Tổng thống Donald Trump
Động thái này đưa Hoa Kỳ cùng với Iran, Libya và Yemen trở thành những quốc gia duy nhất trên thế giới không tham gia Hiệp ước năm 2015, Hiệp ước mà các Chính phủ đã đồng ý hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C (2,7 độ F) so với mức trước thời kỳ công nghiệp, để tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
Điều này phản ánh sự hoài nghi của ông Trump về hiện tượng nóng lên toàn cầu, và phù hợp với chương trình nghị sự rộng lớn hơn của ông nhằm giải phóng các công ty khoan dầu khí của Hoa Kỳ khỏi các quy định, để họ có thể tối đa hóa sản lượng.
Tổng thống Trump đã ký lệnh hành pháp rút khỏi hiệp ước trước sự chứng kiến của những người ủng hộ tập trung tại Capital One Arena ở Washington.
"Tôi sẽ ngay lập tức rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris không công bằng và thiên vị này", ông nói trước khi ký lệnh.
"Hoa Kỳ sẽ không phá hoại các ngành công nghiệp của chúng tôi trong khi Trung Quốc vẫn gây ô nhiễm mà không bị trừng phạt", ông Trump nói.
Người phát ngôn của Liên Hợp Quốc Florencia Soto Nino cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản rằng bất chấp việc rút lui, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres vẫn tin tưởng rằng các thành phố, tiểu bang và doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thể hiện tầm nhìn và khả năng lãnh đạo, bằng cách nỗ lực hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững, ít carbon, tạo ra nhiều việc làm chất lượng.
"Điều quan trọng là Hoa Kỳ vẫn là nước đi đầu trong các vấn đề môi trường", bà Nino nói. "Những nỗ lực chung theo Thỏa thuận Paris đã tạo nên sự khác biệt nhưng chúng ta cần phải cùng nhau tiến xa hơn và nhanh hơn nữa".
Hoa Kỳ phải chính thức thông báo cho Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres về việc rút lui của họ, theo các điều khoản của thỏa thuận, điều này sẽ có hiệu lực một năm sau đó.
Hoa Kỳ hiện là quốc gia khai thác dầu mỏ và khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới nhờ vào hoạt động khoan dầu bùng nổ kéo dài nhiều năm ở Texas, New Mexico và những nơi khác.
Yến Anh
Reuters