Hoa nở trong tối

Hoa nở trong tối
10 giờ trướcBài gốc
Minh họa: BH
“Mày sinh ra là để phá đời tao, mày biết không?”.
Chiếc cốc thủy tinh rơi xuống sàn, vỡ tan như tiếng gào rách ruột từ mẹ, người đã sinh ra tôi, nhưng chưa bao giờ yêu thương tôi đúng nghĩa. Tôi đứng đó, không khóc, không đáp. Tôi đã quen với điều đó từ lâu. Những cơn thịnh nộ của bà như những cơn bão, quật ngã tất cả mọi thứ trên đường đi, rồi lại biến mất, để lại không gian im lặng và lạnh lẽo.
Mẹ tôi từng là một thiếu nữ xinh đẹp, nhưng lại dùng nhan sắc ấy làm vé một chiều tìm đến tiền bạc. Bà không thích lao động. Theo lời bà ngoại, từ lúc mới lớn mẹ tôi chỉ thích ăn diện. Bà có một giấc mơ rất thực dụng: “Phải lấy được chồng giàu”. Năm 20 tuổi bà bỏ nhà, đi làm ở quán bar của ông cậu dưới thành phố. Ở đó, bà gặp người đàn ông đã cho tôi sự sống, một người mà trên danh nghĩa là bố tôi, nhưng chưa từng cho tôi tình cha.
Ông là chủ thầu công trình, có tiền, có địa vị và... một gia đình. Trong mắt mẹ, ông ta chỉ là “con mồi”. Vào thời điểm đó, ông đã xa vợ lâu, có lẽ cũng cảm thấy cô đơn. Với sự toan tính lạnh lùng, mẹ tôi đã khiến ông ấy sa ngã. Phụ nữ đã cố tình chinh phục, thì ít người đàn ông nào có thể cưỡng lại. Tuy nhiên, sự gắn kết này chỉ kéo dài một thời gian ngắn. Khi đủ để có tôi, ông ta tỉnh lại, quyết định chia tay và trở về với vợ con, cắt đứt mọi liên lạc, dù mẹ tôi đã níu kéo và dọa nạt.
“Cô nghĩ tôi sẽ bỏ vợ con vì cô sao? Tỉnh lại đi!”, ông ta từng nói, lạnh lùng. Nhưng mẹ tôi không từ bỏ. Bà mang tôi, một đứa bé đỏ hỏn, đến tận nhà ông ta ở quê, quăng tôi xuống trước mặt vợ ông: “Đây là con của chồng chị. Chị tính sao?”.
Vợ ông ta, đang mang thai, đã mất đứa con trong bụng sau cú sốc đó. Và từ khoảnh khắc đó, tôi trở thành “nghiệp báo”, đứa trẻ đã khiến một người phụ nữ mất con. Là lý do khiến người đàn ông ấy hận mẹ tôi, và luôn lảng tránh tôi như lánh một tai ương. Gia đình ông ta quyết không nhận tôi. Nhưng có lẽ vì thương hại, người vợ đã đứng ra chu cấp tiền nuôi tôi, như một cách để chấm dứt sự quấy rối.
Mẹ tôi dọn hẳn về xã họ sống, để “tiện giằng co”. Bà nhận tiền trợ cấp, tiêu xài vào son phấn, lô đề, và những cuộc tình chóng vánh. Tôi, đứa con gái nhỏ, không có nổi một bữa ăn no khi đến trường, không có tiền học phí, không có gì ngoài cái danh “con hoang”.
Tôi từng được mẹ dắt đến nhà họ xin tiền. Sau mỗi lần như thế, mẹ lại cho tôi một món quà. Tôi ngây thơ tưởng rằng mình được yêu thương. Nhưng càng lớn lên, tôi càng hiểu, mình chỉ là một con bài trong trò chơi đổi chác của mẹ.
Qua năm tháng tôi lớn lên với chút tiền dấm dúi và đồ ăn của bà ngoại. Tôi lớn lên trong tủi nhục. Bạn bè dè bỉu, hàng xóm xì xào. Những câu như “đồ con hoang”, “con phá gia đình người ta” trở thành thứ quen tai. Mỗi lần nghe chúng, tôi lại cảm thấy lòng mình như vỡ nát thêm một chút, như viên đất nhỏ vỡ những mảnh vụn khi có bàn chân thô bạo dẫm qua. Nhưng rồi, nước mắt cạn dần. Tôi chỉ còn lại sự im lặng. Không ai hiểu được sự cô đơn trong lòng tôi, khi nhìn thấy những gia đình đầm ấm, còn mình chỉ có bóng tối và sự phán xét.
