Hoa nắng rơi đầy

Hoa nắng rơi đầy
6 giờ trướcBài gốc
Ông Hai Búa từ trên giàn giáo cao 3m gọi xuống đòi gạch đòi hồ hai ba lần mà thằng Cu Sún vẫn mải ngó vào cái điện thoại của anh Tí Lùn làm ông Hai phải gõ cộp cộp vào cái máng hồ để làm tín hiệu báo thợ đang cần gạch.
*
Hai Búa là ông thầu thợ hồ giỏi nhất xóm Hốc Trâm. Ông tận tụy trong công việc, tường sắp xây, ông cho culi lót manh hứng hồ đồ để tận dụng cho chủ nhà. Gạch trước khi xây, ông đều nhúng nước cho ướt rồi mới phết hồ lên. Ông nói như vậy để không bị “cháy tường”. Đặc biệt hồ ông sẽ phết đầy cả viên gạch khi xây, như vậy tường sẽ kín và không bị thấm nước sau này.
Là một ông thầu tuổi sáu mươi nên ông Hai Búa rất khó tính nhưng rất kỹ lưỡng. Ai yêu thích sự kỹ tính này đều sẽ nhờ ông Hai xây nhà. Có trường hợp, sẵn sàng chờ ba tháng để ông hoàn thành công trình này rồi mới đến công trình của mình.
Thầu kiểu ổng Hai Búa là thầu truyền thống chứ không được học hành trường lớp đại học xây dựng như người ta. Thành ra ông Hai chỉ nhận công trình tư nhân lẻ tẻ thôi. Vậy mà công việc làm cũng không kịp thở đó. Vậy mà đệ tử theo ông cũng năm, sáu thằng. Hai ngày nay thì thêm thằng cu Sún này đây.
Minh họa: Hà Huy Chương
Nhớ bữa tối hôm kia, bà “Tư cô đơn” đến nhà ông Hai tầm đâu cũng gần 10 giờ đêm. Chả gì, vì bào mì về giấc nào thì bả đến giấc đó thôi, chứ quan tâm gì chuyện hôm sớm. Cô Tư quẹt mồ hôi bằng hai ống tay áo, gương mặt vì thế cũng lem nhem theo cùng tiếng thút thít rằng anh Hai, anh phải giúp em một chuyện nha! Thiệt ngoài anh ra, em không biết nhờ ai luôn đó! Là thằng Sún nhà em đã bỏ học cả tháng, rồi em được nhà trường thông báo là nó bỏ học cả tháng rồi. Nó thì nói không muốn học nữa, muốn ban ngày đi làm, tối về chơi game thôi. Hức…hức…
Ông Hai Bua chưng hửng, làm như ổng là cha của thằng Sún không bằng vậy à? Mẹ dạy không được con thì tới ăn vạ ổng sao?
Nhưng khi biết bà Tư cô đơn chỉ muốn gửi thằng cu Sún đi làm cu li thợ hồ cho nó “biết đá biết vàng” mà quay về học tập thì ông Hai Búa gật đầu lia lịa. Ổng nói hiểu rồi, nhưng sợ tui cũng không dạy được ông thần của cô đâu nha! Nhưng thôi để tui dắt nó theo vài ngày cho nó biết cực, cho nó thấy đi học là sướng nhất. Mà nói trước, nó mà lì quá, tui xốp vài bạt tai thì cô đừng phiền nha!
Bà Tư cô đơn quẹt nước mũi, cười hì hì rằng được anh Hai nhận lời là em mừng lắm rồi… Cái thứ con không cha mà được anh đánh cho vài bạt tai là tốt lắm rồi anh Hai ơi…
*
- Cơm đêeee…
Tiếng anh Tí Lùn vang lên như một phép màu của bà tiên trong cổ tích khiến cho mọi hoạt động đều ngừng lại. Ai đang xây ngừng xây, ai đang bưng gạch ngừng bưng, ai bơm nước ngừng bơm, ai trộn hồ ngừng trộn... Tất cả chung một điểm đến là cái xô nước rửa tay để ăn cơm trưa thôi. Giữa đồng làng nắng táp, gió nổi tứ bề, nắng giăng tứ phía như đổ sao vào mắt. Thì những chiếc hộp cơm bày ra thơm nức mùi thịt nướng, rau cải xào thì quá là tuyệt vời còn gì. Vậy mà thằng cu Sún lắc lắc cái cổ bị nghẹn len lén hỏi về tô canh sườn hầm khoai tây như mẹ của nó hay nấu cho nó ăn mỗi buổi đi học về.
