Loài chim khảo cổ Chicago Archaeopteryx dưới ánh sáng tia cực tím để hiển thị các mô mềm bên cạnh bộ xương.
Archaeopteryx, loài chim cổ đại được xem là cầu nối giữa khủng long và chim hiện đại, tiếp tục làm sáng tỏ câu chuyện tiến hóa sau hơn 150 triệu năm.
Một mẫu hóa thạch hoàn chỉnh vừa được công bố đang mang đến góc nhìn mới về khả năng bay của sinh vật huyền thoại này.
Khám phá quý giá sau hơn 160 năm
Từ khi hóa thạch Archaeopteryx đầu tiên được phát hiện hơn 160 năm trước, giới khoa học đã không ngừng tìm kiếm những mảnh ghép còn thiếu trong hành trình tiến hóa của loài chim.
Giờ đây, mẫu vật có tên Chicago Archaeopteryx – được khai quật từ vùng đá vôi Solnhofen, Đức năm 1990 và thuộc sở hữu của Bảo tàng Field (Mỹ) từ năm 2022 – đang trở thành hiện tượng khoa học.
Mẫu vật này được đánh giá là hóa thạch có mô mềm và chi tiết xương tốt nhất từ trước đến nay của loài Archaeopteryx. Với kích thước tương đương một con bồ câu, bộ xương nhỏ bé, rỗng bên trong, được bao bọc trong lớp đá vôi cứng khiến việc khai quật phải vô cùng tỉ mỉ.
Công nghệ hiện đại giải mã bí mật 150 triệu năm
Do độ mong manh của mẫu vật, các chuyên gia không thể tách toàn bộ khỏi lớp đá như thông thường. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng chụp CT để xác định chính xác vị trí xương, giúp họ xử lý từng lớp đá bao quanh một cách an toàn.
Ngoài ra, tia cực tím (UV) cũng được sử dụng để làm lộ ra các mô mềm nhờ phản ứng huỳnh quang – điều không thể quan sát bằng mắt thường.
Tiến sĩ Jingmai O’Connor, giám tuyển Bảo tàng Field và tác giả chính của công trình nghiên cứu, chia sẻ: “Chúng tôi biết chính xác xương nằm cách bề mặt đá bao nhiêu mm nhờ CT, điều đó giúp việc khai quật cực kỳ chính xác.”
Hình minh họa cho thấy Archaeopteryx khi còn sống, gồm cả lông tam cấp giúp nó bay. Ảnh: Michael Rothman
Lông cánh hé lộ khả năng bay thực sự
Nghiên cứu tập trung vào phần đầu, tay, chân và lông cánh của hóa thạch. Đặc biệt, phần xương sọ đang giúp các nhà khoa học hiểu thêm về sự phát triển của cơ chế chuyển động mỏ linh hoạt – đặc trưng ở loài chim hiện đại.
Một phát hiện quan trọng khác là lông tam cấp (tertial) dài ở cánh trên, điều chưa từng thấy ở các hóa thạch Archaeopteryx trước đó. Chi tiết này có vai trò che lấp khoảng trống giữa cánh và thân, giúp tạo lực nâng ổn định khi bay – điều kiện cần cho khả năng bay chủ động.
Tiến sĩ O’Connor giải thích: “Ở loài chim hiện đại, xương cánh trên ngắn hơn và có lớp lông tertial che kín. Còn ở khủng long có lông, phần lông thường kết thúc ở khuỷu tay, cho thấy chúng không thể bay. Archaeopteryx thì khác – nó có thể bay.”
Phát hiện này cũng củng cố giả thuyết rằng khả năng bay đã tiến hóa nhiều lần ở các loài khủng long, chứ không chỉ qua một nhánh duy nhất dẫn đến chim hiện đại.
Cánh cửa mới cho hiểu biết về tổ tiên loài chim
Nhóm nghiên cứu cho biết sẽ tiếp tục phân tích sâu hơn mẫu vật này để tìm hiểu thêm về cách loài chim cổ như Archaeopteryx di chuyển, săn mồi và tiến hóa. Với mỗi phát hiện mới, hành trình khám phá nguồn gốc bay lượn của các sinh vật hiện đại lại tiến thêm một bước.
Theo IE
Hải Yến