Hoàn thiện hạ tầng giao thông, mở hướng thoát nghèo

Hoàn thiện hạ tầng giao thông, mở hướng thoát nghèo
9 giờ trướcBài gốc
Đường mới mở hướng làm giàu
Dù có lợi thế phát triển kinh tế rừng song trước đây thôn Cai Vàng, xã Đông Hưng vẫn là một trong những thôn khó khăn của huyện, tỷ lệ hộ nghèo cao. Theo bà Nguyễn Thị Ngân, trưởng thôn Cai Vàng, nguyên nhân một phần do người dân chưa năng động, thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên hiệu quả kinh tế không cao. Cùng đó, tuyến đường kết nối từ trung tâm xã vào thôn xuống cấp, nhỏ hẹp dẫn đến chi phí vận chuyển cao, lợi nhuận từ trồng rừng giảm.
Rừng kinh tế ở thôn Cai Vàng, xã Đông Hưng.
Tháo "điểm nghẽn" này, cùng với triển khai nhiều dự án, lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và định hướng người dân chuyển sang trồng giống cây lâm nghiệp ươm bằng phương pháp nuôi cấy mô, tỉnh, huyện quan tâm đầu tư, nâng cấp mở rộng tuyến đường vào thôn.
Đầu năm nay, dự án cải tạo, nâng cấp đường 293C nối từ cảng Mỹ An (Lục Ngạn) với quốc lộ 1 đi qua địa bàn thôn hoàn thành, đưa vào sử dụng đã mang đến những cơ hội mới cho thôn Cai Vàng.
“Từ khi tuyến đường hoàn thành, trên địa bàn thôn có thêm 2 xưởng chế biến gỗ đi vào hoạt động, vừa tiêu thụ lâm sản, vừa tạo việc làm cho người dân địa phương. Hiện cả thôn chỉ còn 1 hộ nghèo, trong thôn cũng xuất hiện ngày càng nhiều hộ thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm từ trồng rừng”, bà Nguyễn Thị Ngân cho biết.
Theo thống kê của UBND xã Đông Hưng, giai đoạn 2021-2024, từ nguồn ngân sách tỉnh, huyện, trên địa bàn xã có nhiều dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông được triển khai.
Tuyến đường trục chính qua địa bàn xã Đông Hưng vừa được cải tạo, nâng cấp.
Tiêu biểu như các dự án: Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 289B từ cầu Trại Mít đến ngã 3 Trại Quan (cùng xã Đông Hưng); cải tạo, nâng cấp đường huyện Tam Dị - Đông Phú - Đông Hưng; tuyến đường tỉnh kết nối huyện Lục Nam đi huyện Lục Ngạn, đoạn từ xã Đông Hưng đi thôn Phi Lễ, xã Quý Sơn (Lục Ngạn); đường 293C nối từ cảng Mỹ An (Lục Ngạn) với quốc lộ 1…
Cùng đó, từ các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay 100% đường trục xã, đường thôn, liên thôn được cứng hóa. Hạ tầng giao thông phát triển, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Anh Trương Văn Sòng (SN 1988), chủ xưởng gỗ bóc ở thôn Đông Sơn, xã Đông Hưng cho biết: “Từ khi tuyến đường 293C hoàn thành, tôi mở rộng quy mô chế biến, tạo việc làm thường xuyên cho 14 lao động địa phương. Hiện trung bình mỗi ngày, xưởng của gia đình sản xuất được 30 m3 gỗ ván, trừ chi phí thu lãi gần 2 triệu đồng/ngày”.
Đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo bền vững
Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống, thời gian qua, UBND xã Đông Hưng có nhiều giải pháp khai thác lợi thế, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, xã Đông Hưng đã quy hoạch vùng trồng vải thiều tập trung với diện tích 920 ha, trong đó có 250 ha vải thiều sớm; vùng trồng cam, bưởi diện tích 130 ha.
Trên diện tích 2,5 nghìn ha rừng trồng, người dân quan tâm phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như keo lai, bạch đàn. Từ trồng rừng, mỗi năm mang lại nguồn thu từ 130-150 tỷ đồng cho người dân địa phương.
Xưởng chế biến gỗ của gia đình anh Trương Văn Sòng tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 14 lao động địa phương.
Cùng với phát triển kinh tế, Đảng ủy, UBND xã quan tâm thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tạo việc làm mới cho người lao động. Từ đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã khóa XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, toàn xã có 638 lao động có việc làm mới, trong đó có 250 người đi xuất khẩu lao động, còn lại làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài huyện.
Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Qua kết quả rà soát sơ bộ, năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 50 triệu đồng/người/năm, hoàn thành mục tiêu đến năm 2025; xã chỉ còn 43 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,72%, thấp hơn bình quân chung của huyện.
Từ trồng rừng và cây ăn quả, đời sống người dân xã Đông Hưng không ngừng nâng cao.
Năm 2025, xã Đông Hưng phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,5%. Để hoàn thành mục tiêu này, cùng với duy trì, nâng giá trị trồng rừng kinh tế, cây ăn quả, Đảng ủy, UBND xã khuyến khích người dân phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với lợi thế địa phương. Mở rộng diện tích trồng lạc, hành, tỏi và một số cây trồng có giá trị cao; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm.
Từ các nguồn vốn, xã tiếp tục hoàn thiện, mở rộng các tuyến đường trục thôn, liên thôn; triển khai mô hình đa dạng hóa sinh kế phù hợp với nhu cầu của người dân, trong đó ưu tiên phát triển chăn nuôi gà thả vườn. Quan tâm mở các lớp đào tạo nghề; hỗ trợ, kết nối đưa khoảng 250 lao động đi xuất khẩu lao động và làm công nhân tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Ông Ong Thế Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hưng cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi quan tâm mời gọi các nhà đầu tư có tiềm lực đến địa bàn tìm hiểu, đầu tư dây chuyền chế biến gỗ, từng bước nâng giá trị kinh tế rừng. Đối với vùng trồng cây ăn quả, chúng tôi ưu tiên phát triển theo hướng VietGAP, hỗ trợ người dân hình thành các chuỗi liên kết để chủ động trong khâu tiêu thụ".
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/hoan-thien-ha-tang-giao-thong-mo-huong-thoat-ngheo-173650.bbg