Hòa thượng Bảo Ân - Cánh nhạn phương Nam giữa Vọng Các thành

Hòa thượng Bảo Ân - Cánh nhạn phương Nam giữa Vọng Các thành
11 giờ trướcBài gốc
Nói đến An Nam tông hay Phật giáo Việt tông tại Thái Lan thì không thể không nhắc đến Tổ sư Nhật Đáp Bảo Ân hay Luang phor Bảo Ân - vị Tổ sư có những đóng góp không nhỏ đối với Phật giáo Thái Lan và nước nhà Việt Nam đặc biệt là vai trò của một người con xa xứ, một chí sĩ yêu nước trong phong trào Phật giáo Cứu quốc tại Tây Nam Bộ và là một nhánh nhỏ quan trọng trong tuyến đường Xuyên Tây huyền thoại của Dương Quang Đông nối kết Thái Lan và chiến trường miền Nam Việt Nam.
Giữa thủ đô Bangkok (Vọng Các) hoa lệ, có một ngôi chùa cổ mang tên Sắc tứ Trấn Quốc - Cảnh Phước tự (Wat Samananamborihan, số 416 đường Lan Luang, sapankhao, quận Dusit) – nơi vị Tổ sư đã tu tập và hành đạo cho đến ngày viên tịch mùng 4 tháng 3 năm 1964 và nhục thân của người cũng được tôn trí tại nhà kỷ niệm Tổ sư hết sức trang nghiêm thanh tịnh, và đặc biệt hơn cả là hàng ngày vẫn có rất nhiều Phật tử gồm Việt kiều, Hoa kiều và người Thái đến thắp hương cầu nguyện. Một điều rất hiếm thấy đối với các Tổ sư Việt tông Thái khác sau khi đã viên tịch và có lẽ do những hành trạng tu tập nghiêm mật và công đức to lớn của người đối với Thái Lan và nước nhà Việt Nam. Trước thềm Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và chào mừng Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, thì tại Thái Lan đây cũng là dịp Kỷ niệm 100 năm đánh dấu hành trạng Tổ Bảo Ân đến Thái Lan hành đạo vào cuối năm 1925, chúng tôi xin tiếp tục khảo cứu về công đức “hộ quốc an dân” của ngài đối với nước nhà Việt Nam.
Tổ Bảo Ân thế danh Nguyễn Văn Báo, sinh năm Đinh Mùi (1906) tại xã Vĩnh Thanh Vân, huyện Châu Thành, tỉnh Rạch Giá (nay là phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang). Hòa thượng đồng chơn xuất gia, thọ giới Sa-di năm 1921 tại chùa Sắc tứ Tam Bảo và được Bổn sư đạo hiệu Hồng Nguyện - Trí Thiền đặt pháp danh là Nhật Đáp, tự Bảo Ân. Trong thời gian này, ngoài lúc theo Thầy học đạo, Tổ còn tham gia các lớp học Phật pháp do Hòa thượng Khánh Hòa tổ chức, vừa học chữ Hán và y học cổ truyền với một cụ đồ họ Vương, pháp danh Nhật Sắc, người từ miền Trung vào. Bốn năm sau, khi vừa tròn 20 tuổi, ngài thọ giới Tỳ-kheo tại Trường Hương chùa Long Phước, tỉnh Trà Vinh do Hòa thượng Khánh Hòa làm Pháp sư. Cùng năm đó, Tổ được thầy Bổn sư gửi qua Siam (Xiêm-la) tham học và hành đạo cuối năm 1925.
