Hoãn phiên xét xử Hiệu trưởng lợi dụng chức vụ để triệu tập bên đối chất

Hoãn phiên xét xử Hiệu trưởng lợi dụng chức vụ để triệu tập bên đối chất
9 giờ trướcBài gốc
VKS đề nghị hủy bản án
Sáng 14/7, TAND Tp.Hà Nội đưa ra xét xử phúc thẩm bà Nguyễn Thị Thỏa - cựu Hiệu trưởng Trường mầm non xã Phượng Dực (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên cũ) Tp.Hà Nội về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Trước đó, phiên tòa phải hoãn vào ngày 29/5 để triệu tập thêm những cá nhân có liên quan.
Xem lại nội dung vụ án: Hà Nội: Hoãn phiên xét xử vụ Hiệu trưởng lợi dụng chức vụ quyền hạn
Tại phiên tòa ngày 29/5, bà Thỏa khai rằng, để dẫn đến vụ án, tất cả thành viên trong Hội đồng nhà trường (cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường), Ban giám hiệu, Chủ tịch công đoàn… đều nhất trí việc làm trên khi đưa ra hội nghị công nhân viên chức.
Bà Nguyễn Thị Thỏa.
Mọi người thống nhất số tiền được đưa vào quỹ Công đoàn để chi cho hoạt động chung của nhà trường. Do đó, bà Thỏa yêu cầu, cần làm rõ trách nhiệm liên đới của các bên liên quan.
VKS ý kiến hoãn phiên tòa để triệu tập các tập thể, cá nhân liên quan như bà Thỏa nói để để đối chất. Do đó, ngày 14/7, tòa đã cho triệu tập đầy đủ cán bộ, nhân viên nhà trường, tuy nhiên vẫn có một số người vắng mặt.
Tại phiên tòa, khi được hỏi, một số thành viên trong Ban giám hiệu, Công đoàn nhà trường cho biết, có nắm được thông tin về việc các giáo viên xin nghỉ nhưng vẫn được hưởng lương và bảo hiểm trong một số cuộc họp. Tuy nhiên, cụ thể thời gian nghỉ của giáo viên, hay số tiền thu lại và chi thế nào thì họ không nắm được.
Lúc đó họ không nghĩ đó là sai phạm vì số tiền thu được chi cho hoạt động chung của nhà trường như: May đồng phục, du lịch,… Tất cả cán bộ, giáo viên nhà trường đều hưởng như nhau, không phân biệt chức vụ.
Trong khi đó, bà Thỏa cho rằng, bản thân không quản lý nguồn tiền đó mà do Công đoàn, Thủ quỹ, Kế toán giữ và chi. Việc cho các giáo viên nghỉ và thu tiền rồi chi cho các hoạt động chung đều phải thông qua Chi bộ, Hồi đồng nhà trường… một mình bà không thể quyết định.
Do đó, bà Thỏa đề nghị tòa phúc thẩm làm rõ bản chất vụ án là sai phạm mang tính tập thể, không phải chỉ do cá nhân.
Tại phiên tòa, đại diện VKSND Tp.Hà Nội đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Theo vị đại diện, quá trình điều tra xác định thiệt hại của vụ án là hơn 937 triệu đồng. Khoản tiền được khắc phục trong hồ sơ là hơn 942 triệu đồng, trong đó riêng bà Thỏa khắc phục 604 triệu đồng. Do đó, cần làm rõ số tiền thực tế gia đình đã khắc phục, vì gia đình cho rằng đã nộp nhiều hơn và yêu cầu nhận lại.
Bên cạnh đó, đối với 23 giáo viên đã nghỉ nhưng vẫn hưởng lương và đóng bảo hiểm, khi xem xét đối chiếu các khoản tiền, thời gian đóng bảo hiểm giữa Trường mầm non Phượng Dực kê khai và Bảo hiểm xã hội huyện Phú Xuyên có sự khác biệt. Trong khi tòa sơ thẩm không triệu tập bên Bảo hiểm xã hội để đối chất.
Ngoài ra, qua lời khai của các bị cáo và người có liên quan còn cho thấy nổi lên vai trò liên đới của một số cá nhân trong Ban giám hiệu, Công đoàn… Do đó, đại diện VSK đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại nhằm xem xét toàn diện trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong vụ án.
