Sáng 11/4, tại Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Thủy, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Môi trường do đồng chí Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh về công tác bảo tồn đa dạng sinh học và công tác chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ đề cử VQG Xuân Thủy trở thành Vườn Di sản ASEAN. Tiếp và làm việc với đoàn về phía tỉnh Nam Định có đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, huyện Giao Thủy, VQG Xuân Thủy.
Quang cảnh buổi làm việc.
VQG Xuân Thủy được Thủ tướng Chính phủ công nhận là VQG năm 2003. Theo đó, diện tích toàn bộ vườn là 15.100ha, bao gồm vùng lõi với 7.100ha, vùng đệm khoảng 8.000ha. Các kiểu đất ngập nước chính ở VQG Xuân Thủy bao gồm: bãi triều có rừng ngập mặn; bãi triều lầy không có rừng ngập mặn; đầm tôm, dải cát ở mép ngoài Cồn Lu và các dải cát chắn ngoài cửa sông - Cồn Xanh, Cồn Mờ, sông nhánh và lạch triều; vùng nước cửa sông. Tại VQG Xuân Thủy đã ghi nhận 203 loài thực vật có mạch thuộc 145 chi, 65 họ, trong đó có 14 loài thực vật ngập mặn chính, các loài sú, bần chua, trang, đước, ô rô, dây có số lượng và diện tích chiếm đa số. VQG Xuân Thủy là nơi dừng chân và trú đông quan trọng của các loài chim nước di cư. Kết quả điều tra khảo sát thực địa và kế thừa kết quả các công trình nghiên cứu về chim ở VQG Xuân Thủy đã thống kê được 222 loài chim thuộc 42 họ của 12 bộ, trong đó có 166 loài chim di cư...
Các đồng chí: Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc.
Được sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường, sự hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, VQG Xuân Thủy đã chủ động cùng các đơn vị, chuyên gia tư vấn hoàn thiện dự thảo hồ sơ đề cử VQG Xuân Thủy là Vườn Di sản ASEAN. Đến ngày 22/8/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Tờ trình số 79/TTr-BTNTM gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề cử VQG Xuân Thủy, tỉnh Nam Định là Vườn Di sản ASEAN. Ngày 25/9/2024, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 6849/VPCP-NN đề nghị các Bộ: Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu cho ý kiến bằng văn bản đối với hồ sơ. Trên cơ sở các ý kiến góp ý của các bộ, ngày 28/10/2024, UBND tỉnh đã có Công văn số 1095/UBND-VP3 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đề cử VQG Xuân Thủy là Vườn Di sản ASEAN. Ngày 22/01/2025, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 590/VPCP-NN gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Nam Định về việc Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Hồng Hà đồng ý thông qua chủ trương đề cử VQG Xuân Thủy là Vườn Di sản ASEAN. Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Nam Định, các bộ, cơ quan liên quan thực hiện các thủ tục tiếp theo trong quá trình đề nghị công nhận Vườn Di sản ASEAN đối với VQG Xuân Thủy và hoàn thành trước 30/6/2025.
Các đồng chí: Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khảo sát một số khu vực tại VQG Xuân Thủy.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng trân trọng cảm ơn Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã thường xuyên quan tâm, hỗ trợ tỉnh Nam Định trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Xuân Thủy. Đồng chí yêu cầu, thời gian tới Sở Nông nghiệp và Môi trường, huyện Giao Thủy, VQG Xuân Thủy tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục môi trường tại các trường học, các nhóm cộng đồng địa phương và khách du lịch. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tuần tra bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ tài nguyên môi trường và đa dạng sinh học tại VQG, đặc biệt là các loài chim hoang dã. Tham mưu quản lý tốt diện tích rừng, đất lâm nghiệp khu vực VQG. Phát hiện sớm và xử lý kịp thời các vụ việc khai thác, xâm hại tài nguyên môi trường trái phép. Tăng cường giám sát đa dạng sinh học, diễn biến tài nguyên trong khu vực; hỗ trợ các tổ chức, đơn vị thực hiện các hoạt động nghiên cứu, khảo sát tại vườn. Huy động các nguồn lực, tranh thủ các chương trình, dự án đặc biệt là các nguồn vốn viện trợ không hoàn lại để đầu tư cho công tác bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. VQG Xuân Thủy nghiên cứu các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững đã được UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện. Trước mắt cần tập trung phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan bám sát tiến trình hồ sơ để đảm bảo yêu cầu sau khi Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN tiến hành thẩm tra. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục quan tâm, chỉ đạo hỗ trợ kinh phí thực hiện các chương trình, dự án về bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Xuân Thủy. Tiếp tục quan tâm, hỗ trợ thực hiện các thủ tục tiếp theo để Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN sớm phê duyệt VQG Xuân Thủy là Vườn Di sản ASEAN.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường ghi nhận, đánh giá sự nỗ lực, cố gắng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh Nam Định nói chung và VQG Xuân Thủy nói riêng. Đồng thời nhấn mạnh: Trước mắt tỉnh Nam Định cần tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, Ban quản lý VQG Xuân Thủy làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, trong đó tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để kịp thời phát hiện xử lý các vi phạm về rừng. Chú trọng phát triển các mô hình du lịch sinh thái, khai thác tốt tiềm năng của vùng đất ngập nước tạo sinh kế bền vững cho người dân các xã vùng đệm. Tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư để phát triển rừng hướng tới mục tiêu bán tín chỉ carbon từ rừng, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Về việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận VQG Xuân Thủy là Vườn Di sản ASEAN, Nam Định cần tập trung chỉ đạo các sở, ngành, huyện Giao Thủy, Ban quản lý VQG Xuân Thủy chú trọng xây dựng báo cáo chi tiết VQG Xuân Thủy theo hướng xác định rõ các tiêu chí, mức độ, khả năng đạt được của từng tiêu chí. Trong đó cần đặc biệt chú ý, nêu bật được các đặc trưng, tính nổi trội, sự khác biệt của VQG Xuân Thủy. Chuẩn bị chu đáo hồ sơ, tài liệu chứng minh bằng các hình ảnh, tư liệu thuyết trình; xác định rõ vị trí thực địa phục vụ đoàn kiểm tra, thẩm định của ASEAN. Đồng chí Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhất trí với những kiến nghị của tỉnh Nam Định, đồng thời đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư để VQG Xuân Thủy sẵn sàng đón tiếp các đoàn kiểm tra, khảo sát, thẩm định của ASEAN trong thời gian tới.
Tin, ảnh: Văn Đại