Hòa thượng Thạch Thảo có nhiều đóng góp các phong trào ở địa phương

Hòa thượng Thạch Thảo có nhiều đóng góp các phong trào ở địa phương
14 giờ trướcBài gốc
Hòa thượng Thạch Thảo tâm huyết với khuyến học
Đến huyện Cầu Kè, khi hỏi chùa Kandal, ai cũng biết đó là ngôi chùa làm tốt công tác khuyến học; với vai trò chính là Hòa thượng Thạch Thảo, sinh năm 1969, Trụ trì chùa Kandal. Bởi Hòa thượng Thạch Thảo đã có hơn 30 năm tham gia hoạt động khuyến học: trao học bổng, hỗ trợ học phí, tặng sách, học cụ cho các trường học; dạy học miễn phí… những kết quả đạt được, giúp Hòa thượng càng vui, nhất là “các em đều ngoan, nhiều em thành đạt”.
Hòa thượng Thạch Thảo.
Khi hỏi về động cơ làm công tác khuyến học, Hòa thượng bộc bạch: Sư hiểu rõ chỉ có học tập mới giúp con người mở mang kiến thức, có điều kiện để sống tốt hơn. Tâm niệm như thế nên dù khó Sư cũng quyết theo đuổi việc làm này…
Qua tìm hiểu những đóng góp của Hòa thượng về khuyến học, đã dâng trào trong tôi lòng kính phục: đã tiếp sức cho hàng trăm em tiếp tục đến trường, hỗ trợ học bổng cho hàng trăm em trong suốt nhiều năm với số tiền hàng trăm triệu đồng… Và, chính Hòa thượng và các vị sư ở chùa Kandal đã nhiều năm làm “giáo viên không chuyên”, dạy chữ pa-li và ngữ văn Khmer.
Năm 1992, khi Trà Vinh được tái lập từ tỉnh Cửu Long, điều kiện học tập còn khó khăn, nhưng với tâm huyết thực hiện khuyến học, Hòa thượng xin phép và tổ chức dạy chữ Pa-li tại chùa; phong trào này giữ vững, duy trì đến nay. Theo Hòa thượng, những cậu học trò ngày nào, giờ là những người thành đạt trong và ngoài huyện Cầu Kè.
Là Chủ tịch Hội ĐKSSYN huyện Cầu Kè, mặc dù bận nhiều việc, nhưng Hòa thượng vẫn quan tâm về chuyện học hành của các em có hoàn cảnh khó khăn của xã Hòa Ân nói riêng, huyện Cầu Kè nói chung. “Mấy đứa nhỏ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nghỉ học sớm, mai kia ra đời sẽ thua thiệt…” - Hòa Thượng khẳng định và đó cũng chính là động lực, là con đường dấn thân của Hòa thượng trong suốt nhiều năm qua.
Theo đồng chí Trần Phong Ba, Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè, Hội ĐKSSYN huyện Cầu Kè đã góp phần tích cực trong thực hiện an sinh xã hội. Nhiệm kỳ qua, Hội đã vận động xây dựng nhà đại đoàn kết, trao quà, hỗ trợ tiền trị bệnh cho hộ nghèo, cận nghèo,… tổng số tiền gần 25 tỷ đồng; trong đó, có vai trò đóng góp rất lớn của Hòa thượng Thạch Thảo.
Được biết, trong 25 tỷ đồng, Hội ĐKSSYN huyện trao 22.000 phần quà cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, người cao tuổi, số tiền hơn 11 tỷ đồng; tặng 23 căn nhà Đại đoàn kết, gần 760 triệu đồng; thăm, hỗ trợ điều trị bệnh cho 3.168 lượt bệnh nhân, hơn 4,4 tỷ đồng; trao 1.650 suất học bổng cho tăng sinh, học sinh, hơn 1,3 tỷ đồng; xây dựng 08 tuyến đường đal, dài 5,14km, kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng…
Từ năm 2020 đến nay, Hòa thượng dành tặng nhiều phần quà khuyến khích tinh thần học tập cho học sinh tại các trường phổ thông, trị giá trên 200 triệu đồng; tặng quà cho học sinh giỏi, mỗi phần quà từ 300.000 - 500.000 đồng. Những học sinh đạt thành tích xuất sắc, Hòa thượng trực tiếp tặng học bổng, số tiền 02 triệu đồng/suất, nhằm động viên tinh thần các em duy trì thành tích học tập tốt ở cấp học cao hơn. Hiện Hòa thượng và chùa Kandal nhận đỡ đầu 11 học sinh mồ côi.
Ghi nhận những đóng góp của Hòa thượng, các cơ quan Trung ương, tỉnh tặng nhiều bằng khen và bằng tuyên dương.
Chung tay xây dựng nông thôn mới
Tháng 3/2024, UBND xã Hòa Ân tổ chức lễ công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh công nhận xã Hòa Ân đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023. Đây là thành quả của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Hòa Ân; trong đó, có đóng góp tích cực của Hòa thượng Thạch Thảo.
Đồng chí Nguyễn Thanh Khiết, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cầu Kè (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hòa Ân) chia sẻ: Hòa Ân là xã có đông đồng bào Khmer; những năm qua, sự chung tay góp sức của Hòa thượng Thạch Thảo, cùng với cấp ủy, chính quyền xã vận động đồng bào Phật tử tham gia tích cực XDNTM. Trong đó, Hòa thượng vận động xây dựng nhiều tuyến đường xanh - sạch - đẹp; nhiều công trình theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.
