Việc dỡ bỏ các rào cản kỹ thuật và thuế quan không chỉ phục vụ mục tiêu đàm phán với Hoa Kỳ mà còn giúp doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường. Ảnh minh họa. (Nguồn: wvlgroup)
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”
Cuộc đàm phán 90 ngày với Hoa Kỳ sẽ mang tính quyết định, nếu làm tốt sẽ có lợi cho xuất khẩu trong nước. Hiện phía Hoa Kỳ đang nghi ngờ Việt Nam là nơi lẩn tránh xuất xứ hàng hóa nên lần đàm phán này không chỉ “đấu” về thuế mà cần giải trình để phía bạn yên tâm, biết doanh nghiệp ta đang làm ăn thế nào, tránh hiểu nhầm dẫn đến việc áp mức thuế cao.
Đây là thời điểm khó khăn nhưng cũng là cơ hội thức tỉnh, đặc biệt là trong mối quan hệ thương mại với phía Hoa Kỳ. Việt Nam hiện có FTA với 17 quốc gia nhưng không có Hoa Kỳ. Hai bên vẫn chỉ đang dừng lại ở Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) ký năm 2001 và BTA+ ký năm 2006 trước khi ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
Vì vậy, Việt Nam cần đẩy nhanh đàm phán để ứng xử với hàng hóa của Hoa Kỳ như một nước có FTA với chúng ta, từ hàng rào thuế cho tới phi thuế quan, cần xem xét từ cả hai phía. Hiện tại, cách tính thuế của Tổng thống Trump là dựa trên thâm hụt hàng hóa mà không nhắc đến việc Hoa Kỳ đang là quốc gia xuất siêu về thương mại dịch vụ sang nhiều nước. Trong lần đàm phán tới đây, chúng ta nên cân nhắc đến yếu tố này. Ngoài ra, cần phân tích để phía Hoa Kỳ hiểu rằng mức thuế quan đó không chỉ gây bất lợi cho Việt Nam mà còn đối với các công ty, doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam.
Về đa dạng hóa thị trường, việc từ bỏ thị trường cũ để chuyển hướng sang một thị trường mới không hề dễ dàng, chưa kể sẽ tốn kém chi phí hơn rất nhiều. Cần tiếp tục giữ thị trường Hoa Kỳ, kết hợp với đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Thị trường nhập khẩu hàng hóa cần đa dạng hơn hiện nay.
Ngoài ra, cần tăng mạnh tỷ lệ nội địa hóa trong chuỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu đi Hoa Kỳ. Tích cực phát triển công nghiệp phụ trợ để đưa Việt Nam khỏi “phận quốc gia gia công”, trước khi vươn lên ngưỡng phát triển cao hơn. Đây cũng là thời điểm để các doanh nghiệp nâng cao nội lực, tăng tính cạnh tranh, giảm sự lệ thuộc vào bên ngoài, vượt qua khó khăn hiện tại và hướng tới phát triển bền vững trong tương lai.
Sinh thời, Bác Hồ đã vận dụng rất sáng tạo và thành công triết lý “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong bối cảnh mới, chúng ta cần tiếp tục vận dụng và lấy đó làm nền tảng để ứng phó với những thay đổi, biến động của tình hình thế giới. Theo tôi, yếu tố bất biến ở đây chính là lợi ích chung, chúng ta cần phải tôn trọng và hài hòa lợi ích của các bên trong thương mại quốc tế.
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công: “Trong nguy có cơ”
Mặc dù phía Hoa Kỳ đã tuyên bố tạm hoãn áp dụng thuế riêng trong vòng 90 ngày để mở đường cho đàm phán, nhưng nguy cơ về thuế đối ứng vẫn đang hiện hữu và rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Không chỉ vậy, Việt Nam còn đối diện với các tác động dây chuyền và chuyển hướng thương mại: Hàng hóa từ các nước bị áp thuế sẽ tìm cách chuyển sang các thị trường khác – trong đó có Việt Nam – làm gia tăng cạnh tranh, nguy cơ gian lận thương mại, “trung chuyển” hàng hóa và bị điều tra chống lẩn tránh thuế.
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công.
Dù đối mặt với hàng loạt thách thức trước mắt nhưng “trong nguy có cơ”, đây là cơ hội để các doanh nghiệp chủ động chuyển đổi và nâng cao sức chống chịu. Trước tình hình trên, VCCI đề xuất năm giải pháp lớn.
