Hoạch định tài chính cá nhân: Cần bổ sung hành lang pháp lý

Hoạch định tài chính cá nhân: Cần bổ sung hành lang pháp lý
15 ngày trướcBài gốc
Ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch GAMA Global-Vietnam
Nghề Hoạch định tài chính còn mới ở Việt Nam
Hoạch định tài chính cá nhân (Financial Planning) là một quá trình mà các chuyên gia hoạch định tài chính/cố vấn tài chính sử dụng để xem xét tất cả các khía cạnh tình hình tài chính của một cá nhân khi xây dựng chiến lược, kế hoạch tài chính và đưa ra khuyến nghị hành động để một người hiện thực hóa được các mục tiêu tài chính của mình.
Tại các nước phát triển, nghề hoạch định tài chính cá nhân được thực hiện bởi các cố vấn tài chính. Đây là lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn cao, được gọi chung là ngành dịch vụ tài chính, tương tự như các ngành luật, bác sĩ, cố vấn đầu tư, chuyên gia thuế... Ngành dịch vụ tài chính luôn được quản lý chặt chẽ, đảm bảo chỉ những cá nhân đủ năng lực chuyên môn và được cấp phép mới được hành nghề.
Ví dụ, tại Hoa Kỳ, hiện có gần 300.000 cố vấn tài chính được cấp phép hoạt động, phục vụ khoảng 35% dân số của quốc gia này. Tổng tài sản do các cố vấn tài chính quản lý đạt 62.620 tỷ USD vào năm 2024. Người lập kế hoạch tài chính (cố vấn tài chính) được trả phí thường tính theo giờ, phí cố định, hoặc phí quản lý tài sản. Nếu khách hàng muốn gặp một vài lần để lập kế hoạch tài chính, họ sẽ phải trả phí trung bình từ 100 - 300 USD/giờ, còn nếu gặp gỡ thường xuyên thì khoản phí cố định trung bình khoảng 1.000 - 3.000 USD.
Ở Việt Nam, thuật ngữ “hoạch định tài chính” còn khá mới mẻ và thường được cho là một hoạt động của doanh nghiệp. Gần đây, thuật ngữ này được dùng khá nhiều tại các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và người đại lý bảo hiểm nhân thọ còn được các doanh nghiệp gọi là “tư vấn tài chính”, điều này khiến mọi người đánh đồng việc hoạch định tài chính với việc tìm hiểu mua bảo hiểm nhân thọ.
Ngoài ra, cũng có những quan điểm sai lầm về hoạch định tài chính như, “chỉ khi gần đến lúc nghỉ hưu mới cần lập kế hoạch tài chính”, hoặc “hoạch định tài chính chỉ là cách nói khác của đầu tư”…
Hoạt động hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam vẫn chưa được đại đa số người dân quan tâm
Trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển, với dân số trẻ và thu nhập ngày càng tăng, nhu cầu về các dịch vụ tài chính cá nhân để cải thiện chất lượng sống đang tăng mạnh. Hoạch định tài chính sẽ giúp người dân xây dựng được các mục tiêu tài chính rõ ràng, khả thi và có động lực để triển khai thực hiện.
Một bản kế hoạch tài chính cá nhân chuẩn mực thông thường phải có 6 điểm chính, bao gồm xác định mục tiêu tài chính, thể hiện rõ ràng thông tin liên quan từ khách hàng, phân tích dữ liệu và đánh giá tình hình tài chính của khách hàng, phát triển và đề xuất kế hoạch tài chính, triển khai kế hoạch tài chính đã được khách hàng đồng thuận, giám sát quá trình và đánh giá hiệu quả của việc triển khai kế hoạch tài chính.
Như vậy, nhiệm vụ của người cố vấn tài chính là giúp khách hàng của mình có được một kế hoạch tài chính hiệu quả, đảm bảo nguồn tài chính cho chi tiêu, phòng ngừa rủi ro, tiết kiệm, đầu tư và chuyển giao tài sản thừa kế một cách an ổn nhất. Việc có hiểu biết và gia tăng các dịch vụ tài chính như hoạch định tài chính cá nhân không chỉ mang lại sự ổn định tài chính cá nhân, mà còn thúc đẩy sự lưu thông nguồn tiền trong nền kinh tế.