Trong lúc Tổ Bảo Ân đang tu học và hành đạo tại chùa Cam Lộ (Wat Thipvarivihan) ở Bangkok, Thái Lan thì ở Việt Nam vào những ngày toàn quốc chuẩn bị kháng chiến, vấn đề chi viện, trang bị vũ khí cho chiến trường toàn miền Nam là vô cùng cấp bách. Qua nhật ký “Dương Quang Đông Xuyên Tây” của tác giả Nguyên Hùng, chúng ta sẽ thấy rõ mối quan hệ mật thiết giữa Tổ Bảo Ân và con đường Xuyên Tây huyền thoại của Dương Quang Đông diễn ra rất cụ thể và sinh động như một thước phim tài liệu về hành trình Xuyên Tây này.
Vấn đề mua sắm võ khí là vấn đề sống chết, cần giải quyết ngay… Phan Trọng Tuệ đưa ra ý kiến nên cho người qua Xiêm mua súng. [Sở dĩ] Tuệ đưa ra ý kiến đó là vì trước kia đã từng hoạt động ở hai nước Thái và Lào. Đồng chí Bường tán thành ý kiến qua Xiêm mua súng vì qua Xiêm gần hơn ra Bắc, huống gì Trung ương còn có nhiệm vụ tiếp tế võ khí cho cả nước. Nam Bộ tự lo liệu được, thì nhẹ gánh cho Trung ương. Năm Đông được ông Tuệ chỉ định đảm trách công việc này. Theo lệnh ông Tuệ, đồng chí Nguyễn Văn Xô giao 25kg vàng cho Năm Đông đi mua súng (Nguyên Hùng 2004, hồi 7, tr.70).
Để rút ngắn các chương hồi trong cuốn sách này và dễ nắm bắt quá trình Xuyên Tây - tức hành trình qua Thái Lan mua vũ khí về cho Nam Bộ đánh Tây thống nhất sơn hà, chúng tôi xin đúc kết nội dung hồi ký Xuyên Tây thông qua các giai đoạn ngắn cũng như thêm phần phụ chú tư liệu lịch sử từ phía Thái Lan để hồi ký xuyên Tây đến với người đọc trọn vẹn hơn.
Hành trình Xuyên Tây
Chiều ngày 20-2-1946, chờ máy bay và tàu chiến của địch về căn cứ nghỉ ngơi, chiếc ghe cửa kéo buồm rời kênh Biện Nhị, giữa sự chia tay lưu luyến của các đồng chí và đồng bào địa phương… hết đêm rồi lại ngày, sau 5 ngày lênh đênh trên biển, ghe [cũng đã đến nơi] và làm giấy tờ nhập cảnh vào Bangkok tại bến Klong-tơi vào ngày 25-2-1946. (sđd, tr.71).
Cuộc tiếp xúc đầu tiên của đoàn với Hòa thượng Bảo Ân trên đất Thái
Lần đầu tiên bước lên bờ thủ đô Bangkok, Năm Đông hơi bỡ ngỡ, [vì] đường xa, xứ lạ, phong tục tập quán, ngôn ngữ bất đồng, nhưng đã dấn thân vào nơi vô định, phải có dũng khí của người thám hiểm. [Rồi] đang đi trên đường phố, bỗng nghe có ai đó nói tiếng Việt Nam. Thật là vui mừng khôn tả xiết. Nhìn kỹ, thì thấy một nhà sư đi với hai người có vẻ Việt Nam.
Sau khi hỏi thăm, chào nhau thì mới biết rằng ngài là Hòa thượng Bảo Ân, người Rạch Giá, đã qua Bangkok lâu rồi, hiện trú trong một ngôi chùa tên Thi-oa-thi(*), và được ngài mời về chùa đàm đạo (sđd, hồi 9, tr.78).
Qua cuộc tiếp xúc đó, Hòa thượng Bảo Ân đã nói:
Bần đạo là Hòa thượng Bảo Ân. Giới tu hành qua đây còn có Sư Ba (cụ Bình Lương, chùa Từ Tế) người miền Bắc. Tại chùa Năng Lớn (Cảnh Phước) có sư Giác Mẫn(**)và chùa Bang-phô (Quảng Phước) có sư Bích Vân. Tất cả đều là những người có tâm huyết với đất nước, quê hương. Trong tín hữu người Thái, có rất nhiều người có cảm tình với Việt Nam, nổi bật nhất là Mỏ Sang (Bác sĩ Sang). Mỏ Sang ủng hộ thuốc men cho bà con Việt kiều ở đây rất nhiều (sđd, hồi 9, tr.79).