- Canh… canh ông nội mày chứ canh! Đi làm mà mày tưởng ở nhà mâm cao cỗ đầy của má mày hả?
Anh Tí Lùn quát làm thằng Sún quê một cục. Anh còn làm thêm một tăng là anh tức thằng Sún lắm. Anh không được đi học, phải đi làm phụ mẹ nuôi em. Sún được đi học, có má và anh nuôi chăm o mập thây chỉ việc học thì lại trốn để ở lại lớp cho má mày buồn phải khóc lóc năn nỉ ông Hai Búa nhận mày theo làm…
Thằng Sún im lặng ăn và hình như không nói gì suốt bữa. Nhìn nó rướn cổ nuốt hộp cơm không có canh giữa cái nắng trưa như nở hoa giữa đồng khiến ông thầu Hai Búa cũng thương lắm chứ! Nhưng kệ, phải rèn ít hôm cho ớn.
*
Hồi đó ba Sún bỏ đi theo “vợ nhỏ” rồi, má Sún khóc một chặp rồi cũng thôi chứ “giữ người ở lại, chứ ai giữ kẻ ra đi” cho được. Chị vẫn tiếp tục theo mấy cái lò mì tại địa phương làm công việc của một nhân công bào vỏ mì sinh sống.
Gồng mình nuôi con được vài năm nữa thì thằng trai lớn lên 13 tuổi, phải nghỉ học để theo mẹ bào mì. Mười sáu tuổi, anh trai của Sún bị tai nạn lao động gãy chân, phải nằm suốt ba bốn tháng trời.
Mọi hy vọng chỉ còn dồn vào thằng Út, mong nó học hết lớp 9 rồi lên trường nghề, học hệ trung cấp cái ngành gì đó gọi là “có bằng cấp” với người ta.
Vậy mà “độ” nó được tới lớp 8 thì nó mê game trốn học suốt.
Lần cuối cùng má Sún phát hiện là nó đã bỏ trường bỏ lớp rồi. Má “bắt được” Sún ở dịch vụ internet Thơm khi sáng hôm đó về trễ, bà đi chợ và nhác thấy bóng con mình ở cái tiệm game đầu chợ Hốc Trâm.
Những giọt nước mắt của uất hờn, tủi cực đã rơi xuống. Bàn tay gầy guộc tất nhiên đã giơ lên để đánh con thỏa bao nóng giận. Nhưng sức người mẹ chớm năm mươi làm sao bằng sức thằng con đang lớn. Nó đứng im cho mẹ phát vài bạt tai rồi lóc cóc đạp xe theo mẹ về.
Hóa ra Sún đã trốn học gần một tháng rồi đổ thừa… bài vở khó quá!
Anh Hai bảo, đi học mà mày nói khó, vậy mày đi vác bột mì như tao đi, để rồi bị tai nạn lao động gãy giò như tao nè! Coi khó hay dễ nhé!
Sún cúi gằm mặt nghe mẹ và anh mắng, nhưng nó luôn miệng bảo học khó quá… nó chỉ muốn ngày đi làm, tối về chơi game thôi. Không dạy bảo được nữa nên mẹ Sún quyết định gửi nó cho bác Hai Búa để nó đi làm mà biết đá biết vàng”.
*
Thằng Sún lê tấm thân bê bết vôi vữa vào tới thềm nhà thì nằm vật xuống:
- Trời ơi mệt… mệt chết đi được! Ông Búa muốn hành con hay gì á má, chứ sao bắt làm tới sáu giờ chiều! Có cơm chưa má? Con đói quá!
Tiếng ho khan vọng ra báo hiệu rằng má Sún không khỏe, nhà cũng chưa bật đèn luôn. Nó ráng lết cái mông dơ hầy tới cái công tắc, bật đèn cho nhà sáng rồi bước đến cánh võng sờ lên trán má. Mẹ Sún nóng như hòn than đỏ, ôm bụng lắc qua lắc lại khiến thằng bé tuổi 14 phải rụt tay lại và gọi điện cho anh Hai nói về tình hình của mẹ.
Anh Hai của Sún theo xe giao bột từ trưa tới tối chưa về, nên có biết gì việc má bệnh. Cứ tưởng bà vẫn khỏe mạnh đánh vật với mấy tấn khoai mì như hàng ngày vậy thôi.
