Hoa Kỳ tìm cách đưa sản xuất về nội địa:Lối đi nhiều gập ghềnh

Hoa Kỳ tìm cách đưa sản xuất về nội địa:Lối đi nhiều gập ghềnh
2 ngày trướcBài gốc
Hoa Kỳ có tiềm lực mạnh để sản xuất hàng hóa “Made in USA” nhưng chuyển đổi quy mô lớn trong thời gian ngắn đặt ra nhiều thách thức. Ảnh: Apple
Những năm qua, đại dịch Covid-19, căng thẳng thương mại và tình trạng thiếu hụt linh kiện, đặc biệt là chất bán dẫn cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ phụ thuộc nhiều vào sản xuất nước ngoài. Mặc dù có nhiều lợi thế cho sản xuất - từ thị trường nội địa rộng lớn và giàu có, chính sách khuyến khích sản xuất đa dạng, cho tới hàng loạt trung tâm nghiên cứu và phát triển quy mô lớn… nhưng việc kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất tại chỗ không dễ dàng.
Trở ngại lớn nhất là chi phí. Hoa Kỳ duy trì mức lương tối thiểu và các chế độ phúc lợi cao hơn so với các quốc gia đang phát triển - nơi đã trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà máy vì chi phí nhân công rẻ. Tại Hoa Kỳ, doanh nghiệp phải trả mức lương trung bình cao gấp nhiều lần, cộng với các chi phí bảo hiểm, thuế và quy định an toàn lao động khắt khe. Điều này dẫn đến chi phí tăng cao, khiến doanh nghiệp sản xuất tại Hoa Kỳ gặp khó khi cạnh tranh về giá với hàng hóa sản xuất ở nước ngoài.
Tiếp đến, nước này cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chế tạo và kỹ thuật. Nhiều lao động trẻ có xu hướng chọn các ngành nghề dịch vụ, công nghệ hoặc tài chính, thay vì làm việc trong nhà máy sản xuất.
Việc xây dựng lại mạng lưới đào tạo nghề và khôi phục văn hóa làm việc trong lĩnh vực sản xuất là một quá trình dài và tốn kém. Nhiều quan điểm cho rằng, dù việc sản xuất trong nước có thể ứng dụng tự động hóa và công nghệ, nhưng điều này lại không tạo ra việc làm, vốn là một trong những mối quan tâm của chính quyền Hoa Kỳ. “Những nhà máy có thể trở về Hoa Kỳ nhưng việc làm thì không”, nhà kinh tế Daron Acemoglu tại Viện Công nghệ Massachusetts bình luận.
Mặt khác, dù Hoa Kỳ có hệ thống hạ tầng giao thông và logistics hiện đại nhưng việc phục hồi sản xuất đòi hỏi đầu tư lớn vào cơ sở vật chất công nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều khu công nghiệp của nước này bị bỏ hoang, xuống cấp do không được sử dụng, đòi hỏi chính quyền địa phương phải huy động nguồn lực khổng lồ để đầu tư cải tạo. Đây là một quá trình không thể diễn ra “một sớm một chiều”. Ngay cả khi “làm tổ” thành công, việc có thể thu hút nhà đầu tư lại là câu chuyện khác.
Trong thời kỳ toàn cầu hóa, các công ty đa quốc gia đã xây dựng các chuỗi cung ứng trên khắp thế giới. Mỗi linh kiện, mỗi bộ phận có thể được sản xuất ở nhiều khu vực khác nhau, sau đó lắp ráp tại một nước trước khi sản phẩm hoàn chỉnh, đưa ra thị trường. Việc "bẻ gãy" chuỗi cung ứng toàn cầu để đưa toàn bộ quá trình sản xuất về lại một quốc gia như Hoa Kỳ là cực kỳ phức tạp, nếu không muốn nói là bất khả thi với một số ngành. Theo chuyên gia Willy Shih (Trường Kinh doanh Havard), sản xuất nội địa chỉ khả thi khi chuỗi cung ứng được “đưa về gần Hoa Kỳ”.
Cạnh tranh với những quốc gia vừa có chi phí thấp, vừa có năng lực công nghệ đang trở thành bài toán khó cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Tái thiết toàn bộ chuỗi cung ứng trong nước sẽ mất nhiều năm và đòi hỏi đầu tư khổng lồ cả về tài chính lẫn công nghệ. Hãng Apple cho biết, sẽ cần tới 500 tỷ USD trong 4 năm tới để thúc đẩy các nỗ lực sản xuất tại chỗ. Thách thức lớn trong việc ngay lập tức sản xuất thiết bị điện tử tại chỗ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước đã buộc Hoa Kỳ phải ban hành 20 danh mục sản phẩm miễn thuế, trong đó có các thiết bị bán dẫn, linh kiện, chíp và màn hình phẳng…
Vấn đề pháp lý cũng đặt ra thách thức với việc đưa sản xuất trở lại xứ Cờ hoa. Trong đó, các gói hỗ trợ tài chính, giảm thuế cho doanh nghiệp thường bị chỉ trích là tạo ra sự can thiệp của nhà nước vào thị trường tự do, chỉ mang lại lợi ích cho các tập đoàn lớn. Hệ thống pháp lý và quy định môi trường tại Hoa Kỳ rất nghiêm ngặt, khiến chi phí mở nhà máy và vận hành sản xuất bị đội lên...
Việc đưa sản xuất về nội địa là một mục tiêu chiến lược quan trọng của Hoa Kỳ nhằm tăng cường khả năng tự chủ, bảo vệ an ninh kinh tế và tạo thêm việc làm cho người dân. Tuy nhiên, con đường hiện thực hóa mục tiêu này còn nhiều rào cản và Nhà Trắng cần một chiến lược dài hạn và bền vững.
(Theo Cleverence, MIT)
Hoàng Linh
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/hoa-ky-tim-cach-dua-san-xuat-ve-noi-dia-loi-di-nhieu-gap-ghenh-698839.html