Hành trình lên đường sang Thái Lan hành đạo
Qua lời đàm đạo giữa Tổ Bảo Ân và phái đoàn, chúng ta hiểu thêm rằng ngoài Tổ Bảo Ân, các ngài Bình Lương (Hà Tĩnh), Giác Mẫn, Bích Vân, Nguyễn Văn Khước (Huế)… đều là những Tăng sĩ, chí sĩ yêu nước yêu quê hương. Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại chúng ta cũng chỉ mới viết sơ khảo về ngài Bình Lương và Tổ Bảo Ân mà thôi. Còn quý ngài khác thì hy vọng sẽ có những khảo cứu sau này. Trong những lần hầu chuyện với ngài Tăng trưởng An Nam tông hiện tại là Hòa thượng Diệu Giác - Tịnh Liên nay đã 98 tuổi, vị học trò xuất sắc, người kế vị trụ trì sau Tổ Bảo Ân tại chùa Cảnh Phước và được ngài dạy rằng: “Các Hòa thượng Việt Nam chỉ dạy tôi học chữ Hán cổ để đọc kinh điển, cũng như thực hành các khoa nghi lễ, còn chữ Quốc ngữ thì chỉ dạy vừa đủ đọc bảng chữ cái và nói những câu đơn giản thôi, chứ không dạy sâu, vì các ngài sợ tôi hiểu và đọc được các văn bản cách mạng của các ngài. Chùa Cảnh Phước không chỉ là nơi giao tiếp, hội họp và lưu trú của những ‘khách lạ từ Việt Nam sang’, mà còn là nơi tập kết vũ khí trước khi được đưa về Việt Nam. Rất nhiều lần cảnh sát và mật thám đánh hơi được và đem máy dò đến chùa dò tìm vũ khí đạn dược, nhưng rất may là không tìm được gì cả nên Luang phor Bảo Ân vẫn bình yên tu học và hành đạo…”.
Cuộc đàm thoại giữa đoàn và Tổ Bảo Ân đã diễn ra bên chung trà đạo vị, Năm Đông cho biết tình hình chiến sự Việt Nam, về “Trạm số 1” đặt tại chùa Tam Bảo, Hòa thượng Trí Thiền bị đày đi Côn Đảo, sư Thiện Ân (Huyền Thanh - sư huynh Tổ Bảo Ân) đã viên tịch tại chùa, về nhóm các nhà hoạt động tại chùa Tam Bảo gồm: Võ Văn Kiệt, Phan Văn Bảy, Ngô Tám, Mỹ Hòa, Hữu Phước, Hai Thơ, Lọ Nhỏ, Râu Già, Trần Văn Tám, sư Nhật Quang… Nghe hết câu chuyện, Tổ Bảo Ân chỉ thở dài, và niệm Phật. Sau đó, Tổ bảo Năm Đông đưa hết anh em dưới ghe lên chùa tạm trú và nói qua tình hình Việt kiều Thái Lan cho đoàn nắm bắt.
Tôi đã đi nhiều nơi nhưng chưa thấy nơi nào Việt kiều có tinh thần tương thân, tương ái như ở đây. Chừng ở lâu mới biết, Việt kiều Thái, Lào khoảng 100 ngàn [người], trong đó khoảng 60.000 từ Lào sang… Việt kiều Lào chạy qua đây [Thái Lan] sau khi mặt trận Lào thất thủ vào đầu năm 1946. Khoảng 60.000 đồng bào này chính là lực lượng yêu nước mà chúng ta kỳ vọng trong công cuộc vận động mua sắm võ khí đưa về nước (sđd hồi 9, trang 80-1).
