nhiều thời gian, đồng thời làm doanh nghiệp không nắm được dữ liệu của mình đi đâu đến đâu. Nền tảng kế toán với ứng dụng công nghệ sẽ giúp chủ doanh nghiệp thuê đơn vị dịch vụ có thể xem và nắm được đầy đủ thông tin. Trong khi, chi phí cho dịch vụ này rất rẻ, chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi tháng, rất hữu ích cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh.
Ngoài doanh nghiệp thì các cơ quan nhà nước có thể áp dụng những công nghệ này không, thưa bà?
- Hoàn toàn có thể và rất hữu ích. Trong mảng tài chính - kế toán ở các cơ quan nhà nước, trước đây thường chỉ hạch toán phần chi tiêu thường xuyên, thì nay nhờ chuyển đổi số thì họ có thể dùng những nền tảng để quản trị ngân sách, tính lương, theo dõi vấn đề tài sản, lập và giao dự toán… rất cụ thể và chi tiết.
Điều này giúp dữ liệu được tập trung, kịp thời để các lãnh đạo địa phương, đơn vị nắm được. Việc này cũng giúp dữ liệu tài chính - kế toán trở nên minh bạch hơn.
Doanh nghiệp nhỏ tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn nhờ công nghệ
Triển khai chuyển đổi số cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt vừa và nhỏ, bà nhận thấy đâu là những khó khăn phổ biến mà doanh nghiệp gặp phải?
- Các doanh nghiệp gặp một số khó khăn lớn như họ vẫn đang sử dụng nhiều ứng dụng rời rạc với nhiều nhà cung cấp khác nhau để phục vụ công việc. Mặt trái của điều này là các ứng dụng không có sự kết nối với nhau cũng như kết nối với các hệ thống khác bên ngoài. Thậm chí, đi cùng với sự phát triển dần của doanh nghiệp, các ứng dụng cũ cũng không còn phù hợp và lại phải thay mới. Nhưng quá trình thay thế, dữ liệu cũ không được đồng bộ lên ứng dụng mới, dẫn đến mất đi tính kế thừa dữ liệu.
Việc tích hợp các giải pháp công nghệ mới vào hệ thống kế toán hiện tại đôi khi gặp phải sự không tương thích về mặt kỹ thuật. Thêm nữa, các quy định và chuẩn mực kế toán thay đổi liên tục, yêu cầu các doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật hệ thống của mình để đảm bảo tuân thủ.
Ngân sách và chi phí cũng là vấn đề không nhỏ. Việc đầu tư vào công nghệ mới thường đòi hỏi một khoản ngân sách đáng kể. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể gặp khó khăn trong việc cân nhắc giữa chi phí và lợi ích của việc áp dụng công nghệ mới.
Thêm nữa, quá trình chuyển đổi từ hệ thống kế toán truyền thống sang hệ thống số hóa đầy đủ có thể gặp nhiều trở ngại, từ việc thay đổi quy trình làm việc đến việc đào tạo lại nhân viên. Trong khi, kỳ vọng của khách hàng ngày càng cao hơn về chất lượng và tính năng của giải pháp công nghệ, yêu cầu các doanh nghiệp phải không ngừng cải thiện và đáp ứng nhu cầu đó.
Cũng từ đó, không ít doanh nghiệp chưa “chuẩn chỉnh” về hồ sơ tài chính, kế toán, dẫn đến gặp khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cũng vì vậy, nhiều lãnh đạo ngân hàng chia sẻ khó giải ngân cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vì quản trị kém, sổ sách kế toán không đúng chuẩn mực, không rõ ràng minh bạch. Vậy, công nghệ giúp giải quyết vấn đề này thế nào? Xin bà chia sẻ một số ví dụ thực tiễn?
- Hiện nay, Việt Nam đang có khoảng 800.000 doanh nghiệp trong đó 97% là doanh nghiệp SMEs, đóng góp khoảng 45% GDP Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp SMEs đang thực sự khó tiếp cận vốn vay, dù nhu cầu vốn của họ rất lớn. Trong khi đó, các ngân hàng lại có rất nhiều nguồn vốn để sẵn sàng cho doanh nghiệp vay.
Vướng mắc khiến ngân hàng và doanh nghiệp chưa gặp được nhau là các doanh nghiệp SMEs thường rất ít tài sản để thế chấp nên phải vay tín chấp.
Doanh nghiệp nhỏ gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng
Để vay được vốn ngân hàng bằng hình thức này thì các doanh nghiệp phải cung cấp các báo cáo tài chính để ngân hàng có cơ sở đánh giá. Trong khi đó, thông tin tài chính của doanh nghiệp SMEs thường không đầy đủ và không được cập nhật thường xuyên. Chưa kể, ở phía ngân hàng, quy trình và thủ tục vay vốn phức tạp khiến doanh nghiệp gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn. Các ngân hàng cho biết 100 hồ sơ gửi đến chỉ xét duyệt vay được 3 hồ sơ, tức khoản 3% hồ sơ được giải ngân.
Nhưng thông qua công nghệ số, hiện nay, ngân hàng và doanh nghiệp hoàn toàn có thể kết nối với nhau. Ví dụ, với phần mềm kế toán và hóa đơn điện tử của MISA, nếu khách hàng có nhu cầu vay vốn thì họ đăng ký MISA Lending. Khi doanh nghiệp đã đăng ký thì có nghĩa họ đồng ý chia sẻ một số chỉ số tài chính cho các ngân hàng khi vay vốn.
