Ban Quản lý các KCN tỉnh thường xuyên phát động phong trào dọn vệ sinh môi trường tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp. Ảnh: Anh Tuấn
Tập trung nguồn vốn
Ninh Bình hiện có 7 KCN với tổng diện tích 1.472 ha. Đến nay đã có 5 KCN đã đi vào hoạt động ổn định, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 90%. Hiện đã có 120 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 65.485 tỷ đồng, sử dụng trên 36.000 lao động. Các chỉ số về tốc độ lấp đầy, chất lượng các dự án, tính khả thi và hiệu quả của các dự án KCN của tỉnh ở mức khá so với các KCN trong cả nước và khu vực.
Các dự án đầu tư vào KCN tỉnh Ninh Bình phần lớn là các dự án có quy mô lớn như Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng chất lượng cao CFG. Nhà máy xi măng The Vissai, Nhà máy sản xuất camera môđun và linh kiện điện tử MCNEX VINA, Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy HTMV số 2 của Công ty cổ phần sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam, Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam...
Xác định công nghiệp là động lực nền tảng của nền kinh tế, bên cạnh việc xây dựng các cơ chế, chính sách để phát triển, mở rộng các KCN thế hệ mới, tỉnh đã dành nguồn vốn để hoàn thiện hạ tầng các KCN. Đồng chí Phạm Đức Cường, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, đơn vị đang quản lý thực hiện hai dự án đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công. Trong đó, Dự án cải tạo, sửa chữa, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KCN Tam Điệp I đang tổ chức thi công xây dựng công trình, giá trị khối lượng đạt khoảng 80% giá trị hợp đồng. Đến nay, phần xây lắp vỉa hè, hố thu nước, kênh, ống thoát nước, thảm nhựa mặt đường, lát vỉa hè… đã cơ bản hoàn thành. Hiện đang thi công hạng mục kênh tiêu thoát nước và cổng khu công nghiệp.
Đối với Dự án cải tạo, sửa chữa, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KCN Khánh Phú, đơn vị đang khảo sát lại hiện trạng, hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt triển khai thực hiện theo quy định.
Ngoài ra, Ban Quản lý các KCN tỉnh đang thực hiện tốt công tác quản lý hạ tầng. Trong đó việc vận hành Nhà máy xử lý nước thải tập trung tại KCN Gián Khẩu đã hoạt động ổn định, chất lượng xử lý nước thải đạt yêu cầu theo quy định. Phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp thực hiện dự án kè kênh điều hòa KCN Khánh Phú. Ban cũng yêu cầu các doanh nghiệp trong các KCN thường xuyên phối hợp thực hiện vệ sinh đường giao thông, cắt cỏ tại các KCN Khánh Phú, Gián Khẩu; chăm sóc cây xanh tại các KCN Gián Khẩu, Khánh Phú; khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng của KCN theo đúng quy định hiện hành; phối hợp với Tập đoàn Thành Công thực hiện công tác chăm sóc cây xanh trong khu 50 ha mở rộng.
Đến thời điểm này, hạ tầng các KCN của Ninh Bình đang phát triển mạnh mẽ, cơ bản đầu tư đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu đối với các nhà đầu tư thứ cấp, đưa Ninh Bình trở thành miền đất hứa của các nhà đầu tư chiến lược. Chỉ tính riêng trong quý I/2025, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án. Đến nay, tổng số dự án đầu tư còn hiệu lực là 120 dự án, với tổng vốn đăng ký 65.487 tỷ đồng. Trong đó có 32 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 653,55 triệu USD, tương đương 14.200 tỷ đồng.
Thời gian qua, các KCN trong tỉnh đã thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn như Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng chất lượng cao CFG (KCN Khánh Cư, huyện Yên Khánh). Ảnh: Nguyễn Thơm
Mở rộng dư địa thu hút đầu tư
Theo định hướng quy hoạch, đến năm 2030, toàn tỉnh có 11 KCN với tổng diện tích quy hoạch khoảng 2.813 ha. Tại Quy hoạch tỉnh cũng đặt ra nhiệm vụ cụ thể là: Hình thành hệ thống các KCN trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, đảm bảo sự phát triển bền vững gắn với phát triển đô thị - dịch vụ; tạo mối liên kết phát triển giữa công nghiệp của tỉnh với vùng Bắc Trung Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.
Thực hiện nhiệm vụ trên, trong năm 2025, Ban Quản lý các KCN tỉnh đang phối hợp với các ngành liên quan tập trung thu hút nhà đầu tư xây dựng - kinh doanh hạ tầng KCN Tam Điệp II, KCN Phú Long.
Đến năm 2030, tỉnh Ninh Bình sẽ thu hút được nhà đầu tư xây dựng - kinh doanh hạ tầng KCN Gián Khẩu II. Trong đó, KCN Phú Long và KCN Gián Khẩu sẽ phát triển theo mô hình KCN - Đô thị - Dịch vụ... để phát triển công nghiệp cơ khí, lắp ráp sản xuất ô tô, công nghiệp công nghệ cao làm động lực cho tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy quá trình dịch vụ hóa, đô thị hóa. Phấn đấu 100% các KCN đã đi vào hoạt động có hệ thống xử lý chất thải đồng bộ, tập trung theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường và có đầy đủ các công trình tiện ích phục vụ công nhân lao động trong KCN theo quy định.
Hiện, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đang tập trung cao cho công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu các khu công nghiệp theo hướng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường để thu hút các nhà đầu tư chiến lược triển khai kinh doanh, xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật 5 KCN hiện có theo định hướng mô hình KCN sinh thái, thân thiện với môi trường.
Thời gian tới, Ban Quản lý các KCN tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình xúc tiến, thu hút đầu tư theo Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 175/KH-UBND ngày 27/10/2021 của UBND tỉnh; ưu tiên thu hút và phát triển công nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường, giá trị sản xuất lớn và đóng góp nhiều cho ngân sách, như: công nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí sản xuất, lắp ráp ô tô; công nghiệp điện tử; công nghiệp vật liệu mới, vật liệu kỹ thuật cao; công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp; một số ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng có sử dụng hợp lý lao động.
Nguyễn Thơm