Cần bổ sung hành lang pháp lý
Nghề cố vấn tài chính tại Việt Nam hiện còn trong tình trạng thả nổi, chưa có các quy định pháp luật cụ thể để cấp phép và quản lý.
Việc nâng cao nhận thức về hoạch định tài chính cá nhân và phát triển hoạt động hoạch định tài chính cá nhân sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của các cá nhân, nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính, cũng như sự phát triển bền vững của xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam chưa được đại đa số công chúng nhận thức và quan tâm đúng mức.
Để lập được kế hoạch tài chính, khách hàng cần có sự tin tưởng cao với người cố vấn tài chính khi cung cấp các thông tin về thu nhập và khoản nợ vay, tài sản cá nhân, ý định và mong muốn đầu tư, khả năng chấp nhận rủi ro…, đây đều là những thông tin khá nhạy cảm mà nhiều người dân Việt Nam chưa quen, thậm chí còn ngại ngần khi cung cấp theo yêu cầu.
Tuy nhiên, với tính chất khoa học và quan trọng của việc lập kế hoạch tài chính, nếu thông tin đầu vào (dữ liệu) được cung cấp không chính xác, thì các phương án mà người cố vấn tài chính đưa ra sẽ không thực tế và khó triển khai thực hiện.
Ngoài ra, nghề cố vấn tài chính tại Việt Nam hiện còn trong tình trạng thả nổi, chưa có các quy định pháp luật cụ thể để cấp phép và quản lý. Hoạt động giáo dục nhận thức về quản lý tài chính cá nhân còn chưa được triển khai một cách bài bản và có hệ thống trong xã hội.
Song song với việc thiếu các hành lang pháp lý cho hoạt động hoạch định tài chính cá nhân, tại Việt Nam còn thiếu một số các công cụ tài chính quan trọng giúp xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân như: loại hình bảo hiểm “Mất khả năng lao động”, để giúp đảm bảo việc có nguồn tài chính dự phòng trong trường hợp người được bảo hiểm không may gặp phải rủi ro như ốm đau, tai nạn dẫn tới mất khả năng lao động; mô hình quỹ tín thác cá nhân, cho phép cá nhân được lập ra các quỹ tín thác để chỉ định người thụ hưởng chuyển giao tài sản thừa kế một cách hợp pháp và hợp lý theo ý nguyện của cá nhân.
Để đưa hoạch định tài chính cá nhân vào cuộc sống, chúng ta cần có hành lang pháp lý rõ ràng, quy định về đào tạo, cấp giấy phép hành nghề, quản lý hành nghề, quy định về việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, bảo mật thông tin của khách hàng…; sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng cho việc thành lập các hiệp hội chuyên ngành hoạch định tài chính cá nhân, cùng sự tham gia tuyên truyền của các cơ quan báo chí chuyên ngành trong việc cung cấp thông tin, giáo dục nhận thức về tầm quan trọng và lợi ích của việc hoạch định tài chính cá nhân.
TS. LO Frankie Chun Fai
Chủ tịch IARFC Vietnam (Thành viên chính thức của Hiệp hội Cố vấn Tài chính Quốc tế IARFC - International Association of Registered Financial Consultants, Hoa Kỳ)
Việt Nam đang là nền kinh tế có sự tăng trưởng ấn tượng trong khu vực Đông Nam Á, cùng với đó là sự tăng trưởng mạnh về thu nhập và cơ hội đầu tư cho người dân. Tuy nhiên, sự quan tâm về hoạch định tài chính cho cá nhân vẫn chưa thực sự đúng tầm, giống như ở Hồng Kông cách đây vài thập niên.
Số lượng dân cư hình thành các tài sản của mình đang gia tăng, dẫn tới nhu cầu quản lý tài sản là một điều thiết yếu. Việc hoạch định tài chính cá nhân đúng cách và chuyên nghiệp sẽ giúp bảo vệ được khối tài sản này trước các rủi ro thị trường (khủng hoảng kinh tế), rủi ro cuộc sống…, thậm chí gia tăng giá trị tài sản với các phương thức đầu tư phù hợp, khôn ngoan.
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/hoach-dinh-tai-chinh-ca-nhan-can-bo-sung-hanh-lang-phap-ly-post360011.html