Phần mềm này sẽ thu thập và chuẩn hóa dữ liệu để tạo nên một profile hoàn chỉnh của doanh nghiệp SMEs bao gồm các báo cáo tài chính nâng cao, bảng cân đối kế toán… đáp ứng tiêu chuẩn của ngân hàng. Đặc biệt tất cả nguồn dữ liệu này được cung cấp thông qua APIs luôn đảm bảo an toàn và bảo mật.
Do vậy, dữ liệu doanh nghiệp có độ tin cậy cao hơn. Ngân hàng chỉ cần thêm một số điều kiện để thẩm định và có thể giải ngân ngay. Thông thường doanh nghiệp chỉ mất vài phút thao tác và nhận kết quả hồ sơ vay vốn chỉ trong 1 ngày và không yêu cầu phải có tài sản đảm bảo.
Một ví dụ về ứng dụng công nghệ trong việc kết nối doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng
Qua thực tế triển khai, khả năng vay vốn tín chấp thành công gấp 8 lần so với vay vốn trực tiếp tại ngân hàng. Với việc 100% đăng ký vay vốn online, ngân hàng và doanh nghiệp cũng tiết kiệm khoảng 70% thời gian làm hồ sơ vay vốn so với vay vốn truyền thống. Điều này giúp khách hàng lẫn ngân hàng tiết kiệm được thời gian, công sức và tăng hiệu quả giải ngân. Năm 2023, tỷ lệ giải ngân tăng lên tới gần 30%, thay vì 3% như trước đây.
Khuyến khích thử nghiệm và áp dụng công nghệ mới
Thực tế, bên cạnh tiện ích, việc ứng dụng công nghệ cũng đi kèm mối lo về bảo mật. Theo bà, giải pháp nào vừa đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, tạo lập lòng tin, sự yên tâm và bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ tài chính, kế toán?
- Bảo mật là vấn đề lớn của bất cứ đơn vị nào, kể cả Bộ Quốc phòng của Mỹ cũng không thể dám chắc là có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối, quan trọng là sự chuẩn bị và ứng phó thế nào trước sự cố.
Chúng tôi cho rằng cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp từ kỹ thuật đến con người để đảm bảo bảo mật, an toàn thông tin nhất có thể.
Theo đó, các doanh nghiệp cần đầu tư các hệ thống hạ tầng… để đảm bảo an toàn. Đặc biệt, con người là yếu tố rất quan trọng. Các doanh nghiệp phải đào tạo để nhân sự có nhận thức, phát hiện được những rủi ro, nguy cơ để phòng ngừa.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên thiết lập những “liên minh”, liên kết với các doanh nghiệp công nghệ thông tin cũng như các chuyên gia hàng đầu về công nghệ để thảo luận, trao đổi, chuẩn bị ứng phó đối với các sự cố.
Doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư cho an toàn thông tin
Tuy nhiên, doanh nghiệp đừng vì lo ngại mất hay lộ dữ liệu mà không chuyển đổi số. Thực tế, làm thủ công thì nguy cơ mất hay lộ dữ liệu vẫn xảy ra. Đơn giản như việc hỏng ổ cứng máy tính chẳng hạn, khi đó nhiều dữ liệu không được lưu trữ sẽ biến mất. Thay vào đó, dữ liệu lưu trữ trên hệ thống của các tập đoàn lớn sẽ an toàn hơn, do liên tục được chú trọng bảo mật.
Vậy theo bà, cần những giải pháp gì để đẩy nhanh tốc độ số hóa trong lĩnh vực tài chính - kế toán?
- Để đẩy nhanh tốc độ số hóa trong lĩnh vực tài chính - kế toán, các doanh nghiệp và tổ chức cần xây dựng một chiến lược chuyển đổi số toàn diện, bao gồm việc đánh giá và nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo hệ thống có thể tích hợp và mở rộng dễ dàng.
Cụ thể, đầu tư vào công nghệ hiện đại, áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến như ERP (Enterprise Resource Planning), AI (trí tuệ nhân tạo), và dữ liệu lớn để tự động hóa quy trình, nâng cao hiệu suất và giảm sai sót; theo dõi chặt chẽ các thay đổi trong luật lệ và chuẩn mực kế toán để đảm bảo các giải pháp số hóa tuân thủ và cập nhật.
Một vấn đề quan trọng là đầu tư vào đào tạo và phát triển kỹ năng số cho đội ngũ kế toán và tài chính, giúp họ nắm bắt và áp dụng hiệu quả các công cụ số mới; áp dụng các biện pháp bảo mật mạnh mẽ để bảo vệ dữ liệu tài chính và kế toán khỏi các mối đe dọa an ninh mạng; xây dựng hệ thống theo dõi và đánh giá hiệu quả của quá trình số hóa, cho phép điều chỉnh chiến lược một cách linh hoạt.
Đặc biệt, cần tạo điều kiện cho sự đổi mới và sáng tạo trong tổ chức, khuyến khích việc thử nghiệm và áp dụng các giải pháp công nghệ mới.
Cảm ơn bà về những chia sẻ thú vị!
Trí Lâm (thực hiện)
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/hoa-giai-kho-khan-tiep-can-von-ngan-hang-cua-doanh-nghiep-nho-thong-qua-ung-dung-cong-nghe-232038.html