Hội ngộ Trần Văn Giàu và bộ 3 chủ chốt
Một hôm Vân Anh đưa hai anh Năm Đông và Sơn Ngọc Minh về nhà mình chơi. Đang đi bách bộ trên phố, bỗng Năm Đông nghe có tiếng ai kêu ‘Dương Quang Đông’. Anh quay lại thì thấy một người bước vội vô nhà đóng cửa lại… Sau đó Quang Đông trở lại thì mới biết người vừa gọi mình là Trần Văn Giàu… Ngày hôm sau, tại nhà Sáu Giàu, một Ban Nghiên cứu được thành lập gồm chỉ có 2 thành viên là Năm Đông và Sáu Giàu, cố vấn là Hòa thượng Bảo Ân. Từ đó tất cả hoạt động của đường Xuyên Tây, đều do bộ 3 này quyết định (sđd, hồi 9, tr.83).
Kể từ đó, trên con đường Xuyên Tây lại có thêm một bóng áo vàng trong vai trò cố vấn. Ban Nghiên cứu đã hoạch định việc dạy tiếng Thái cho cán bộ, liên hệ chủ tàu ghe, tiếp xúc đồng bào Việt kiều tìm kiếm thêm nguồn tài chính, tạo mối liên kết với các ngài Giác Mẫn, Bích Vân, đề cử các đồng chí đại biểu Quốc hội đi Hà Nội, liên lạc với Thủ tướng Thái Lan đương thời là Luang Pradit (người từng học với Sáu Giàu tại Pháp), lập các trại huấn luyện tại Thái và tìm mua nguồn vũ khí đạn dược.
Sau khi bàn bạc với Sáu Giàu và Hòa thượng Bảo Ân, Năm Đông quyết định lập một trạm tại May-luột, một trạm tại Kokong. Trạm May-luột giao 4 đồng chí là Thành, Tho, Thọ và Lầu. Trạm Kokong do hai đồng chí là Nhơn và Nghĩa. Bông Văn Dìa được anh em tín nhiệm giao chỉ huy cả 2 trạm nói trên. Vậy là đến đầu tháng 3-1946, đường Xuyên Tây đã hình thành (sđd, hồi 9, tr.84).
Với sự sắp xếp và chuẩn bị chu đáo về nhân sự và phương án hoạt động nên đoàn đã nhận được kết quả xứng đáng.
Trong khi anh Năm Đông và Sơn Ngọc Minh chuyên tổ chức các trung đội hải ngoại đưa về nước, thì các anh Thiệt, Sáu, sát cánh cùng Hòa thượng Bảo Ân bí mật mua sắm võ khí. Phấn khởi nhất là Thủ tướng Thái Lan Luang Pradit tặng cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam 50 tấn súng đạn và hóa chất… Võ khí, lớp xin, lớp mua được bí mật đưa về các chùa Thi-oa-thi, Năng Lớn và Bang-phô và cần đưa về nước theo chỉ thị của Xứ ủy. Muốn chở hàng “quốc cấm” này về nước phải nhờ nhà chùa vì lính không bao giờ lục soát các xe cộ nhà chùa. Thế là đích thân Hòa thượng Bảo Ân ngồi trên xe chở võ khí xuống bến… Đặc biệt, Thủ tướng Pradit còn điều thiếu tướng Luang-phạt, cùng 3 công an Xà-viễng túc trực tại hai tư dinh bộ trưởng Thông-in, Nai-tiêu, cùng các chùa Thi-oa-thi, Năng Lớn, Bang-phô, để hộ tống các xe chở võ khí xuống bến… Sau bao vất vả, đoàn đã về bến an toàn tại Vàm Ông Trang, thuộc xã An Viên vào ngày 14-7-1946 (sđd, hồi 13, tr.107-8).
