Bán hàng online là phương thức được nhiều cơ sở, doanh nghiệp áp dụng. Ảnh minh họa: Nguyễn Thành/TTXVN
Cụ thể hóa nỗ lực quản lý thuế thương mại điện tử, ngành thuế phối hợp các sàn thương mại điện tử trong nước và nền tảng thương mại điện tử nước ngoài thực hiện tuyên truyền về nghĩa vụ thuế của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời gửi thư ngỏ đến người nộp thuế, xây dựng chuyên mục riêng trên Trang thông tin điện tử của Cục Thuế.
Cùng với đó, đã chính thức vận hành “Cổng Thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký, kê khai, nộp thuế từ thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số”. Đến hết tháng 2/2025, Cổng Thông tin điện tử hỗ trợ 41,5 nghìn hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế trên Cổng Thông tin điện tử hộ kinh doanh với số nộp ngân sách nhà nước là hơn 258 tỷ đồng.
Đồng thời, ngành thuế cũng chú trọng rà soát và làm giàu cơ sở dữ liệu thương mại điện tử. Cục Thuế đã làm việc với 6 sàn thương mại điện tử lớn (Shopee, Tiki, Lazada, Sendo, Tiktok, Grap) để yêu cầu và hỗ trợ các sàn cung cấp lại thông tin đảm bảo đúng, đủ theo quy định. Sau 9 kỳ cung cấp thông tin từ sàn giao dịch thương mại điện tử (từ quý 4/2022 đến quý 4/2024), đã thu thập được thông tin từ 439 sàn cung cấp thông tin đến cơ quan thuế, lượt giao dịch là 40 tỷ lượt và tổng giá trị giao dịch là 366 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, Cục Thuế cũng đang triển khai thu thập thông tin từ các đơn vị vận chuyển, các nhà cung cấp nước ngoài là nhà quản lý nền tảng trực tuyến tại Việt Nam để làm giàu cơ sở dữ liệu thương mại điện tử. Theo Cục Thuế, tính đến nay đã có 130 nhà cung cấp nước ngoài gồm Meta, Google, TikTok, Microsoft… đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Riêng 2 tháng đầu năm 2025 các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp ngân sách nhà nước ước đạt 2.791 tỷ đồng
Năm 2024, ngành thuế thu được khoảng 116 nghìn tỷ đồng tiền thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, tăng 20% so với năm 2023 thực hiện. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành thuế cũng như nhận định của các chuyên gia kinh tế, số thu trên chưa tương xứng với tiềm năng bởi nhiều nguyên nhân.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, việc xác định danh tính của các chủ thể kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử gặp trở ngại lớn do thông tin cá nhân thường bị ẩn danh, dẫn đến khó khăn trong việc truy vết và quản lý đối tượng kinh doanh.
Bên cạnh đó, việc theo dõi và kiểm soát các giao dịch phát sinh cũng gặp trở ngại khi phương thức thanh toán tiền mặt, đặc biệt là COD (trả tiền mặt khi giao hàng), vẫn được sử dụng phổ biến. Điều này khiến cho việc xác định doanh thu, giá trị thực tế của các giao dịch trở nên không chính xác và thiếu minh bạch.
Ngoài ra vẫn còn hiện tượng, các cơ sở kinh doanh, người nộp thuế chưa tuân thủ đúng quy định về pháp luật đăng ký kinh doanh, pháp luật thuế dù cơ quan thuế đã tăng cường tuyên truyền chính sách và nghĩa vụ thuế.
Các chuyên gia cũng chỉ ra trên các sàn thương mại điện tử nhiều cá nhân kinh doanh vẫn chưa đăng ký kinh doanh và thuế, gây khó khăn cho cơ quan thuế trong việc rà soát, quản lý và xác minh đối tượng để đưa vào diện quản lý chính thức.
Do đó, để quản lý tốt thuế thương mại điện tử chống thất thu ngân sách, đảm bảo công bằng mọi loại hình kinh doanh Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Quản lý thuế, Luật Thương mại điện tử và các văn bản hướng dẫn theo hướng yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ logistic, các nhà quản lý nền tảng thương mại điện tử cung cấp thông tin về các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử bao gồm các tổ chức, cá nhân livestream bán hàng, tiếp thị liên kết bán hàng.
Cùng với đó, tiếp tục củng cố, làm giàu cơ sở dữ liệu về thương mại điện tử, xây dựng mô hình quản lý rủi ro đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, theo đó áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý dữ liệu lớn, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp có rủi ro về thuế.
Ông Vũ Mạnh Cường, Phó Cục trưởng Cục Thuế, kiêm Chi Cục trưởng Chi cục Thuế khu vực I cho biết, thời gian qua đơn vị đã tập trung quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử theo hướng số hóa, định danh, định vị đối với tổ chức, cá nhân, thông tin dữ liệu về các giao dịch và đối tượng kinh doanh thương mại điện tử được cập nhật thường xuyên, liên tục, từ đó xác định đúng nghĩa vụ của người nộp thuế.
Theo đó, Chi cục Thuế Khu vực I đã rà soát, phân nhóm đối tượng để có giải pháp quản lý phù hợp như nhóm cá nhân có dịch vụ cung cấp cho các nhà mạng lớn như Google Play, facebook, Apple Store…; nhóm cá nhân cho thuê nhà thông qua các trang mạng; nhóm các cá nhân phải trả phí cho các nhà mạng theo các dịch vụ quảng cáo; nhóm các doanh nghiệp, tổ chức điều hành các sàn thương mại điện tử như Sendo, Tiki...
Thùy Dương (TTXVN)