Qua sóng điện thoại, anh Hai bảo Sún đi ra nhà thuốc tây mua phần thuốc hạ sốt, mệt mỏi, đau bụng cho má uống đỡ. Ghé quán cô Hai Mập mua bịch cháo thịt băm về đút má ăn rồi hãy cho uống thuốc. Rồi anh Hai về tính sau!
Thằng Sún lo lắng hỏi chừng nào anh Hai mới về, em không biết chăm người bệnh đâu mà. Anh Hai bảo ráng đi, ráng đút má ăn, lấy khăn nhúng nước đắp lên đầu má. Còn anh chắc 10 giờ đêm mới tới nhà.
Nét mặt cu Sún lo lắng hiện rõ. Nó quên mất mình đang mệt, nó nhảy phốc lên xe đạp đi mua cháo và thuốc cho má. Lượt về, Sún ghé vào nhà bác Hai Búa, nó kêu ầm rằng má con bệnh kì lắm… anh Hai con đi làm chưa về, con thì không biết làm gì nữa bác Hai ơi!
Vợ chồng bác Hai Búa chạy qua, cô Út Hà hàng xóm sát vách cũng bước tới.
Tình hình má Sún có vẻ không ổn, ngoài sốt, ho, người mất trọng lực thì chị còn nôn khan và đau bụng dữ lắm.
Hàng xóm thêm vài người đến, cô Út Hà bảo: “Sún soạn ít quần áo cho má mày để cô đưa bả đi bệnh viện”. Sún lắp bắp: “Nhưng con… con không có tiền… cũng không biết quần áo mẹ con ở đâu…”.
Vợ bác Hai Búa a lô gọi taxi. Bà con chòm xóm dúi những tờ tiền vào tay má Sún… Má thều thào dặn Sún tắm, rửa tay ăn cơm, đậy lồng bàn chừa phần anh Hai.
Má nắm tay Sún, sờ mặt Sún hỏi đi làm có mệt lắm không, má thật không biết cách nào để dạy con được nữa.
Sún khóc hu hu, nói má cứ yên tâm đi bệnh viện, con hiểu rồi, con sẽ cố gắng làm việc với bác Hai.
Môi người mẹ gầy chợt nở nụ cười trước khi taxi đóng cửa.
*
Sáng sớm hôm sau chưa sáu giờ đã thấy Sún thập thò ở căng tin bệnh viện.
Nó đi mua cháo và đang tìm đường tới phòng 202 của má.
Anh Hai của Sún vẫn không nghỉ việc để chăm má được. Mọi việc chăm người bệnh sẽ do thằng con mười bốn tuổi lo liệu. Cô Út Hà đã cho biết mẹ Sún ở phòng nào, dãy nào, chỉ cần Sún tới chăm mẹ, để nghe bác sĩ bảo gì thì làm theo thôi.
Bệnh viện huyện lớn quá, lớn trong tầm mắt của thằng bé chưa một lần ra khỏi nơi nó sinh sống. Bao năm nay chỉ quanh quẩn từ nhà tới trường, rồi qua lò mì, thi thoảng thì tạt vào tiệm net một chút. Chứ có đi đâu ra khỏi xóm ấp mà biết bệnh viện huyện lớn thế này.
Phòng siêu âm ở đâu? Phòng X-quang nơi nào? Khu vực thu viện phí? Căn tin bệnh viện? Đều là những địa chỉ mà thằng bé mười bốn tuổi nháo nhác tìm.
Không còn quần áo lem nhem như lúc nói chuyện với anh Tí Lùn như hôm qua ở công trình nữa. Bây giờ thằng Sún sạch sẽ tinh tươm nhưng ngơ ngác trong môi trường bệnh viện.
Rồi nó cũng hỏi thăm được tới phòng 202 của mẹ. Mẹ Sún nằm thiêm thiếp, chẩn đoán ban đầu do suy nhược cơ thể và đau bao tử, hở van tim. Người bệnh nằm im dưới sợi dây dịch truyền, hết chai nước biển màu trắng rồi lại tới chai màu vàng.
Thằng bé Sún bắt đầu thắc mắc là tại sao nước biển trong tivi màu xanh mà múc bỏ vô chai xong thì màu trắng và màu vàng? Nhưng nó không dám hỏi ai cả, nó sợ bị mắng như bác Hai Búa hoặc anh Tí Lùn đã từng mắng nó.