Với những thành tựu như vừa nêu, về sau con đường Xuyên Tây trở thành con đường quan trọng có ý nghĩa chiến lược, cung cấp nhân sự và vũ khí đạn dược cho cả chiến trường Đông Dương (Việt Nam – Lào – Cam-pu-chia) và công trạng của những con người tham gia vào con đường huyền thoại này thật lớn lao, trong đó phải kể đến những Tăng sĩ Việt tông với tinh thần “hộ quốc an dân”, thực hiện hạnh nguyện Bồ-tát đạo đi vào cuộc đời để cứu quốc và nhân dân. Nước nhà có độc lập thống nhất thì mọi người dân mới được ấm no, hạnh phúc và có đủ quyền lợi để mưu cầu hạnh phúc mà trong đó là quyền tự do thực hành đời sống tôn giáo của mình.
Điện Bảo Ân - Tổ đường nơi tôn trí nhục thân Tổ sư Bảo Ân tại chùa Cảnh Phước, Bangkok
Tổ Bảo Ân - vị cố vấn trong con đường Xuyên Tây như cánh nhạn phương Nam giữa bầu trời đầy mây trắng của thủ đô Bangkok tươi đẹp. Ngài đã đến và đi như hạnh nguyện của mình và để lại cho hậu thế bao bài học quý giá. Tại ngôi chùa Cảnh Phước, nơi nhục thân của ngài còn nằm lại tại xứ người, nhưng trong lòng những người con của đất nước Việt Nam thân thương vẫn luôn hướng về người như một sự tri ân sâu sắc về một hành trạng cao cả mà công đức và sự nghiệp đã đi vào lịch sử. Kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, xin một lần nữa kính dâng ba nén tâm hương để tỏ bày lòng tri ân vô hạn về bậc phi tích cao tăng của Phật giáo Việt tông Thái Lan.
Bangkok, chiều Quý Xuân - Ất Tỵ 2025
---------------------------------
Tài liệu tham khảo
1. Nguyên Hùng, (2004) Dương Quang Đông Xuyên Tây. TP.Hồ Chí Minh: NXB Trẻ.
2. Thanh Vân, (1974) Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam qua các thời đại và phát nguồn của các giáo phái Phật giáo. Sài gòn: Phật học viện và các chùa xuất bản (nội bộ).
3. Nguyên Chơn, Đạo Bình, (2015) Phật giáo An Nam tông trên dòng Mê-kông. Sài gòn: Học viện Phật giáo TP.HCM và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn xuất bản (Kỷ yếu Hội thảo khoa học).
4. Nguyên Chơn, (2018), Tổ Bảo Ân - bậc danh tăng An Nam tông tại Thái Lan. TP.Hồ Chí Minh,Báo Giác Ngộ.
(*) Tổ Bảo Ân thường ở chùa Cảnh Phước hay wat Samananamborihan, Bangkok. Chùa có nhiều tên gọi khác như chùa Sapankhao, Bạch Kiều, Năng Lớn. Trước đó, ngài cũng từng ở chùa Thi-oa-thi hay chùa Cam Lộ (wat Thipvarivihan) nằm trọn giữa khu phố Tàu như mô tả trong hồi ký, nhưng hiện tại chùa Cam Lộ đã thuộc về Hoa tông (Chinnikai or Chinese Nikaya) vì những lý do khác nhau không còn trong hệ thống An Nam tông nữa.
(**) Cụ Giác Mẫn là đệ tử của ngài Bản Mặc - Viên Mãn chùa Phổ Phước, Bangkok, chứ không phải chùa Phổ Phúc Phong như các tư liệu báo chí đăng tải.
Nguyên Chơn - Khả Đạo/Báo Giác Ngộ
Nguồn Giác ngộ : https://giacngo.vn/hoa-thuong-bao-an-canh-nhan-phuong-nam-giua-vong-cac-thanh-post75887.html