Ngày 7/1, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Đồng Tháp (Nghị quyết số 04-NQ/TU). Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Lâm Thanh Thủy chủ trì hội nghị.
Đại biểu dự hội nghị
Sau gần 5 năm thực hiện, tỉnh hoàn thành cơ bản các mục tiêu và các chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết số 04-NQ/TU; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và đời sống vật chất, tinh thần của người dân; tích cực triển khai CĐS toàn diện trên tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó, ưu tiên 3 lĩnh vực: nông nghiệp, giáo dục và y tế, để tập trung nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ CĐS. Đến nay, tỉnh thực hiện vượt 11/17 chỉ tiêu, đạt 6/17 chỉ tiêu Nghị quyết số 04-NQ/TU.
Đối với 11 chỉ tiêu vượt, gồm: chính quyền số: duy trì 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (nay là dịch vụ công trực tuyến toàn trình); duy trì 100% văn bản được trao đổi qua môi trường mạng (trừ văn bản mật); tỷ lệ cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở đạt 100%; 100% cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số để sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản cho yêu cầu công việc.
Kinh tế số, trên 58% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; 60,82% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; năng suất lao động bình quân hằng năm tăng tối thiểu 7%.
Xã hội số, 85% hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cố định; trên 80% dân số có tài khoản thanh toán điện tử; 100% dân số trưởng thành có danh tính số; 95% các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số.
Còn 6 chỉ tiêu đạt, gồm: kinh tế số, duy trì và cập nhật đảm bảo 100% sản phẩm OCOP có mặt trên các sàn thương mại điện tử; 60% nông dân biết ứng dụng công nghệ IoT vào quy trình sản xuất, khai thác thông tin cung - cầu thông qua mạng internet, mua bán trực tuyến, thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”.
Lĩnh vực xã hội số, 100% thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh; 67,95% dân số có kiến thức số, kỹ năng số cơ bản; 87% dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử; 100% cơ sở khám, chữa bệnh triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục các khó khăn trong công tác CĐS như: nguồn nhân lực làm nhiệm vụ chuyên trách CĐS tại cơ quan, đơn vị và địa phương còn hạn chế về số lượng và chất lượng; công việc phát sinh nhiều và phức tạp nhưng nhân lực CĐS vẫn không thay đổi theo yêu cầu thực tiễn và có chiều hướng giảm; hạ tầng công nghệ tuy được đầu tư nhưng chưa đảm bảo do hạn chế trong nguồn vốn và cơ chế mua sắm hiện nay; Chỉ số nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin cho thương mại điện tử của tỉnh còn thấp; một số sản phẩm OCOP của tỉnh bị hủy niêm yết trên các sàn giao dịch thương mại điện tử do không phát sinh giao dịch. Về xã hội số, số lượng, giá trị thanh toán phí, lệ phí trực tuyến tăng chậm do người dân chưa quen với việc thanh toán không dùng tiền mặt…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn cho biết, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy, chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương đã mang lại hiệu quả trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU. Qua đó, nhận thức về CĐS của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động và người dân có chuyển biến tích cực, hình thành thói quen ứng dụng công nghệ số trong công việc, trong cuộc sống…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh phát biểu chỉ đạo hội nghị
Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, CĐS là một hành trình dài, cần tiếp tục đẩy mạnh, đột phá trong thời gian tới. Lãnh đạo các ngành, đơn vị, các cấp phải quyết tâm hơn, nhất là giải quyết các khó khăn, hạn chế để công tác CĐS trên địa bàn tỉnh đạt kết quả toàn diện, đồng bộ ở các lĩnh vực; chú trọng công tác tuyên truyền về CĐS, tăng cường nguồn nhân lực cho CĐS; không ngừng thay đổi quy trình, phương pháp làm việc để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ số nhằm tận dụng tối đa những lợi thế do CĐS mang lại; nghiên cứu, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác quản lý, phát triển kinh tế, xã hội…
Dip này, tỉnh tổ chức công bố Cổng thông tin dữ liệu mở tỉnh Đồng Tháp: thu thập, xử lý và lưu trữ dữ liệu dùng chung từ các cổng thu thập dữ liệu ngành, xử lý khai thác kho dữ liệu dùng chung của tỉnh; chia sẻ, tích hợp với trục LGSP và các hệ thống khác; làm cơ sở kết nối, cung cấp dữ liệu cho cổng dữ liệu quốc gia. Cổng thông tin dữ liệu mở tỉnh Đồng Tháp cho phép người dân, doanh nghiệp tìm kiếm dữ liệu, tải về và tự tạo bộ dữ liệu riêng; tạo ra không gian chia sẻ các bộ dữ liệu giữa các cá nhân, tổ chức…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh (thứ 3 từ trái sang) cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Cổng thông tin dữ liệu mở tỉnh Đồng Tháp
TN