Các thành viên HTX hoa ly Hữu Trí (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) bên cạnh niềm vui vào vụ thu hoạch hoa tết thì vẫn có những nỗi buồn đan xen vì dù đã căn thời vụ, kỹ thuật nhưng vẫn có những cây hoa ly “chín sớm”.
Nơi nở sớm, nơi nở muộn
Bởi nếu là ngày 21-22 âm lịch mà hoa đã bung màu thì khách hàng các tỉnh nhận hoa rất khó giữ được để cắm vào mùng 1, mùng 2, mùng 3 Tết mà chỉ bán phục vụ cắm vào ngày 23 âm lịch cúng ông Công , ông Táo. Hoa ly muốn bán để cắm đúng dịp Tết thì vào thời điểm từ 18,19, 20 âm lịch, hoa vẫn phải cụp ở “dạng trái”, chưa lên màu.
Còn theo ông Tăng Văn Thanh, HTX hoa Mê Linh (Hà Nội), hầu như hoa ly Tết ở Mê Linh năm nay đều bị nở sớm vì thời tiết ấm hơn. Nếu nở đúng tết, 2 cành 5 tai xuất vườn khoảng 180.000-190.000 đồng nhưng do nở sớm nên chỉ có giá nhỉnh hơn một nửa. Vì thế, sẽ có hai tình trạng: một là người tiêu dùng sẽ mua hoa với giá cực kỳ rẻ vì nhiều nhà vườn cắt hoa nở sớm trữ vào nhà lạnh từ ngày 18, 19 âm lịch; hai là người tiêu dùng sẽ phải mua hoa với giá rất cao, có thể 300.000-500.000/bình ly vì hoa nở vào đúng ngày Tết thì không có nhiều.
Hoa ly phục vụ cho những ngày Tết thì thời điểm này vẫn phải giữ được ở "dạng trái" và không lên hoặc chỉ lên ít màu.
Trái với cảnh hoa nở sớm trước tết như hai HTX trên, thì các thành viên HTX Bình Kiến 2 (Tuy Hòa, Phú Yên) lại đang lo lắng vì hoa cúc năm nay gặp phải thời tiết lạnh và mưa trong thời gian khá dài nên đến giờ mới chỉ bắt đầu nhú hoa, khó có thể đạt chất lượng để chơi vào chính Tết Nguyên đán. Hiện tại, các thành viên đang thực hiện chong đèn cho hoa nhưng theo đánh giá của các thành viên, các làm này cũng khó có hiệu quả cao. Còn việc dùng phân thuốc kích hoa nở thì lại khiến người trồng bị bị tăng chi phí, không bảo đảm được lợi nhuận.
Có thể thấy, sự bất thường của thời tiết, khí hậu là một trong những nguyên nhân chính khiến không ít HTX trồng hoa đang gặp bất lợi vào vụ tết. Mặc dù các HTX này đều có kinh nghiệm trong trồng và kinh doanh hoa nhưng thời tiết bất lợi cũng khiến người nông dân "bó tay" và không thể ngờ được hết những diễn biến thất thường năm nay.
Ngoài trồng hoa, không ít HTX kinh doanh ở lĩnh vực khác như cây ăn quả cũng bị thất thu bởi cây trồng chịu tác động từ biến đổi khí hậu. Một số vườn cam xã Đoài (Nghi Diên, Nghi Lộc, Hà Tĩnh) thời gian qua có biểu hiện rụng quả quanh gốc. Có cây rụng nhiều, có cây rụng ít nhưng theo ông Trịnh Xuân Giáo, HTX cam xã Đoài, điều này ảnh hưởng đến nguồn thu của thành viên, người dân bởi cam vào vụ Tết thường có giá cao hơn, khoảng 70.000-80.000 đồng/kg. Nếu với những nhà có 400-500 gốc mà cam bị rụng sẽ thiệt hại từ hàng chục lên đến hàng trăm triệu đồng.
