Hoàn thành xây dựng NTM là câu chuyện rất xa vời với huyện vùng cao

Hoàn thành xây dựng NTM là câu chuyện rất xa vời với huyện vùng cao
2 giờ trướcBài gốc
Là huyện vùng cao biên giới, Bảo Lâm hiện chưa có xã, xóm đạt nông thôn mới (NTM); Chưa có xóm đạt trên 15 tiêu chí theo mục tiêu đã đề ra (Toàn huyện hiện có 1 xã đạt 9 tiêu chí (xã Yên Thổ); 1 xã đạt 8 tiêu chí (xã Lý Bôn); 10 xã chỉ đạt từ 7 tiêu chí trở xuống. Bình quân số tiêu chí toàn huyện đạt 6,75 tiêu chí/xã. Thu nhập bình quân trên đầu người của huyện Bảo Lâm cũng đạt thấp 24,6 triệu đồng/người/năm, tức chưa bằng 1/4 bình quân cả nước (101,6 triệu đồng).
Nguyên nhân cũng được chỉ ra, Bảo Lâm là huyện vùng cao, có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt với 100% diện tích là đồi núi (hơn 70 % diện tích là vùng núi đá dốc) dẫn tới việc thiếu đất ở và đất sản xuất. Điều đó gây khó khăn trong việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới như tiêu chí thu nhập, nhà ở. Cơ sở hạ tầng của huyện còn kém phát triển, hệ thống giao thông hạn chế, cơ cấu kinh tế của huyện chủ yếu là nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp với quy mô còn nhỏ lẻ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Mã Gia Hãnh, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm thừa nhận, việc hoàn thành xây dựng NTM là câu chuyện rất xa vời với huyện nghèo như Bảo Lâm. Nguồn lực để thực hiện Chương trình xây dựng NTM (bao gồm cả nguồn đầu tư phát triển và nguồn vốn sự nghiệp) rất hạn hẹp, chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư thực tế của địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, tình trạng hộ thoát nghèo và tái nghèo vẫn còn xảy ra.
Tuyến đường vào xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm.
Tương tự là huyện Bảo Lạc, đến nay không có xã nào đạt các tiêu chí NTM, nhiều tiêu chí hạ tầng như giao thông (không có nguồn lực), sân vận động (không có quỹ đất), trường học (cấp 3 không có bán trú), thu nhập không đạt… Giai đoạn trước có xã Huy Giáp về đích NTM, nhưng theo bộ tiêu chí mới 2021, xã này chỉ còn 9 xóm đạt chuẩn.
Theo ông Tô Đức Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lạc, hạn mức xây dựng NTM ở vùng cao như Bảo Lạc không thể như miền xuôi được, làm gì cũng khó. Từ việc giá vật liệu cao, nhân công cao, vận chuyển từ bãi đổ tới công trường nhiều khi là thủ công, sức người; công trình đường giao thông tốn kém do đường xa, đồi núi quanh co và dân cư thưa thớt…
Ông Hoàng Văn Tuân, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng huyện Bảo Lạc, hiện nay trên toàn huyện còn 3/17 xã chưa được cứng hóa đường giao thông đến trung tâm. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông (đến xã, xóm, bản), thủy lợi, nhà văn hóa, trường lớp, điện, nước sạch… rất hạn chế. Nguồn lực của huyện mỗi năm chỉ cân đối được khoảng 15 tỷ, cơ bản trông chờ vào nguồn trung ương, tỉnh các Chương trình MTQG như NTM, giảm nghèo, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Địa hình hiểm trở, đồi núi cao dẫn tới việc đầu tư hạ tầng NTM gặp khó khăn
Nhiệm vụ xây dựng NTM, nâng cao đời sống nhân dân ở các huyện vùng cao nói riêng và tỉnh Cao Bằng nói chung gặp rất nhiều khó khăn, cần tăng cường các nguồn lực từ trung ương. Tỉnh Cao Bằng cũng đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tận dụng các nguồn lực hiện có, trong đó sử dụng hiệu quả nguồn lực từ 2 Chương trình MTQG còn lại (MTQG giảm nghèo bền vững và MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi) để thực hiện các tiêu chí NTM.
Ngoài ra, tỉnh Cao Bằng tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia xây dựng NTM, người dân thực sự là chủ thể của quá trình xây dựng NTM; Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ xây dựng NTM các cấp, các chương trình chuyên đề chương trình OCOP, du lịch nông thôn, chuyển đổi số…
Toán Nguyễn - Tiểu Thủy Sơn
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/hoan-thanh-xay-dung-ntm-la-cau-chuyen-rat-xa-voi-voi-huyen-vung-cao-10294871.html