Quy định về việc cấp phép đưa tranh đi triển lãm ở nước ngoài
Những ngày qua, vụ việc họa sĩ Trần Gia Tùng tố ông Nguyễn Hoàng Long - từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Anh, hiện là thứ trưởng Bộ Công thương - mang tranh đi triển lãm ở Anh, sau đó sử dụng theo ý riêng mà không có sự đồng ý của họa sĩ đang được dư luận quan tâm.
Giám tuyển Trần Lương - người làm việc với các tổ chức văn hóa và có hàng chục năm kinh nghiệm tổ chức triển lãm tranh ở trong và ngoài nước.
Trao đổi với Báo Xây dựng, giám tuyển Trần Lương - người từng có hàng chục năm kinh nghiệm tổ chức triển lãm tranh ở trong và ngoài nước cho biết, việc cấp phép đưa tranh đi triển lãm tại nước ngoài được quy định cụ thể tại Nghị định 113/2013/NĐ-CP về hoạt động mỹ thuật.
Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đơn vị cấp giấy phép đưa tác phẩm mỹ thuật Việt Nam ra nước ngoài triển lãm, mang danh nghĩa đại diện cho quốc gia.
Trong hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép cho tác phẩm triển lãm đều quy định cụ thể về việc phải cung cấp các thông tin như: ảnh chụp tác phẩm, giá trị, kích thước tác phẩm... Cùng với đó, phải kèm theo giấy mời hoặc văn bản thỏa thuận của đối tác nước ngoài và bản dịch tiếng Việt (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền).
Tuy nhiên, việc tranh có đến triển lãm hay không còn qua khâu kiểm duyệt hải quan. Kiểm duyệt hải quan đối với tranh ảnh, đồ mỹ nghệ ở mỗi nước lại có những quy định riêng.
"Tôi đã làm công việc này hơn 20 năm nhưng chưa bao giờ để xảy ra tranh chấp hay ồn ào về hành động sai quy định, đi ngược với đạo đức. Để làm được điều đó, bản thân tôi phải tự học hỏi, hiểu rõ các quy định, quy chuẩn vừa để 'bảo vệ' mình, bảo vệ đồng nghiệp và vừa tạo môi trường chuyên nghiệp trong hoạt động triển lãm", ông Trần Lương nói.
Điều 25. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao của Luật Sở hữu trí tuệ quy định:
1. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm:
a) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;
b) Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình;
c) Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu;
d) Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại;
đ) Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu;
e) Biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào;
g) Ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy;
h) Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó;
i) Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;
k) Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng riêng.
2. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.
3. Việc sử dụng tác phẩm trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với tác phẩm kiến trúc, tác phẩm tạo hình, chương trình máy tính.
Người tự ý sử dụng tranh có thể chịu trách nhiệm dân sự hoặc hành chính
Trả lời Báo Xây dựng hôm 26/3, họa sĩ Trần Gia Tùng cho biết, từ năm 2008, ông là một trong những người đầu tiên đưa tranh đi làm ngoại giao văn hóa.
Theo quy trình, sau khi có thư mời của đại sứ quán, họa sĩ đồng ý tham gia thì gửi tranh sang, đại sứ quán nơi đó sẽ nhận, có người trình bày tranh và bán tranh tại triển lãm. Nếu bán được họa sĩ sẽ được hưởng số tiền đó, số tranh không bán được sẽ được trả lại Việt Nam cho họa sĩ.
Trước đó, trả lời Báo Xây dựng, ông Nguyễn Hoàng Long khẳng định "đại sứ quán (khi đó) chỉ làm việc với anh Thành" (Trần Trung Thành, đại diện nhóm họa sĩ - PV).
"Thành gửi tranh cho đại sứ quán không có giấy biên nhận, không cụ thể tranh nào của ai. Đại sứ quán làm quảng bá Việt Nam, tặng một vài tranh đối ngoại cấp cao và gửi lại Thành những tranh còn lại (cũng không giấy biên nhận tranh nào, của ai) như đã thống nhất", ông Long nói.
Tuy nhiên, họa sĩ Tùng nói, không có chuyện ông Long không biết tranh nào của ai. "Trong email gửi cho chị L.A - trợ lý Đại sứ quán Việt Nam tại Anh thời điểm đó, tôi đã cung cấp thông tin cá nhân và ảnh chụp 4 bức tranh của mình.
Phần họa sĩ Thành, ông xác nhận không có thỏa thuận tặng tranh nào trước đây giữa các họa sĩ và đại sứ quán.