Hộp cháo Sún mua, má chỉ ăn có bốn muỗng rồi kêu mệt, kêu đau không muốn ăn nữa. Bỏ cũng phí nên Sún ta ăn luôn cho xong.
Lần đầu tiên trong đời Sún biết tìm sọt rác để bỏ rác. Chứ nào giờ ở nhà, cứ quăng rác ra sau hè, rảnh thì má quét dọn và đốt. Sún chỉ có nhiệm vụ ăn đi học rồi nấu cơm, rửa thau chén là xong. Bây giờ nó chợt thấy hành động bỏ rác vào sọt sao mà hay ho và vệ sinh quá chừng.
Rồi cái bụng Sún chợt réo èo èo… Thì ra đã mười giờ sáng rồi mà chưa ăn gì cả. Nó móc trong túi quần ra tờ hai trăm ngàn mà cô Út Hà đưa cho ban sáng.
Ngần ngừ muốn đi mua hộp cơm sườn và chai nước ngọt “ăn uống cho đã thèm” nhưng rồi chợt nhớ lời cô ấy dặn rằng: “Ở bệnh viện phải xài tiền nhín nhín, vì trăm thứ trăm tiền đó con”.
Tâm tư nó giằng xé giữa việc hộp cơm sườn và chai nước ngọt “cho đã thèm” và việc “xài nhín nhín”. Thì bỗng nhiên có một nhóm anh chị áo sơ mi xanh cầm chiếc loa nhỏ rao khắp các hành lang rằng “Mời bà con thân nhân bệnh nhân ra nhận cơm yêu thương của đoàn viên phường Đoàn gửi tặng aaaaạ”.
Tiếng rao đó khiến thằng Sún vui như bắt được vàng, nó chạy thật nhanh ra khu vực phát cơm và đã thấy lố nhố nhiều bóng đàn ông, đàn bà già cả có, trung niên cỡ tuổi mẹ mình có. Ai cũng nghèo nghèo và nét mệt mỏi hiện rõ trên gương mặt. Sún chờ hơn chục người mới đến lượt mình. Mấy anh chị Đoàn viên ngạc nhiên vì hầu như chỉ có Sún là nhỏ nhất trong nhóm thân nhân bệnh nhân. Cầm hộp cơm và chai sâm lạnh rồi, mùi thịt nướng sả thơm phức làm Sún thấy… lòng tham nổi dậy, nó hỏi khẽ “cho em hai hộp được không chị?”.
Chị áo xanh tóc dài ơi là dài ấy nhanh nhẹn nói, “Được chứ! Ba hộp cũng cho em luôn”. “Dạ em xin hai hộp thôi ạ, để ăn buổi chiều, khỏi mua cơm tốn tiền”.
Sự hồn nhiên chân thành của Sún làm mấy anh chị Đoàn viên chú ý, họ hỏi nó nuôi ai, phòng số mấy, bệnh gì…
Sún ta thật thà khai tên họ và bệnh trạng và phòng của mẹ. Mấy anh chị áo xanh thì lấy bút ghi ghi rồi họ tiếp tục phát cơm cho người khác.
Hộp cơm sườn nóng hổi, đầy vun còn đắp thêm cái trứng và mớ dưa cải chua làm Sún ăn ngon còn hơn cả cơm tiệm. Chai sâm lạnh cũng thơm ngon vô cùng. Ăn xong, cơn buồn ngủ kéo đến, Sún chỉ kịp cắm ống hút vào hộp sữa trao cho mẹ rồi nó trèo lên chiếc giường cạnh bên mẹ mà ngủ một giấc ngon lành.
Mái đầu ngây thơ đã ngủ ngon, mùi khét nắng của mái tóc ấy bay thoảng vào mũi người mẹ nghèo. Bây giờ chị mới có dịp nhìn rõ con mình. Móng tay móng chân nó dài và đen trông dơ bẩn quá. Nơi ống quyển chân trái có một sẹo dài tự bao giờ chị không biết. Bên đầu gối phải thì vết bầm xanh sưng rất to. Khi nó cười, người mẹ còn phát hiện cái hàm răng vàng vàng đầy mảng bám…
Chị thở dài cho cảnh nhà của mình. Chẳng biết bao giờ mới có thể thảnh thơi, cứ ngày nào như ngày nấy, sáng sớm là cơm ăn cơm dở đến lò mì tới tối khuya mới về. May thằng trai lớn hiểu chuyện nên chịu làm lụng phụ mẹ. Chỉ còn thằng trai nhỏ trong tuổi ăn tuổi học này. Vậy mà cũng chẳng chịu học cho, bỏ học đi chơi mà còn không biết chăm sóc bản thân nữa. Gì mà tóc tai bù xù khét lẹt, chân đầy sẹo, tay đầy móng, răng cỏ dơ bẩn quá.