Được mùa nhưng… mất giá
Không chỉ đau đầu bởi tình trạng hoa nở không đúng thời điểm, hầu hết những HTX trồng hoa, cây cảnh, cây ăn trái cũng phải lo lắng trước sức mua không được mạnh mẽ của người dân bởi tâm lý tiết kiệm chi tiêu, chỉ mua những mặt hàng thiết yếu của nhiều người. Trong khi giá cả những mặt hàng này phụ thuộc lớn vào nhu cầu của người tiêu dùng.
Ông Tăng Văn Thanh cho biết năm ngoái, giá hoa ly có thể hơn 100.000 đồng/cành từ 5 tai nhưng năm kia thì chỉ có giá 50.000-60.000 đồng/cành từ 5 tai. Năm nay, với những diện tích hoa ly thu hoạch trước tết phục vụ cúng ông Công ông Táo cũng chỉ có giá trên dưới 200.000 đồng/bó có 5-6 cành. Do đó, ngoài thời điểm thu hoạch thì còn có một yếu tố nữa là sức mua của người dân tác động không nhỏ đến đầu ra và giá trị kinh tế.
Ông Đinh Huy Hòa, Chủ tịch kiêm Giám đốc HTX số 1 Tây Tựu (Hà Nội) thông tin, dù các loại hoa năm nay được mùa nhưng nhìn chung giá hoa giảm khoảng 15-30% so với năm ngoái. Điều này một phần là do sức mua yếu, nhiều vựa hoa ngay tại Hà Nội và những tỉnh lân cận đều tăng diện tích, nhất là với những giống hoa ngắn ngày vì bổ sung vào diện tích hoa cây cảnh dài ngày bị thiệt hại từ cơn bão Yagi.
Tại Tổ hợp tác trồng hoa xã Mỹ Phong (TP. Mỹ Tho), dù diện tích hoa của các thành viên đã sẵn sàng phục vụ thị trường nhưng đều lo lắng vì giá hoa năm nay không tăng, thậm chí giảm do nhu cầu thu mua từ sỉ đến lẻ đều giảm.
Theo tính toán của các HTX, tổ hợp tác, chi phí đầu tư trồng hoa năm nay đều tăng từ 10-30%. Điều này không chỉ bởi giá vật tư, phân bón đầu vào tăng mà còn bởi biến đổi khí hậu khiến cây trồng bị nhiều loại sâu bệnh khiến các HTX, người dân buộc phải dùng thuốc, phân để giữ và bảo vệ cây. Đó là chưa kể, năm nay, tình trạng bão lũ diễn ra khiến nhiều vùng trồng phải tái đầu tư, làm tăng chi phí đầu vào.
Trong khi đầu ra được đánh giá là không thực sự rộng mở do nhu cầu mua sắm của người dân chưa thực sự mạnh bởi tâm lý tiết kiệm chi tiêu. Đi liền với đó, có những HTX năm nay sản xuất nhưng thời tiết không thuận lợi, hoa nở không đúng thời điểm có thể dẫn đến nguồn thu không đủ bù chi.
Do đó, lời khuyên đưa ra là các HTX nên tính toán giữa chi phí với giá bán một cách phù hợp. Nếu có khách hỏi mua “vừa giá” thì HTX bán ngay, không nên cầm chừng chờ đợi sức mua của người dân vào những ngày cận Tết, bởi kinh nghiệm nhiều năm là tình trạng phải phá bỏ hoa, cây cảnh đã diễn ra vì đến 28-29 thậm chí 30 Tết nhu cầu mua sắm vẫn không tăng. Đi liền với đó, HTX cần kết hợp giữa bán trực tiếp và bán online để tăng hiệu quả đầu ra, thuận lợi trong tiếp cận khách hàng.
Các chuyên gia cũng kỳ vọng tình hình tiêu thụ trong những ngày tới sẽ khả quan hơn để đầu ra cho thị trường hoa trái, nông sản của HTX được thuận lợi.
Huyền Trang