Hoàn thiện hành lang pháp lý về lĩnh vực khoa học, công nghệ

Hoàn thiện hành lang pháp lý về lĩnh vực khoa học, công nghệ
5 giờ trướcBài gốc
Chuẩn bị nội dung Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 28/4, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với Sở KH&CN tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý xây dựng các dự án luật về lĩnh vực khoa học, công nghệ (KHCN) gồm: Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và Giám đốc Sở KH&CN Bùi Quang Hoàn chủ trì hội nghị. Đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, đơn vị cùng dự.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và Giám đốc Sở KH&CN Bùi Quang Hoàn chủ trì.
Phát biểu mở đầu hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia cho biết: Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam. Bên cạnh đó, Luật Năng lượng nguyên tử tạo điều kiện thuận lợi phát triển các ứng dụng kỹ thuật bức xạ, kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, nông nghiệp. Tuy vậy, qua thực tiễn thi hành, các luật này còn phát sinh nhiều bất cập, hạn chế.
Cùng đó, việc ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số. Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ra đời sẽ xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi, tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia...
Giám đốc Sở KH&CN Bùi Quang Hoàn điều hành tham luận tại hội nghị.
Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gồm 14 chương, 146 điều. Góp ý xây dựng luật, các đại biểu cho rằng, dự thảo lần này có nhiều điểm mới khác so với Luật Khoa học, công nghệ năm 2013.
Tuy vậy, dự thảo cần quy định cụ thể phân cấp, phân quyền các tổ chức KHCN để tạo điều kiện cho hoạt động KHCN của các địa phương; cần bổ sung rõ các hành vi vi phạm đạo đức trong lĩnh vực KHCN cũng như việc tố giác khi phát hiện, vấn đề xử lý vi phạm; điều chỉnh quy định về nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân hoạt động KHCN; có cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước; bổ sung các quy định về đối tượng tổ chức KHCN công lập cũng như cơ chế tự chủ của tổ chức KHCN công lập...
Phó Giám đốc Sở KH&CN Bùi Phong An báo cáo kết quả đạt được và những khó khăn trong quá trình thực thi các luật hiện hành.
Đối với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các đại biểu góp ý: cần quy định về báo cáo, cung cấp thông tin việc đánh giá sự phù hợp cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương; bổ sung quyền hạn của các cơ quan quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; bổ sung quy định về việc xuất bản và phát hành TCVN; hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố, ban hành QCĐP (quy chuẩn kỹ thuật địa phương); quy định rõ tổ chức, cá nhân công bố tiêu chuẩn cơ sở có trách nhiệm thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền...
Liên quan đến dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, các đại biểu cho rằng: cần sửa đổi các quy định theo hướng tinh gọn, phân cấp rõ quyền hạn cho đoàn kiểm tra và kiểm soát viên chất lượng; tăng cường đào tạo, hướng dẫn cán bộ về thực tiễn áp dụng các quy trình xử lý; mở rộng quyền hạn cho kiểm soát viên chất lượng...
Bà Nguyễn Thị Thảo - Phó Trưởng phòng Chuyển đổi số (Sở KH&CN) góp ý về Luật Công nghiệp công nghệ số.
Về dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), nhiều đại biểu góp ý về điều kiện bổ nhiệm người phụ trách an toàn; quy định rõ hơn việc chuẩn bị các phương tiện, thiết bị cứu nạn, cứu hộ chuyên dụng đối với sự cố bức xạ và hạt nhân cấp tỉnh cho các đơn vị, cơ quan chức năng về cứu nạn, cứu hộ cấp tỉnh...
Đối với Luật Công nghiệp công nghệ số, từ năm 2021 đến nay, Sở KH&CN đã thực hiện 7 lần cho ý kiến góp ý bằng văn bản về dự thảo luật; phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý. Đến nay, sau khi nghiên cứu, rà soát các dự thảo; các ý kiến góp ý đã được bổ sung, tiếp thu, điều chỉnh, điều chỉnh một phần và có giải trình phù hợp với thực tiễn triển khai. Do vậy, Sở KH&CN thống nhất với dự thảo và đề nghị sớm ban hành luật.
Ông Cao Đức Danh - Phó Trưởng phòng Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Sở KH&CN) đưa ra các ý kiến về Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Thay mặt đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia đánh giá cao các góp ý tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu tham dự; đồng thời khẳng định, đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp để trình Quốc hội vào kỳ họp tới.
Thùy Dương
Nguồn Hà Tĩnh : https://baohatinh.vn/hoan-thien-hanh-lang-phap-ly-ve-linh-vuc-khoa-hoc-cong-nghe-post286829.html