Tôi học điên cuồng, không để đổi đời, mà để chạy thoát. Tôi đậu đại học, lên Hà Nội. Vừa học vừa làm đủ thứ: rửa bát thuê, giao hàng, dạy kèm. Tiền mẹ gửi chẳng bao giờ đến tay, nó đã nằm trên những tờ số đề ngoài đầu làng. Có lần tôi về quê, không phải thăm nhà, mà là để trả món nợ mà mẹ đã vay và trốn biệt.
Tôi tốt nghiệp bằng giỏi, có việc làm ổn định. Tôi không quay lại cái quê u tối ấy nữa. Tôi sống, hít thở cuộc đời của riêng mình, dù đầy sẹo, nhưng đã lành lặn. Thỉnh thoảng, tôi lại ngồi bên cửa sổ, nhìn ánh sáng yếu ớt của buổi sớm, cảm nhận cuộc sống qua từng hơi thở, mộc mạc, nhưng tự do.
Rồi tôi yêu, một người đàn ông tốt, dịu dàng, đủ kiên nhẫn để lắng nghe tôi, đủ rộng lòng để ôm lấy tôi. Anh không hỏi quá khứ của tôi, nhưng luôn để tôi cảm nhận được rằng, trong đôi mắt anh, tôi là một phần quan trọng. Lần đầu tiên tôi dám nghĩ đến hai chữ “gia đình”.
Nhưng khi gia đình anh biết sự thật, tất cả sụp đổ. Mẹ anh phản đối kịch liệt.
“Con bé đó không có gốc gác, lại là kết quả của một cuộc ngoại tình. Con lấy nó, người ta sẽ cười vào mặt bố mẹ!”.
“Các cụ ngày xưa đã dạy rồi: lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống, mở mắt ra con ạ!”.
Anh nắm tay tôi rất chặt, tay anh lạnh, nhưng lòng tôi còn lạnh hơn. Trong đôi mắt ấy, tôi thấy sự giằng co đến tuyệt vọng. Rồi anh khẽ lắc đầu, mắt rời khỏi tôi như không dám đối diện.
“Anh xin lỗi...”, giọng anh nghèn nghẹn, vỡ vụn, “Anh... đã từng nghĩ mình sẽ vì em mà bất chấp tất cả. Nhưng... anh không thể".
Tôi tưởng tượng ra một chiếc cầu mong manh mà tôi đã dốc sức xây, giờ đây tan thành tro bụi chỉ bằng một cái lắc đầu.
“Nếu anh chọn em... còn mẹ anh thì khóc, còn cha anh thì nhìn anh như người dưng... Anh không chịu nổi”.
Tôi đứng chết lặng, nghe từng chữ như những nhát kéo cắt rời mọi hy vọng.
“Anh không muốn em phải mang tiếng là người khiến anh mất gia đình. Và... nếu vì yêu mà anh để mất họ, thì... có lẽ anh không phải người đàn ông đủ tốt”.
Tôi nghe rõ từng từ. Mỗi chữ anh nói như đóng đinh vào tim tôi. Không phải anh không yêu tôi. Là anh không đủ yêu để chọn tôi thay vì gia đình họ.
Tôi cười, một nụ cười mỏng như tờ giấy, khô khốc.
“Em hiểu. Gia đình là điều em chưa từng có. Anh đừng đánh mất nó vì em”.
Tôi trở về quê trong một buổi chiều lặng gió. Cả không gian như lắng lại trong tiếng rì rào của những đám mây xám xịt. Cây cối nghiêng mình trong gió, lặng lẽ như một ký ức xa xôi mà tôi đã cố quên đi. Tôi về nhà bà ngoại, nơi duy nhất từng cho tôi chút ấm áp. Nhưng bà đã mất, lặng lẽ ra đi khi tôi đang mải chạy trốn số phận mình. Căn nhà cũ mốc meo. Tôi mở cánh cửa gỗ kẽo kẹt, từng hạt bụi bay lên như những ký ức ngủ quên. Trên vách, chiếc khăn len bà từng đan cho tôi năm mười tuổi vẫn treo lặng lẽ. Những chiếc rèm cũ sờn tơi, những chiếc ghế gỗ có vết nứt trên tay vịn, nhưng mỗi lần ngồi xuống, tôi lại cảm thấy ấm áp lạ kỳ.
Tôi tìm thấy quyển sổ tay sau bếp. Bà từng viết: “Con bé nó khổ quá. Mình già rồi, chẳng giúp được gì nhiều. Mong nó sống tử tế, thế là đủ”.
Tôi bật khóc, khóc như lần đầu tiên được ai đó ôm vào lòng. Cảm giác ấy ngọt ngào và đau đớn. Những giọt nước mắt không phải vì nỗi buồn, mà vì sự an ủi ẩn sâu trong những lời viết mà bà để lại.