Thứ nhất, đối thoại chiến lược với Hoa Kỳ ở cấp cao, nhằm đạt được các thỏa thuận song phương, giảm xung đột, minh bạch thông tin, thúc đẩy nhập khẩu từ Hoa Kỳ (LNG, nông sản, công nghệ cao…), cân bằng thương mại và tạo niềm tin chính trị.
Thứ hai, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và chuỗi cung ứng: Tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để mở rộng thị trường tại EU, Canada, Australia…, đồng thời khai thác các thị trường tiềm năng như Tây Nam Trung Quốc, Trung Đông, Mỹ Latinh và phát triển thị trường nội địa.
Thứ ba, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và công nghiệp hỗ trợ: Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ, phát triển công nghiệp nền tảng như hóa chất, vật liệu mới, logistics, công nghệ cao… nhằm giảm phụ thuộc nhập khẩu và rủi ro thương mại.
Thứ tư, tham gia chuỗi cung ứng chiến lược của Hoa Kỳ: Đầu tư vào các trung tâm kỹ thuật bán dẫn, công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo… để trở thành mắt xích đáng tin cậy trong chuỗi giá trị toàn cầu – đây là cơ hội vàng mà Việt Nam cần chủ động nắm bắt.
Thứ năm, nâng cao năng lực thể chế và hạ tầng: Cải thiện môi trường đầu tư, minh bạch hóa chính sách, nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng logistics – để doanh nghiệp có thể cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham Hanoi) Nguyễn Việt Hà: Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong nước
Mức thuế đối ứng đưa ra không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt Nam mà còn đang gây tác động tiêu cực đến cả doanh nghiệp Hoa Kỳ. Trước thực trạng này, AmCham đã có những kiến nghị chính thức với Bộ Thương mại cũng như Chính phủ Hoa Kỳ, đề nghị xem xét lại chính sách thương mại hiện hành đối với Việt Nam.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham Hanoi) Nguyễn Việt Hà.
Chúng tôi cũng rất vui mừng là trong thời gian vừa qua, dù rất ngắn, Chính phủ Việt Nam đã có những giải pháp bước đầu nhằm xử lý vấn đề này một cách kịp thời và chủ động. Để ứng phó hiệu quả với những diễn biến hiện tại, AmCham khuyến nghị, cần tập trung vào hai hướng chính: Thúc đẩy mạnh mẽ các cuộc đàm phán với phía Hoa Kỳ và đồng thời tăng cường chính sách hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
Liên quan các nỗ lực đàm phán, AmCham đánh giá cao hai giải pháp mà Chính phủ Việt Nam đang triển khai. Trước hết là việc thu hẹp thặng dư thương mại với Hoa Kỳ. Bên cạnh đó là hướng tăng cường nhập khẩu nhiều hơn từ Hoa Kỳ. Hai hướng giải pháp này có vai trò bổ trợ cho nhau vì rất khó có thể thu hẹp được khoảng cách thặng dư thương mại hiện tại.
Về kiểm soát xuất xứ hàng hóa, phía Hoa Kỳ hiện nay chủ yếu quan ngại vấn đề Việt Nam đang sử dụng rất nhiều vật liệu từ nước khác để sử dụng và xuất khẩu sang các thị trường khác. Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động hơn trong việc đa dạng hóa nguồn nguyên liệu nhập khẩu để tránh phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất – điều có thể khiến hàng hóa Việt Nam bị nghi ngờ về xuất xứ.
Các rào cản phi thuế quan hiện đang là điểm nghẽn lớn trong quá trình đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Nội dung trên được AmCham đặc biệt lưu ý trong báo cáo mới nhất, với nhận định rằng đây là phần kéo dài và phức tạp nhất trong toàn bộ quá trình đánh giá thương mại song phương.
Ngoài ra, các thủ tục cấp phép và yêu cầu về giấy chứng nhận cũng đang gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực nhập khẩu thiết bị công nghệ cao. Nhiều mặt hàng tuy đã được sử dụng và công nhận rộng rãi ở các quốc gia trên thế giới, nhưng khi vào Việt Nam lại bị chậm trễ do yêu cầu kỹ thuật phức tạp và hạn chế về năng lực đánh giá của các phòng thí nghiệm trong nước.
Đây là một trong những vướng mắc kỹ thuật lớn mà Việt Nam cần sớm tháo gỡ để tạo môi trường thương mại cởi mở, hiệu quả hơn. Việc dỡ bỏ các rào cản kỹ thuật và thuế quan không chỉ phục vụ mục tiêu đàm phán với Hoa Kỳ mà còn là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cẩm Anh (ghi)
Cẩm Anh