Hòa Phát được đầu tư KCN Hoàng Diệu 3.400 tỷ, vẫn có mối lo ngại ngắn hạn

Hòa Phát được đầu tư KCN Hoàng Diệu 3.400 tỷ, vẫn có mối lo ngại ngắn hạn
10 giờ trướcBài gốc
CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư Khu công nghiệp (KCN) Hoàng Diệu với quy mô hơn 245 ha tại địa bàn xã Gia Phúc, TP. Hải Phòng – trước đây thuộc huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 3.400 tỷ đồng và dự kiến triển khai trong vòng 30 tháng.
Chủ đầu tư dự án là CTCP Phát triển hạ tầng KCN Hoàng Diệu – công ty thành viên của Hòa Phát. KCN Hoàng Diệu có mục tiêu xây dựng và kinh doanh hạ tầng công nghiệp, cho thuê đất, nhà xưởng, kho bãi và văn phòng, trong đó ưu tiên thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ.
Phối cảnh dự án khu công nghiệp Hoàng Diệu của Hòa Phát
Tính đến cuối tháng 6/2025, tổng quỹ đất khu công nghiệp của Hòa Phát đạt 1.733 ha, tập trung tại các tỉnh, thành phía Bắc như Hưng Yên, Ninh Bình, Bắc Ninh và Hải Phòng.
Các KCN hiện hữu của Tập đoàn Hòa Phát gồm KCN Phố Nối A, KCN Yên Mỹ II (Hưng Yên), KCN Hòa Mạc (Ninh Bình). Tỷ lệ lấp đầy của các Khu công nghiệp này hiện đạt khoảng 95% diện tích đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Việc phát triển KCN Hoàng Diệu nằm trong chiến lược mở rộng lĩnh vực hạ tầng công nghiệp của Tập đoàn Hòa Phát – vốn được xem là trụ cột mới bên cạnh ngành thép và bất động sản.
Việc HRC khổ rộng không nằm trong phạm vi áp thuế vẫn sẽ là mối lo ngại trong ngắn hạn đối với HPG
Trong một diễn biến khác, ngày 4/7/2025, Bộ Công Thương đã chính thức phê duyệt việc áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 06/07/2025 và kéo dài trong 5 năm. Mức thuế bán phá giá dao động từ 23,1% đến 27,83%.
Đáng chú ý, phạm vi áp dụng thuế chỉ bao gồm HRC khổ hẹp (≤1,880m) và chưa bao gồm HRC khổ rộng (>1,880m).
Theo Chứng khoán Vietcap (VCSC), việc triển khai kịp thời thuế AD20 chính thức ngay sau khi biện pháp tạm thời hết hiệu lực thể hiện rõ quan điểm chủ động của Chính phủtrong việc bảo vệ ngành thép trong nước trước làn sóng nhập khẩu giá rẻ– đặc biệt trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng trên toàn cầu.
Quyết định này mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất thượng nguồn như HPG và Formosa, nhưng sẽ gây áp lực lên biên lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ như HSG, NKG, GDA khi nguồn hàng tồn kho giá rẻ dần cạn kiệt.
Tuy nhiên, việc HRC khổ rộng không nằm trong phạm vi áp thuế vẫn sẽ là mối lo ngại trong ngắn hạn đối với HPG.
Vietcap ghi nhận lượng HRC khổ rộng từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh kể từ sau khi biện pháp AD20 tạm thời được ban hành vào tháng 3. Với quyết định chống bán phá giá chính thức vừa ban hành, giúp thị trường xác lập kỳ vọng rõ ràng hơn về mặt chính sách, Vietcap cho rằng nhập khẩu HRC khổ rộng có thể tiếp tục gia tăng trong ngắn hạn. Do đó, sản lượng bán và giá HRC của HPG có thể chịu áp lực trong ngắn hạn đến khi thuế chống bán phá giá được áp dụng đối với cả HRC khổ rộng.
Đầu tháng 7, HPG đã công bố giá bán HRC giao tháng 8, giảm khoảng 1,8% so với tháng trước – mà Vietcap cho là do yếu tố mùa vụ và lo ngại cạnh tranh từ HRC khổ rộng nhập khẩu giá rẻ.
Tuy vậy, nếu nhập khẩu HRC khổ rộng tiếp tục tăng mạnh và Bộ Công Thương nhờ đó thu thập đủ bằng chứng về hành vi lẩn tránh thuế, Vietcap tin rằng khả năng cao thuế chống bán phá giá sẽ được áp cho cả HRC khổ rộng.
Lê Vy
Nguồn Vietnamdaily : https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/hoa-phat-duoc-dau-tu-kcn-hoang-dieu-3400-ty-van-co-moi-lo-ngai-ngan-han-post1553395.html