Thiết kế đồ họa - Hành trình không ngừng học hỏi, trau dồi nghề nghiệp
Họa sĩ Lê Tiến Vượng là một tên tuổi nổi bật trong giới thiết kế đồ họa và hội họa tại Việt Nam. Hơn 40 năm trước, ông khởi đầu sự nghiệp với những bức tranh vẽ về người lính và phong cảnh thiên nhiên như rừng cọ, đồi chè Thái Nguyên. Chỉ gần một năm sau khi xuất ngũ, ông thi đỗ vào Khoa Đồ họa của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.
Trong suốt 5 năm học tập, vừa học vừa làm để kiếm sống, ông luôn đam mê văn thơ và hội họa, cống hiến hết mình cho nghề. Trong suốt sự nghiệp, ông đã tạo ra hàng nghìn minh họa, tham gia vẽ truyện tranh cho các nhà xuất bản và đóng góp cho nhiều tờ báo lớn ngoài các ấn phẩm như Thiếu niên Tiền Phong, Hoa Học trò, và Báo Nhi Đồng. Gần như tất cả các báo lớn đều có sự hiện diện của ông, từ Hà Nội Mới, Quân Đội Nhân Dân, báo Văn Nghệ trẻ, Sức khỏe Đời sống, Pháp Luật, đến Tiền Phong. Ngoài ra, ông còn là chuyên gia hỗ trợ các tờ báo khi cần cải tiến phong cách thiết kế. Hiện nay, ông giữ chức Chi trưởng Hội thiết kế mỹ thuật Việt Nam.
Tuy nhiên, hành trình của ông không chỉ dừng lại ở hội họa. Họa sĩ Lê Tiến Vượng còn là một trong những người tiên phong học và làm nghề thiết kế đồ họa trong thời kỳ các công cụ thiết kế trên máy tính chưa phát triển như hiện nay. Ông chia sẻ: "Ngày xưa, tôi không có điều kiện đi học chính thức về thiết kế đồ họa. Tôi phải tự học từ những người đi trước, học lỏm những gì họ biết, rồi tự mày mò trên máy tính cơ quan. Những công cụ máy tính thời đó thô sơ, không giống như hôm nay. Nhưng tôi không nản, tôi kiên trì và dần dần thành thạo các khâu từ thiết kế logo, truyền thông thương hiệu, xuất bản báo chí đến in ấn".
Lời khuyên của ông cho thế hệ trẻ là: "Phải luôn học hỏi. Các bạn có cơ hội học tập ở các trường học to đẹp, với đội ngũ giáo viên giỏi, có cơ sở vật chất tốt và có cơ hội làm nghề từ sớm. Đó là điều mà thế hệ chúng tôi không có. Tuy nhiên, các bạn cũng phải đối mặt với một thách thức không nhỏ – đó là sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường và các công cụ trí tuệ nhân tạo".
Họa sĩ/ nhà thơ Lê Tiến Vượng chia sẻ tại buổi định hướng cho sinh viên K24 - Khoa thiết kế đồ họa, trường cao đẳng Việt Mỹ Hà Nội
Trong ngành thiết kế đồ họa, khách hàng là quan trọng nhất
Họa sĩ Lê Tiến Vượng cũng đã dành những lời khen ngợi chân thành cho sinh viên Khoa Thiết kế Đồ họa - Trường cao đẳng Việt Mỹ Hà Nội. Ông thừa nhận rằng nhiều sản phẩm ấn tượng đã được các bạn sinh viên tạo ra ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. "Điều đó chứng tỏ các bạn có năng lực và tài năng không hề thua kém những thế hệ đi trước. Tuy nhiên, học ở trường chỉ là môi trường dễ nhất. Điều quan trọng nhất là khi bước ra ngoài thị trường lao động, các bạn phải làm thế nào để đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, không bị đào thải."
Những sản phẩm của sinh viên trường Cao đẳng Việt Mỹ Hà Nội trưng bày tại buổi định hướng
Phim ngắn do sinh viên Cao đẳng Việt Mỹ Hà Nội nhận được sự yêu mến của các bạn sinh viên
Ông cũng chia sẻ, dù bạn học ở đại học hay cao đẳng hay ở đâu cũng không quan trọng bằng bạn làm nghề như thế nào, bạn nỗ lực như thế nào để phát triển bản thân. Xét cho cùng, khách hàng là người sử dụng, nhận các sản phẩm của chúng ta. Bởi vậy ngành này người thiết kế sẽ cần có cái tôi, có bản sắc riêng, nhưng đứng trước một công việc, thì đem lại giá trị tốt nhất, phù hợp nhất, nhận được sự hài lòng, đánh giá hiệu quả của khách hàng mới là điều quan trọng.
Hành trình "Level Up" của sinh viên K24
Sự kiện Ngày hội Định hướng không chỉ là một chương trình khai mạc, mà còn là một lời nhắc nhở đối với các sinh viên K24 ngành Thiết kế đồ họa, trường Cao đẳng Việt Mỹ Hà Nội về hành trình học hỏi không ngừng. Chúng ta không chỉ học để có được kiến thức, mà còn để rèn luyện kỹ năng, cải thiện khả năng sáng tạo và áp dụng vào thực tiễn. Chính những cơ hội này sẽ giúp các sinh viên "Level Up", nâng cao tay nghề, đón nhận những thách thức nghề nghiệp và phát triển nghề thiết kế đồ họa trong tương lai.
Lời khuyên của họa sĩ Lê Tiến Vượng đã khép lại Ngày hội Định hướng trong không khí sôi động và đầy cảm hứng: "Hãy kiên trì học hỏi, phát triển bản thân và đừng ngừng sáng tạo. Đặc biệt phải nâng cao năng lực ngoại ngữ để có sức cạnh tranh tốt hơn tại thị trường lao động của Việt Nam và quốc tế.”
Xuân Quý