Tiếp tục hoãn phiên tòa
Sau khi nghe ý kiến của đại diện VKS, HĐXX hỏi quan điểm của 4 bị cáo trong vụ án. Riêng bà Thỏa đồng ý với quan điểm hủy bản án sơ thẩm. Các bị cáo còn lại gồm: Đinh Thị Huế - Kế toán từ năm 2009 đến tháng 3/2022; Dương Thị Nhung - Kế toán từ tháng 4/2022 - tháng 12/2022; Vũ Thị Chi - Chủ tịch công đoàn nhà trường từ tháng 10/2018 không đồng ý quan điểm hủy bản án. Trước đó 3 người này cũng không kháng cáo, chỉ bà Thỏa kháng cáo.
HĐXX tiếp tục hỏi quan điểm của một số các cán bộ, giáo viên có mặt tại phiên tòa thì cũng nhận được các ý kiến trái chiều.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến.
Tiếp đến, luật sư nguyễn Văn Chiến (bào chữa cho bà Thỏa) cho rằng, suốt quá trình cho các giáo viên nghỉ việc và nộp lại lương thì không có trường hợp nào bà Thỏa lạm quyền để ra quyết định. Tất cả đều theo ý kiến tập thể và được thể hiện qua các biên bản cuộc họp.
Ngoài ra, bị cáo Thỏa cũng không chỉ định bất kỳ khoản chi nào và đều dựa trên cơ sở bàn bạc ý kiến của Hội đồng nhà trường. Do đó, luật sư đề nghị HĐXX xem xét tổng thể bối cảnh chung vụ án, đặc biệt dù vi phạm pháp luật nhưng bị cáo không có tư lợi riêng để xem xét giảm mức án cho thân chủ…
Sau thời gian nghị án, chiều cùng ngày HĐXX quyết định hoãn phiên tòa để triệu tập Bảo hiểm xã hội để đối chất rõ ràng về số tiền bảo hiểm nhà trường đã đóng.
Theo bản án sơ thẩm của TAND huyện Phú Xuyên, từ tháng 9/2017, một số giáo viên, nhân viên hợp đồng nhà trường có nguyện vọng xin nghỉ trong thời gian nhất định do công việc gia đình hoặc tìm công việc khác, nhưng muốn nhà trường để tên trong danh sách giáo viên, nhân viên đi làm để đóng bảo hiểm và có thể đi làm lại.
Tại một số cuộc họp (họp Chi bộ, Ban giám hiệu), bà Thỏa đưa ra chủ trương giữ lại danh sách các giáo viên, nhân viên xin nghỉ mà không báo cáo đến UBND huyện Phú Xuyên để hàng tháng các cá nhân này vẫn có trong danh sách đi làm và chi lương bình thường. Từ tháng 9/2017 đến tháng 5/2023, xác định có 23 giáo viên, nhân viên xin nghỉ như vậy.
Số tiền đó được chuyển lại cho Kế toán và Chủ tịch Công đoàn của nhà trường quản lý, chi tiêu như: Tổ chức cho giáo viên, nhân viên đi tham quan, nghỉ mát, đi thực tế học hỏi kinh nghiệm, may đồng phục,... gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền trên 937 triệu đồng (trong đó, số tiền thu từ giáo viên nghỉ là hơn 721 triệu đồng, còn lại là tiền bảo hiểm).
Bà Thỏa không vụ lợi cá nhân riêng số tiền trên. Tòa sơ thẩm tuyên bà Thỏa 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, các bị cáo liên quan cũng đều được tuyên án treo.
Sau đó, bà Thỏa kháng cáo xin giảm hình phạt từ việc rõ trách nhiệm liên đới của các bên liên quan. Với cương vị Hiệu trưởng, bà Thỏa phải chịu trách nhiệm lớn nhất, nhưng bản chất sai phạm là của tập thể.
Đặng Ngọc Thủy
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/hoan-phien-xet-xu-hieu-truong-loi-dung-chuc-vu-de-trieu-tap-ben-doi-chat-204250714175444921.htm