Tôi ở lại. Ở lại để làm lại từ đầu. Tôi sửa lại căn nhà, trồng thêm hoa dọc hiên, mở một giá sách nhỏ cho bọn trẻ. Mỗi sáng sớm, ánh sáng mỏng manh chiếu qua cửa sổ, nhẹ nhàng lướt qua những bức tường cũ, làm bừng lên sức sống cho căn nhà. Tôi dạy học miễn phí cho những đứa trẻ nghèo, những đứa trẻ có bài vở cần thắc mắc mà bố mẹ chúng vắng nhà đi làm xa. Dạy bằng tình thương. Dạy như cách tôi từng ao ước được ai đó dạy mình, bằng trái tim.
Mỗi ngày, tôi ngồi dưới giàn hoa giấy bà từng trồng, nghe tiếng gió lao xao, tiếng trẻ con cười đùa. Không khí trong lành và dễ chịu. Tôi thấy lòng dịu lại, như có bàn tay vô hình nào đó đang vuốt ve trái tim sần sùi của tôi.
Một buổi chiều cuối thu, khi tôi đang lau lại bảng trước hiên, tiếng gõ cửa bất chợt làm tôi ngẩng lên. Một người đàn ông đứng ở ngưỡng cửa, khoảng ba mươi tuổi, dáng người cao ráo, gương mặt hiền lành nhưng ánh mắt có chút gì đó xa xăm, như thể có một nỗi niềm chưa thể bày tỏ.
“Chào cô, tôi là Minh. Tôi mới chuyển đến xã bên, làm ở trạm y tế. Nghe mấy đứa trẻ kể về lớp học của cô, tôi rất ấn tượng. Không biết tôi có thể vào thăm được không?”, anh nói. Giọng ấm, nhẹ nhàng, không vội vã.
Tôi gật đầu. Anh bước vào, ánh mắt lướt qua căn nhà, dừng lại ở những bức tường cũ kỹ, chiếc ghế gỗ mòn đi, rồi lặng lẽ quay lại nhìn tôi. Cứ như thể anh không chỉ nhìn vào không gian này mà còn đang tìm kiếm một điều gì đó trong chính tôi.
“Cô sống ở đây một mình à?”. Anh hỏi, không phải là câu hỏi thăm dò, mà là một câu hỏi dịu dàng, không muốn làm tôi cảm thấy bị phán xét.
Tôi mỉm cười. Không phải cười vì vui, mà cười vì cảm giác được nhìn nhận một cách bình thường, chẳng có sự thương hại hay ái ngại nào. Chỉ là một cuộc trò chuyện nhẹ nhàng, như hai người bạn không cần phải chia sẻ tất cả, nhưng vẫn có thể hiểu nhau qua ánh mắt và sự im lặng.
“Tôi thấy... ở đây có nhiều điều đẹp hơn tôi tưởng”.
Từ hôm đó, anh thỉnh thoảng ghé qua. Đôi khi chỉ để sửa lại vòi nước hỏng, mang cho tôi một túi chè, một rổ rau sạch. Chúng tôi không nói nhiều, nhưng mỗi lần anh đến, căn nhà như sáng thêm một chút. Anh nhấc chiếc ghế cũ kê lại cho chắc, rồi ngồi xuống, tay chạm nhẹ vào tách trà nóng mà tôi rót. Cử chỉ ấy, giản đơn thôi, nhưng khiến lòng tôi ấm như nắng cuối thu.
Anh không hỏi quá khứ của tôi. Và tôi... không còn sợ ánh mắt ai nhìn mình nữa.
Tôi từng ước mình chưa từng sinh ra. Nhưng giờ đây, khi ngồi giữa căn vườn nhỏ, nghe tiếng chim chiều ríu rít, cảm nhận ánh nắng nhảy nhót trên vách tường đã loang màu thời gian... tôi biết: tôi đang sống.
Không phải sống để trả giá cho sai lầm của người khác, mà sống để tìm lại phần người đẹp nhất trong mình. Tôi không phải là “cái bóng” của mẹ. Tôi không phải “con của ai đó”. Tôi là chính tôi, người đã đi qua bóng tối và chọn nở hoa.
Ánh sáng không cần rực rỡ. Chỉ cần đủ ấm. Và tình yêu, không cần ồn ào. Chỉ cần đến đúng lúc, đủ bao dung, để tôi biết rằng: mình xứng đáng được yêu thương.
Truyện ngắn của Lê Ngọc Sơn (CTV)
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/hoa-no-nbsp-trong-toi-37066.htm