Hòa nhịp nhanh, cùng bước vào kỷ nguyên mới

Hòa nhịp nhanh, cùng bước vào kỷ nguyên mới
9 giờ trướcBài gốc
Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Tân Gianh được trang bị hiện đại, cán bộ tận tình phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Bắt nhịp nhanh
Gần trưa ngày 3/7/2025, Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Đông Trạch vẫn còn 6 người đang chờ làm thủ tục hành chính. Không khí ngoài trời khá oi bức nhưng trong khu vực làm việc khá mát nhờ có máy điều hòa không khí, cách bài trí, sắp xếp gọn gàng, được chỉ dẫn cụ thể theo từng bộ phận. Bà con đến, ai cũng khen công sở làm việc của xã được đổi mới đến ngỡ ngàng, tạo môi trường giao dịch nghiêm túc, trang trọng.
Bà Phan Thị Tuệ ở thôn Trung Đức, xã Đông Trạch (địa bàn xã Đức Trạch cũ) chia sẻ, bà đến làm thủ tục xác nhận người độc thân cho con trai đang lao động ở nước ngoài nhưng khi rà soát, công chức phụ trách thông báo là có thiếu sót trong lý lịch nên nói bà về bổ sung rồi quay lại để xã xác nhận cho. Trò chuyện với phóng viên, bà Tuệ chia sẻ: “Những giấy tờ này trước đây phải lên trụ sở huyện, cách xa hàng chục km để làm mới xong. Nay, chỉ cần đến xã là xong và không phải đi lại nhiều lần”.
Chủ tịch UBND xã Đông Trạch Võ Hải Quân cho hay: Hiện, Trung tâm Phục vụ hành chính công của xã tiếp nhận, xử lý những phần việc thuộc địa bàn từ cấp huyện chuyển giao xuống. Phần lớn các thủ tục hành chính đều diễn ra thông suốt, nhưng cũng còn những thủ tục vẫn tồn tại hạn chế cần khắc phục. Địa phương sẽ tiến hành rà soát, đánh giá tình hình cụ thể để xây dựng báo cáo chính trị của Đảng bộ xã trong nhiệm kỳ mới.
Bí thư Đảng ủy xã Tân Gianh Trần Minh Hường cho biết, qua 3 ngày vận hành mô hình chính quyền 2 cấp, các thủ tục hành chính cơ bản chuyển về xã giải quyết nên cũng thuận lợi hơn cho người dân vì không phải đi xa như trước. Trước đây, về thủ tục đất đai, xã chỉ có thẩm quyền truy xét nguồn gốc sử dụng đất trình cấp thẩm quyền giải quyết nhưng bây giờ, xã vừa xét nguồn gốc, vừa thẩm định, vừa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Do đó, đòi hỏi cán bộ, công chức xã làm việc hết sức cẩn trọng, xem xét kỹ lưỡng.
Ông Trần Minh Hường (nguyên là Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Quảng Trạch cũ) chia sẻ kinh nghiệm khi về làm cán bộ xã, đó là vẫn duy trì nhóm “zalo làm việc” của Ban Tổ chức Huyện ủy cũ để thông tin, trao đổi nghiệp vụ công tác Đảng. Đồng thời, ông cũng đề nghị cán bộ, công chức trong xã tùy theo nhiệm vụ, công việc được phân công để lập nhóm zalo làm việc với cán bộ, công chức các xã bạn, nhằm trao đổi thông tin, giúp đỡ lẫn nhau trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ...
Qua trao đổi nhanh với lãnh đạo một số xã ở phía Bắc tỉnh, phóng viên nhận thấy, dù rất nỗ lực để đưa vào vận hành bộ máy chính quyền cấp xã mới để phục vụ người dân, doanh nghiệp nhưng chính quyền cấp xã mới vẫn gặp không ít khó khăn. Đó là, thiếu nơi làm việc tập trung cho khối cơ quan Đảng, HĐND và UBND xã trong khi thừa trụ sở (do sáp nhập xã), nên trước mắt phải bố trí cán bộ làm việc phân tán ở nhiều nơi. Đường truyền Internet ở nhiều xã chưa đủ mạnh hoặc có lúc chập chờn ảnh hưởng đến công việc; hộp thư công vụ của cán bộ cấp xã trước đây chưa được thiết lập nên ảnh hưởng đến việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến...
Các hoạt động kinh tế-xã hội diễn ra liền mạch
Chủ tịch UBND xã Đông Trạch Võ Hải Quân cho biết: Xã Đông Trạch được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã Hải Phú, Sơn Lộc, Đức Trạch và Đồng Trạch (Bố Trạch cũ). Xã Đông Trạch có diện tích tự nhiên là 35,73 km2, dân số là 34.174 người. Địa hình của xã vừa có đồi, vừa có bờ biển và cửa sông, là những tiềm năng, lợi thế để khai thác, phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.
Đặc biệt, hiện nay, xã Đông Trạch là một trong những địa phương sở hữu đội tàu đánh bắt hải sản lớn nhất tỉnh với hơn 500 phương tiện đánh bắt, trong đó tàu cá đánh bắt xa bờ hơn 200 chiếc. Trung bình mỗi năm, ngư dân trên địa bàn xã đánh bắt được khoảng 10.500 tấn hải sản các loại. Xác định kinh tế biển (đánh bắt, chế biến hải sản) là ngành kinh tế quan trọng của xã, ngay sau khi đi vào hoạt động, lãnh đạo xã Đông Trạch đã tập trung chỉ đạo, phân công cán bộ bám sát địa bàn, cơ sở để kịp thời động viên ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quê hương.
Trong khi đó, tại xã Trung Thuần (sáp nhập từ các xã Quảng Lưu, Quảng Thạch và Quảng Tiến cũ), ngay sau khi sắp xếp bộ máy, công tác nhân sự, lãnh đạo địa phương đã nhanh chóng bắt tay chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm các hoạt động diễn ra liền mạch, góp phần hoàn thành các mục tiêu chung của tỉnh.
Chủ tịch UBND xã Trung Thuần Phan Xuân Linh cho biết: Trung Thuần là xã giàu truyền thống cách mạng, trên địa bàn hiện có nhiều gia đình chính sách đang sinh sống. Một trong những việc làm đầu tiên của xã Trung Thuần khi đi vào hoạt động đó là tiếp tục đẩy mạnh công tác đền ơn, đáp nghĩa.
Đồng thời, tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ gia chính sách trên địa bàn. Hiện tại, toàn xã Trung Thuần có 39 người thuộc gia đình người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ được hỗ trợ xây dựng nhà ở. Đến nay, địa phương đã hoàn thành 36 ngôi nhà, còn 3 ngôi nhà đang được lãnh đạo xã đặc biệt quan tâm, đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, đặc biệt trong dịp tháng 7 “đền ơn đáp nghĩa” này.
“Mang tên gọi của chiến khu cách mạng xưa, Trung Thuần cũng có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, xã Trung Thuần sẽ phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, viết tiếp trang sử vàng truyền thống, xây dựng quê hương ngày càng phát triển, nhanh chóng hòa nhịp, cùng cả tỉnh, cả nước vươn mình trong kỷ nguyên mới”, Chủ tịch UBND xã Trung Thuần Phan Xuân Linh nhấn mạnh.
Phan Phương
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/hoa-nhip-nhanh-cung-buoc-vao-ky-nguyen-moi-195505.htm