Họa sĩ Thành Chương: Từ ký họa chiến tranh đến tác phẩm 'Cô gái mở đường'

Họa sĩ Thành Chương: Từ ký họa chiến tranh đến tác phẩm 'Cô gái mở đường'
13 giờ trướcBài gốc
Tác phẩm “Cô gái mở đường” (sơn mài, 90x150cm)
Họa sĩ Thành Chương đã “số hóa” những bức ký họa chiến trường của mình, khi tôi muốn xem, ông mở điện thoại ra, đồng thời đưa cho một tập postcard ký họa mà ông đã in sẵn. Những bức tranh trở nên chân thực hơn, khi họa sĩ Thành Chương kể lại từng địa danh, từng câu chuyện, nhân vật ở bên trong và cả bên ngoài bức ký họa.
Đây là những bức tranh được ký họa từ khoảng năm 1967 đến năm 1972, ở chiến trường Đường 9, Hà Tĩnh, Quảng Trị…, ký bút danh Trường Thanh. Ở tuổi 76, họa sĩ Thành Chương nhớ lại: “Cuối những năm 1960, gia đình tôi có một suất cho con đi Đức học tập nhưng tôi nghĩ, thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh, lúc Tổ quốc đang nước sôi lửa bỏng chiến đấu chống quân xâm lược, làm sao mình có thể chọn con đường nhàn hạ, ấm êm đi ra nước ngoài. Tôi nung nấu quyết tâm gác lại tất cả để xung phong vào miền Nam chiến đấu. Khi quyết định không đi nước ngoài, tôi nói với cha tôi là nhà văn Kim Lân, ông cụ lặng người. Làm cha, ai cũng có những tính toán cho con. Cụ đưa tôi về Tạp chí Văn nghệ Quân đội, chỗ bác Chính Hữu, làm họa sĩ của Tạp chí. Tôi dứt khoát không đồng ý. Ông cụ lại định giới thiệu tôi về Đội văn công Quân khu 3. Nhưng tôi không thay đổi ý chí. Tôi viết huyết thư xin vào miền Nam chiến đấu. Vì thế, tôi được biên chế về Đoàn Công binh 239. Tôi vào chiến trường một mạch 9 năm, làm lính công binh rà phá bom mìn, dẫn đường cho tàu phà, xe cộ vào chiến trường miền Nam tại đoạn bến phà Linh Cảm (Hà Tĩnh) cho đến ngày giải phóng. Rất nhiều câu chuyện trong 9 năm bom đạn ác liệt ấy tôi đã chứng kiến, đã trải qua và đã ghi chép trong những bức ký họa của mình”.
Đào hầm.
Chiều trên Đường 9 (Cam Lộ, 1972).
Tiến vào Tra Ki (1970).
Bên cầu phao Đông Hà (1972).
Khi họa sĩ Thành Chương chia sẻ những bức ký họa chiến tranh này, một số người đã thắc mắc, chiến trường ác liệt như thế làm sao có thời gian để vẽ được nhiều và vẽ ký họa kỹ như vậy? Hỏi câu đó, là chưa hiểu họa sĩ Thành Chương. Từ bé, Thành Chương là người có năng khiếu hội họa. Hồi sinh viên, thầy giáo yêu cầu mỗi người về vẽ 1 bức tranh để nộp chấm điểm thì Thành Chương vẽ và nộp 40 bức, bằng con số của cả lớp cộng lại. “Chiến trường ác liệt thật, nhưng cũng có những khoảng lặng. Tôi ký họa rất nhanh những đường nét chính, sau đó, những lúc bình lặng thì hoàn thành một số tiểu tiết khác của bức ký họa” - họa sĩ Thành Chương nói.
Là người lính đã đi qua chiến tranh, là tác giả của Tượng đài Chiến thắng cao 14m50 ở sân bay Bạch Mai phục vụ cho triển lãm của toàn quân nhân sự kiện kết thúc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ vào ngày 22/12/1969 - một tượng đài chiến thắng được dựng thần tốc chỉ trong vòng hơn một tháng, nhưng trong suốt cuộc đời nghệ thuật của mình họa sĩ Thành Chương đã quyết định không đi sâu vào mảng đề tài này. Ông lựa chọn làng quê Việt với hình ảnh bình yên của đám trẻ mục đồng, của những con trâu, của những đêm trăng… để khẳng định ngôn ngữ hội họa độc đáo của mình. “Tôi vẽ nhiều ký họa chiến tranh nhưng tôi chán ghét chiến tranh. Chiến tranh quá khốc liệt, không có gì ngoài những mất mát, đau thương. Khi hòa bình lập lại, tôi thấy quý giá từng giây phút bình yên, quý giá những khoảnh khắc bình yên. Nếu không có 9 năm sống chết trong bom đạn chiến trường, tôi sẽ không vẽ được cuộc sống thanh bình với những tình cảm sâu sắc đến vậy. Vì thế, tôi tâm niệm một điều: Không bao giờ dùng nghệ thuật của mình để ca ngợi chiến tranh” - Thành Chương nói, đồng thời cho biết: “Suốt đời làm nghệ thuật của mình, đến lúc này, tôi chỉ vẽ duy nhất 1 bức về mảng đề tài này. Đó là bức tranh “Cô gái mở đường”. Tôi nghĩ những cô gái thanh niên xung phong trong chiến tranh và cả khi đất nước hòa bình, họ luôn là những người phải chịu nhiều gian khổ, hy sinh, buồn đau và thiệt thòi nhất. Họ xứng đáng được tôn vinh”.
Tôi đã được trực tiếp xem tác phẩm “Cô gái mở đường” của họa sĩ Thành Chương. Đó là bức tranh sơn mài khổ 90x150cm. Ông vẽ năm 2021, ngay sau đó được một nhà sưu tập nổi tiếng ở TPHCM mua cho bảo tàng cá nhân.
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất, xin giới thiệu một số bức ký họa chiến trường và tác phẩm sơn mài “Cô gái mở đường” của họa sĩ Thành Chương.
Thư Hoàng
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/hoa-si-thanh-chuong-tu-ky-hoa-chien-tranh-den-tac-pham-co-gai-mo-duong-10304640.html