Nói về dấu ấn của những tuyến đường; trong đó có tuyến đường trước cổng chùa, Hòa thượng Thạch Thảo kể: trước đây, đường này là đất. Năm 2018, ông Trần Trí Dũng, lúc đó là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh ghé thăm chùa. Trước khi chia tay, ông Trần Trí Dũng nắm chặt tay tôi nói: Chùa đẹp, đời sống đồng bào Phật tử không ngừng nâng lên, xã Hòa Ân đang XDNTM… sao Sư không vận động làm con đường?.
Từ lời nhắc nhở, động viên của ông Bí thư Tỉnh ủy, Hòa thượng quyết tâm huy động sức dân để làm đường đal. Lần đầu, kinh phí ít, nên mặt đường có 02m, chỉ 01 chiếc xe 04 bánh đi. Đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của xã Hòa Ân, của đồng bào Phật tử, cùng với phương tiện giao thông ngày càng tăng, năm 2022, Hòa thượng quyết định mở rộng mặt đường lên 05m. Bước đầu cũng khó khăn, vì có một vài hộ phải hiến gần 500m2, Hòa thượng cùng với lãnh đạo xã tuyên truyền, vận động từ đó người dân đồng thuận, con đường hoàn thành.
“Cuộc sống của đồng bào Phật tử hiện không ngừng nâng lên là nhờ Đảng và Nhà nước, có nhiều chính sách, chăm lo, bảo vệ. Do vậy, Sư khuyên đồng bào Phật tử không nghe, không tin những xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử xấu, làm ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc…” - Hòa thượng Thạch Thảo khẳng định.
Những việc làm của Hòa thượng, góp phần tạo nên hình ảnh đẹp đối với Nhân dân nói chung và đồng bào Khmer nói riêng. Hòa thượng, góp công, góp sức thực hiện tốt phương châm “tốt đời, đẹp đạo” trên quê hương Cầu Kè.
Quan tâm bảo tồn, gìn giữ di sản
Nhân chuyến thăm chùa Kandal, đồng chí Nguyễn Quỳnh Thiện (giữa), Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tìm hiểu về cây thị.
Theo Hòa thượng Thạch Thảo: chùa Kandal đã qua 08 đời Hòa thượng, 38 đời trụ trì. Điểm chung nhất của các thế hệ: giữ cho ngôi chùa xanh, cổ kính và văn hóa - văn minh. Năm 2017, chùa tổ chức lễ kỷ niệm 700 năm thành lập (1317 - 2017), các vị Sư cả trước đây truyền lại, tại khuôn viên của chùa, khi hình thành, đã có cây thị, tồn tại qua nhiều đời trụ trì cho đến ngày nay.
Cây thị đã tồn tại và hình ảnh cây thị gắn bó từ giai đoạn hình thành ngôi chùa đến nay, mặc dù trên thân cây, có biết bao vết đạn, bom… của 02 cuộc kháng chiến; để bao tồn, Hòa thượng cho làm “lý lịch” và có chế độ chăm sóc riêng; xem cây thị là tài sản của chùa.
Mặt khác, trong khuôn viên chùa, hiện đã có hàng trăm cây xanh (sao, dầu), trong đó có nhiều cây cổ thụ của bao đời trụ trì để lại là minh chứng cho sự hòa quyện giữa con người với đất trời. Đặc biệt, trong khuôn viên chùa, hiện có một số cây dừa sáp thế hệ thứ 2 (gần 100 năm tuổi) được Hòa thượng gìn giữ; góp phần nâng cao giá trị văn hóa của Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè năm 2024 vừa được tỉnh tổ chức.
Với vai trò là đại biểu HĐND huyện, Hòa thượng đã có những đề xuất kịp thời trong các kỳ họp HĐND; Hòa thượng quan tâm đến kiến nghị của cử tri liên quan đến chính sách dân tộc: hỗ trợ giáo viên dạy chữ Khmer, tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển sản xuất… Những kiến nghị, đề xuất của Hòa thượng luôn được lãnh đạo các cấp, các ngành liên quan tiếp thu và đưa vào diễn đàn của các kỳ họp HĐND, triển khai thực hiện.
“Trong thực hiện quyền đại biểu dân cử, cũng như trong thuyết pháp, Sư truyền đạt đến đồng bào Phật tử thông hiểu về Giáo lý Phật học, luôn mang đến cho mọi người về ý nghĩa giáo dục nhân cách sâu sắc: hướng con người đến tính chân - thiện - mỹ. Nhận thức được điều đó, chúng ta học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên tất cả các lĩnh vực trong đời sống sẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn” - Hòa thượng Thạch Thảo khẳng định.
Lo cho đời, lo cho đạo, trong mỗi việc làm của Hòa thượng Thạch Thảo luôn thể hiện sự hòa đồng, đồng cảm với mọi người, sống theo pháp luật và nguyện đóng góp một phần công sức của mình trong xây dựng và phát triển địa phương. Tấm lòng của Hòa thượng Thạch Thảo xuất phát từ cái tâm của một vị trụ trì, được Phật tử gần xa cảm phục, người dân và chính quyền quý trọng.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Nguồn Trà Vinh : https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/hoa-thuong-thach-thao-co-nhieu-dong-gop-cac-phong-trao-o-dia-phuong-41324.html