Chị mệt mỏi và thiếp đi trong khi hoa nắng vẫn rơi đầy trên mái tôn bệnh viện huyện.
Không biết cho đến bao lâu, mẹ Sún tỉnh giấc khi nghe tiếng nữ hộ lý:
- Đây… đây các em. Phòng 202, bệnh nhân Nguyễn Thị Ngọc Bích, suy nhược cơ thể, viêm loét dạ dày tá tràng, cao huyết áp, hở van tim…
Thằng Sún bật dậy như cái lò xo khi trong phòng lố nhố những bóng anh chị áo xanh phát cơm của buổi sáng. Trên tay họ là những phần quà mà thằng Sún suýt nữa nhảy cẫng lên vì mừng. Vì đó là những bánh kẹo, sữa uống, mì, cháo… nhiều đến nỗi mẹ con nó chưa bao giờ mua một lần nhiều như vậy!
Cô hộ lý nói với bệnh nhân rằng: “Đây là các em Đoàn viên, họ đến thăm bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đó chị Bích”.
Mẹ Sún gượng ngồi dậy, nhóm nam thanh nữ tú áo xanh bảo: “Cô cứ nằm nghỉ ạ, đây là chút tấm lòng của tụi con, mong cô nhanh vượt qua bệnh tật”.
Họ hỏi Sún tên gì, lớp mấy, trường nào. Hóa ra Sún có họ tên đi học rất đẹp: Trần Nhật Minh.
Chị Đoàn viên tóc dài bảo: “Nhật Minh ơi, sau mấy ngày chăm sóc mẹ thì về ráng đi học nhé, có thiếu sách vở, tập sách, quần áo gì thì anh chị sẽ giúp cho. Đừng ham chơi bỏ học tội nghiệp mẹ, mà cũng rất uổng cho mình nha cưng”.
Ôi sao chị nói năng ngọt ngào như cô giáo dạy Văn của Minh vậy? Nó cảm thấy phi vụ bỏ học vừa qua để bị ở lại lớp 8 khiến bản thân thật là có lỗi. Minh cúi đầu lí nhí trả lời rằng:
- Em sẽ ráng học ạ. Nhưng… nhưng làm sao em có thể mặc áo xanh và đi… phát cơm như mấy anh chị ạ? Em thấy đi vầy… vui và giúp cho người khác vui nữa ạ…
Anh chị Đoàn viên đáp rằng, trước tiên Sún phải học thật tốt, rồi mấy anh chị Xã Đoàn ở địa phương sẽ làm hồ sơ kết nạp Đoàn cho cưng. Vậy là từ đó cưng sẽ đi hoạt động Đoàn như mấy anh chị thôi!
Thằng Sún ồ dze liên tục vì cho rằng vậy thì quá dễ, nó sẽ cố gắng học, không trốn học đi chơi game nữa, để mẹ hết buồn, hết… chửi nữa!
Anh chị Đoàn viên hoan hô Sún quá chừng rồi bảo nó rằng ngoài rào bệnh viện có nhóm anh chị cắt tóc miễn phí, Sún ra ngoài ấy mà cắt tóc cho đẹp trai nha!
Thằng bé tuổi mười bốn vừa ôm bọc bánh vừa nhảy cà tưng giữa phòng bệnh làm nụ môi héo hắt của người mẹ cũng hé ra cười. Mấy anh chị Đoàn viên cũng vui lây, họ chào tạm biệt và nói rằng sẽ gặp lại khi Nhật Minh trở thành Đoàn viên nhé!
Hoa nắng vẫn rơi rắc rắc… rắc rắc… trên mái tôn cũ kỹ của bệnh viện.
Những tia sáng dịu mát đã về trên mắt người mẹ nghèo khi thằng con sắp xếp mấy bọc quà bánh cất vào ngăn tủ, rồi xách bình thủy tinh đi mua cho mẹ bình nước nóng rồi xin phép mẹ ra ngoài “Cắt tóc 0 đồng cho đẹp trai”.
Truyện ngắn của Đào Phạm Thùy Trang
Nguồn VNCA : https://vnca.cand.com.vn/truyen/hoa-nang-roi-day-i768532/