Chỉ sau khi các họa sĩ hỏi tranh thì mới được ông Long báo là đã tặng một số tranh. Lúc này, ông Thành cùng hai họa sĩ Trần Mạnh Linh, Lê Minh có bàn bạc và đồng ý tặng sứ quán những bức mà sứ quán đã lỡ tặng dù chưa được sự đồng ý của các họa sĩ.
Nhưng riêng họa sĩ Trần Gia Tùng không đồng ý.
Luật sư Trần Xuân Tiền.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, theo khoản 1 và 2, Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, thì quyền đưa tranh ra nước ngoài thuộc quyền tài sản đối với tác phẩm của ông Trần Gia Tùng và nhóm họa sĩ. Quyền này là độc quyền đối với tác giả của tác phẩm mỹ thuật.
"Ông Long muốn đưa tranh đi nước ngoài cần sự đồng ý hoặc ủy quyền của tác giả những bức tranh đó. Nếu xác định được ông Long mang tranh đi triển lãm ở nước ngoài, sau đó làm quà tặng mà chưa có sự đồng ý hay ủy quyền rõ ràng từ phía tác giả, thì cũng không thuộc diện tác phẩm "không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao" - theo Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Từ đó có thể thấy, hành vi này có dấu hiệu xâm phạm quyền tác giả theo Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005", luật sư Trần Xuân Tiền nhận định.
4 bức tranh được họa sĩ Trần Gia Tùng gửi đi triển lãm nhân Ngày Văn hóa Việt Nam vào năm 2020.
Theo luật sư Trần Xuân Tiền, là chủ sở hữu tác phẩm, ông Tùng có quyền kiểm soát việc trưng bày, tặng hoặc bán tranh theo Luật Sở hữu trí tuệ. Nếu ông Tùng không có văn bản thỏa thuận nhưng vẫn đồng ý miệng, ông có trách nhiệm chứng minh rằng quyền tác giả bị xâm phạm, có thể bằng tin nhắn, email... trao đổi giữa phía ông Tùng và ông Long.
"Với tình tiết của vụ việc này, có thể thấy ông Tùng đã gửi email và hình ảnh tranh của mình cho trợ lý kèm với giá của từng bức tranh cho cán bộ đại sứ quán, từ đó ông Tùng có thể chứng minh ông Long phải biết về tác giả bức tranh và giá cả cụ thể, từ đó yêu cầu ông Long trả tranh hoặc bồi thường theo quy định của pháp luật", luật sư Tiền phân tích.
Điều 15 Hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép triển lãm tại Nghị định 113/2013/NĐ-CP Về hoạt động mỹ thuật quy định:
1. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép triển lãm gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Nghị định này.
2. Hồ sơ gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép (mẫu số 1);
b) Danh sách tác giả, tác phẩm, chất liệu, kích thước tác phẩm, năm sáng tác;
c) Mỗi tác phẩm một ảnh màu kích thước 10x15cm. Riêng đối với triển lãm nghệ thuật sắp đặt phải có ảnh chính diện, bên phải và bên trái tác phẩm, kèm theo văn bản trình bày ý tưởng nội dung tác phẩm.
Trường hợp tác phẩm có chữ nước ngoài thì phải có bản dịch ra tiếng Việt. Tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch;
d) Đối với triển lãm ngoài trời được tổ chức tại Việt Nam phải có văn bản của chủ địa điểm triển lãm cam kết đảm bảo các điều kiện về trật tự, an toàn xã hội, văn minh công cộng, vệ sinh, môi trường và phòng chống cháy nổ;
đ) Đối với trường hợp đưa tác phẩm mỹ thuật ra nước ngoài triển lãm, ngoài đơn đề nghị cấp giấy phép (mẫu số 2) và hồ sơ quy định tại các Điểm b và c Khoản này phải kèm theo giấy mời hoặc văn bản thỏa thuận của đối tác nước ngoài và bản dịch tiếng Việt (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền).
3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Nghị định này xem xét cấp giấy phép; trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
4. Sau khi được cấp giấy phép triển lãm mỹ thuật (mẫu số 3) nếu có thay đổi về nội dung, thời gian, địa điểm, thiết kế trưng bày triển lãm thì tổ chức, cá nhân tổ chức triển lãm phải làm lại thủ tục xin cấp giấy phép.
5. Giấy phép cấp cho triển lãm mỹ thuật đưa ra trưng bày ở nước ngoài (mẫu số 4) là căn cứ để làm thủ tục hải quan.
Dung Nguyễn