Đồng chí Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và các đại biểu dự tại điểm cầu Thái Nguyên.
Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Tại Hội nghị, các đại biểu cho ý kiến vào 4 dự thảo, gồm: Nghị định quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm và trình tự, thủ tục cấp giấy phép, giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn cho người lái xe hoặc áp tải vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường bộ; Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ; Nghị định quy định về đào tạo và sát hạch lái xe; Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ.
Các nội dung thảo luận chủ yếu chủ yếu là làm rõ quy định về hoạt động vận tải; nâng cao điều kiện tiêu chuẩn về trình độ của giáo viên dạy lái xe; quy định về phân cấp quản lý đường bộ; về tiêu chuẩn kỹ thuật, đầu tư công trình đường bộ cao tốc; thống nhất trong cả nước về kích thước, chiều cao các cột biển báo giao thông đường bộ; các điều kiện tiêu chuẩn về vận chuyển hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa nguy hiểm; hình thức xử phạt bổ sung trong trường hợp người điều khiển phương tiện vượt quá nồng độ cồn cho phép…
Đối với các Dự thảo trên, UBND tỉnh Thái Nguyên đã lấy ý kiến của các sở, ngành, huyện, thành phố và có văn bản đóng góp ý kiến bổ sung về nội dung: Khoản 1, 2, 4 Điều 56, Luật Đường bộ quy định việc sử dụng xe thô sơ để vận tải người, hàng hóa trên đường bộ cũng được xác định là hoạt động vận tải đường bộ, kinh doanh vận tải đường bộ (nếu nhằm mục đích sinh lợi). Tuy nhiên, dự thảo Nghị định quy định về vận tải đường bộ chưa quy định nội dung này.
Khoản 7, Điều 60, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định: “Chính phủ quy định chi tiết các hình thức đào tạo lái xe khác quy định tại khoản 2 Điều này”. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định chưa quy định nội dung này...
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Luật Đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ có nhiều nội dung mới, bao quát. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung rà soát, đóng góp nhằm hoàn thiện nội dung các nghị định, quyết định quy định chi tiết biện pháp thi hành để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, đáp ứng tốt nhất công tác quản lý đối với từng lĩnh vực, tăng cường tính minh bạch, công bằng cho người dân…
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp thu ý kiến của các đại biểu bổ sung, chỉnh lý, rà soát, đánh giá, hoàn thiện các dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Dương Hưng