Hòa thượng Thích Lệ Trang: Người thực hành cần hiểu và nắm rõ về cốt lõi của nghi lễ

Hòa thượng Thích Lệ Trang: Người thực hành cần hiểu và nắm rõ về cốt lõi của nghi lễ
14 giờ trướcBài gốc
Chư tôn đức niệm Phật cầu gia bị
Chia sẻ và giải thích một cách tường tận về ý nghĩa của trình tự, đặc trưng của những nghi thức, nghi lễ được thực hiện, đặc biệt trong các dịp trọng đại như các ngày vía Phật, Bồ-tát, Hòa thượng Thích Lệ Trang nhấn mạnh, mỗi nghi thức, bài tán câu tụng đều mang ý nghĩa riêng, đặc thù ứng hợp với mỗi sự kiện được tổ chức.
Do đó, người làm nghi lễ phải am hiểu một cách tường tận, nắm bắt được cốt lõi, tinh thần của nghi lễ chứ không phải chỉ lặp lại một cách khuôn sáo những điều đã học. Trong lễ có nhạc - phương tiện đã được chư Tổ đặt bày nhằm thích hợp với mỗi phương xứ, hoàn cảnh mà đạo Phật truyền tới, tiếp thu ảnh hưởng của văn hóa địa phương để tạo nên sự gần gũi, thân thuộc với người dân ở đó.
Hòa thượng Thích Lệ Trang lưu ý với hội chúng rằng người làm nghi lễ phải am hiểu một cách tường tận, nắm bắt được cốt lõi, tinh thần của nghi lễ chứ không phải chỉ lặp lại một cách khuôn sáo những điều đã học
“Trong nghi lễ, mọi việc làm từ lớn đến nhỏ đều có ý nghĩa riêng, chúng ta phải hiểu rõ nguyên do tại sao có như vậy. Khi hiểu rồi, chúng ta mới có thể đưa mọi thứ vào đúng quỹ đạo”, Hòa thượng lưu ý.
Đặc biệt, trong buổi thuyết giảng, Hòa thượng Thích Lệ Trang cũng đưa ra những ví dụ cụ thể, sát với thực tế như: sự khác biệt trong khoa nghi mang đặc trưng giữa các vùng miền, tính âm nhạc và chất liệu nghệ thuật trong các điệu tán, tụng, xướng,…
Theo Hòa thượng, điều quan trọng nhất của một vị thầy khi cử hành nghi lễ, đó là làm sao chuyển tải được ý nghĩa của giáo pháp, tạo sự lắng đọng trong tâm tư, tình cảm và đặc biệt, giữ được sự trang nghiêm, chuyên chú nhất tâm trong bối cảnh “muôn mắt nhìn vào, muôn tai dõi vào” của một buổi lễ.
Chư tôn đức tham dự
Cũng trong buổi thuyết giảng, rất nhiều câu hỏi được đại chúng đặt ra xoay quanh các khúc mắc trong việc thực hành nghi lễ và được Hòa thượng Thích Lệ Trang giải đáp một cách tường tận: quan niệm về “trùng tang” trong dân gian và cách xử lý theo quan điểm của Phật giáo; một số nghi thức liên quan đến tang lễ của chư Tăng như nghi thức trà-tỳ, nhập tháp; chư Ni có được lập ban kinh sư không, cư sĩ có được ngồi gia trì không;…
Rất nhiều câu hỏi, thắc mắc cũng được chư Tăng Ni đặt ra với Hòa thượng Thích Lệ Trang
Đặc biệt, trước câu hỏi màu nâu trong pháp phục của chư Tăng có phải xuất phát từ Trung Hoa không, Hòa thượng Thích Lệ Trang cũng lưu ý rằng, màu nâu vốn là màu sắc đặc trưng trong pháp phục của Tăng sĩ Việt Nam, đã được chư Tổ sử dụng từ ngàn xưa. Từ sau khi thực hiện việc thống nhất Phật giáo ở những năm đầu của thế kỷ XX, pháp phục màu vàng mới được chư Tăng Việt Nam sử dụng nhằm tạo sự thống nhất.
Tuy nhiên, hiện nay, tại nhiều nơi ở phía Bắc, chư Tăng vẫn sử dụng pháp phục màu nâu trong hành trì thường nhật tại tự viện; đó cũng là nét đẹp của truyền thống Phật giáo Việt Nam mà chúng ta cần gìn giữ.
Theo chương trình, 8 giờ sáng mai, 5-12-2024, Hòa thượng Thích Thiện Thống, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban - Chánh Thư ký Ban Tăng sự T.Ư sẽ chia sẻ với đại chúng tham dự Tuần huân tu và Khóa bồi dưỡng trụ trì tại Việt Nam Quốc Tự (Q.10, TP.HCM) về chuyên đề: "Quy chế hoạt động Ban Tăng sự T.Ư".
Một số hình ảnh ghi nhận tại buổi thuyết giảng:
Quang cảnh buổi thuyết giảng của Hòa thượng Thích Lệ Trang vào sáng nay, 4-12, với sự tham dự của gần 800 chư Tăng, Ni
Lương Hoàng - Quảng Đạo/ Báo Giác Ngộ
Nguồn Giác ngộ : https://giacngo.vn/hoa-thuong-thich-le-trang-nguoi-thuc-hanh-can-hieu-va-nam-ro-ve-cot-loi-cua-nghi-le-post73982.html