Hoàn thiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đảm bảo minh bạch, hỗ trợ phát triển kinh tế

Hoàn thiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đảm bảo minh bạch, hỗ trợ phát triển kinh tế
20 giờ trướcBài gốc
Toàn cảnh Hội thảo.
Chiều 25/7, Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế TNDN số 67/2025/QH15.
Hướng tới minh bạch, đồng bộ và hỗ trợ doanh nghiệp
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trương Bá Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí cho biết, vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế TNDN số 67/2025/QH15. Đây là lần sửa đổi có tính chất toàn diện và căn bản, với 18 trong tổng số 20 điều của Luật được sửa đổi, bổ sung so với Luật hiện hành.
Việc sửa đổi tập trung vào thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, Nhà nước về cải cách chính sách thuế nói chung và thuế TNDN nói riêng, đồng thời đảm bảo phù hợp với Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Đây cũng là bước đi cần thiết nhằm khắc phục những vướng mắc trong quá trình triển khai chính sách thời gian qua, tạo lập môi trường pháp lý minh bạch, ổn định và thúc đẩy hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Đáng chú ý, Luật Thuế TNDN số 67/2025/QH15 còn góp phần đảm bảo sự đồng bộ với hệ thống pháp luật, trong bối cảnh thời gian gần đây Quốc hội đã thông qua nhiều luật mới có liên quan đến chính sách thuế đối với doanh nghiệp. Đồng thời, Luật cũng hướng đến mục tiêu hội nhập, cải cách hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành tập trung vào các nhóm nội dung lớn, bao gồm quy định về người nộp thuế, các khoản thu nhập chịu thuế, phương pháp tính thuế, chi phí đầu tư được trừ, chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và quy định về miễn, giảm thuế.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng điều chỉnh nhiều nội dung liên quan đến xác định chi phí đầu tư ban đầu và đầu tư mở rộng, sửa đổi quy định về lập kế hoạch thuế, nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.
Hiện Bộ Tài chính đang khẩn trương hoàn thiện Nghị định hướng dẫn thi hành và soạn thảo Thông tư hướng dẫn chi tiết một số nội dung được giao trong Luật. Dự kiến toàn bộ hồ sơ sẽ được trình Chính phủ trước thời điểm Luật có hiệu lực.
Ông Trương Bá Tuấn nhấn mạnh, đây là một trong những dự án pháp lý quan trọng và phức tạp, có tác động lớn đến môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, việc xây dựng chính sách lần này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các cơ quan nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp và giới chuyên gia nhằm đảm bảo tính hợp lý, khả thi và phù hợp với thực tiễn hội nhập, cải cách kinh tế trong giai đoạn tới.
Kiến nghị hoàn thiện chính sách
Tại Hội thảo, đại diện Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí đã giới thiệu những nội dung nổi bật của dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế TNDN số 67/2025/QH15.
Đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), Bộ Y tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), Hiệp hội Đầu tư nước ngoài... cùng một số tổ chức, hiệp hội khác đã tập trung đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định, trong đó nêu ra nhiều vấn đề quan trọng được cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý đặc biệt quan tâm.
Trước hết, về định nghĩa cơ sở thường trú, các ý kiến đề nghị Bộ Tài chính làm rõ quy định liên quan đến doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam thông qua nền tảng thương mại điện tử và nền tảng số.
Về chính sách miễn, giảm thuế, một số đại biểu đề xuất cần quy định rõ việc không áp dụng khái niệm cơ sở thường trú theo pháp luật Việt Nam trong trường hợp có hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Đồng thời, kiến nghị bổ sung hướng dẫn về phạm vi áp dụng các khoản chi phí được trừ, bao gồm chi phí thuê đất, thuê cơ sở hạ tầng tại các khu vực khác nhau; làm rõ việc các chi phí liên quan đến xây dựng công trình công cộng nhưng cũng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có được tính vào chi phí hợp lý hay không.
Về phương pháp tính thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, các đại biểu cho rằng cần xác định rõ đối tượng áp dụng mức thuế 2%. Đồng thời, cần có hướng dẫn cụ thể về việc kê khai và nộp thuế trong trường hợp tổ chức nước ngoài chuyển nhượng vốn trực tiếp tại Việt Nam. Cùng với đó, thời điểm phát sinh nghĩa vụ thuế trong hoạt động chuyển nhượng vốn cũng cần được quy định cụ thể, thay vì chỉ xác định theo thời điểm ghi nhận doanh thu.
Đối với hoạt động sự nghiệp công, Bộ Y tế đề xuất có quy định chuyển tiếp để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh miễn phí tiếp tục được hưởng chính sách miễn thuế như trước đây. Liên quan đến đối tượng nộp thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kiến nghị không đưa quỹ đầu tư chứng khoán vào diện chịu thuế, do bản chất quỹ đầu tư không phải là pháp nhân.
Nhìn chung, các ý kiến đóng góp đều hướng đến việc hoàn thiện chính sách thuế TNDN theo hướng minh bạch, công bằng, đảm bảo hiệu quả quản lý thuế và tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp.
Ông Trương Bá Tuấn cho biết, đơn vị soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp tại Hội thảo để hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thuế TNDN. Mục tiêu là xây dựng một chính sách thuế rõ ràng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn, góp phần tháo gỡ vướng mắc, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và tạo môi trường pháp lý ổn định, hỗ trợ phát triển sản xuất – kinh doanh trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng.
Thùy Linh
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/hoan-thien-chinh-sach-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-dam-bao-minh-bach-ho-tro-phat-trien-kinh-te.html