Tuy nhiên, điều khiến mọi người không thể không lấy làm lạ ở chuyện này là cả hai bên đều không tiết lộ nội dung cụ thể của thỏa thuận, đều không tán dương thỏa thuận và đều không bình luận gì về thỏa thuận.
Thông tin về việc Mỹ và Trung Quốc ký kết thỏa thuận thương mại, kể cả những phát biểu liên quan của ông D.Trump đã nhanh chóng bị chìm nghỉm trong muôn vàn câu chuyện chính trị gay cấn của thế giới mấy ngày qua. Giữa Mỹ và Trung Quốc hiện còn bất đồng về nhiều chuyện trong quan hệ song phương, đặc biệt về hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại, hoạt động đầu tư và ứng dụng công nghệ cao. Sau khi trở lại cầm quyền ở nước Mỹ, ông D.Trump đã kích hoạt vòng thương chiến thuế quan bảo hộ thương mại mới với Trung Quốc. Đương nhiên, ông Trump ngay lập tức bị phía Trung Quốc đáp trả. Hai bên sau đó đã thương thảo ở Geneva (Thụy Sĩ) và London (Anh), nhất trí được với nhau về một thỏa thuận khung nhằm thực hiện những gì đã được hai bên thỏa thuận để đệ trình lãnh đạo hai nước quyết định chứ chưa ký kết.
Xem ra, những gì được ông Trump tuyên cáo mới đây là việc Mỹ và Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận khung đạt được nói trên. Đấy không phải là thỏa thuận khung cho quan hệ thương mại giữa hai nước mà chỉ là thỏa thuận khung để thực hiện những gì đã được hai bên thỏa thuận trong thời gian vừa qua ở Geneva và London. Trong khi đó, kết quả hai vòng đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc ở Geneva và London chỉ là sự hòa giải rất nhỏ trong mối bất hòa lớn giữa hai đối tác này.
Không có gì lạ khi Mỹ và Trung Quốc hiện chưa thể khắc phục được mối bất hòa này. Nó quá sâu sắc và quá phức tạp, quá nhạy cảm và lại còn mang tính nguyên tắc cơ bản đối với cả hai bên. Nó chỉ dịu đi chút ít trước khi lại tái bùng phát. Vì thế, đối với cả Mỹ lẫn Trung Quốc, việc kiểm soát diễn biến cấp thiết và quan trọng còn hơn cả việc khắc phục bất hòa. Vì thế, mọi bước hòa giải, dẫu có nhỏ, đều được hai bên rất coi trọng và vẫn luôn rất quan trọng đối với cả hai bên. Cho nên mới có quy trình xử lý lòng vòng là đạt được thỏa thuận nào đấy.
Qua đó, có thể thấy được hai điều.
Thứ nhất, cuộc thương chiến thuế quan bảo hộ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc còn dai dẳng, chưa biết đến khi nào mới tới hồi kết và sẽ được kết thúc như thế nào, nhưng hai bên sẽ không leo thang mức độ xung khắc nhau quyết liệt như cách đây không lâu nữa.
Thứ hai, Mỹ và Trung Quốc trong thời gian tới sẽ tiếp tục đạt được thỏa thuận về hóa giải bất đồng và xung khắc ở một vài khía cạnh cụ thể nào đấy của cuộc thương chiến thuế quan bảo hộ thương mại hiện tại.
Ông D.Trump làm găng với Trung Quốc nhưng lại rất cần thỏa thuận thương mại với Trung Quốc trong khi không vội vã với việc đạt được thỏa thuận thương mại với các nền kinh tế nhỏ và trung bình trên thế giới cũng bị ông D.Trump áp thuế quan bảo hộ thương mại như Trung Quốc. Đặc biệt, thỏa thuận với Trung Quốc giúp ông D.Trump có lợi thế để gò ép các đối tác lớn khác, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU) và Canada vốn thuộc diện khó nhằn nhất đối với ông D.Trump trong cuộc thương chiến thuế quan bảo hộ thương mại hiện tại giữa Mỹ với các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ trên thế giới.
Đại sứ Trần Đức Mậu