Với vai trò là cơ quan đầu mối, Bộ Tài chính đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng Trung tâm Tài chính tại Việt Nam. Dự thảo này dự kiến sẽ được trình tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, một dấu mốc quan trọng trong tiến trình thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ về phát triển trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực, hướng đến quốc tế.
Tại Hội nghị mới đây về xây dựng Trung tâm Tài chính tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: Châu Á đang là khu vực phát triển kinh tế năng động bậc nhất thế giới, nơi đã và đang hình thành những trung tâm tài chính mới như Mumbai (Ấn Độ), Kuala Lumpur (Malaysia), Jakarta (Indonesia)… Trong bối cảnh đó, Việt Nam với vị trí địa chính trị trọng yếu, nền kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư không ngừng cải thiện đang có trong tay "cơ hội vàng" để xác lập vị thế trong bản đồ tài chính toàn cầu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Việt Nam có nhiều lợi thế đặc thù để phát triển thành một trung tâm tài chính quy mô lớn. Vị trí chiến lược quốc tế, điểm giao của các tuyến hàng hải Đông - Tây, Bắc - Nam, cùng múi giờ khác biệt so với 21 trung tâm tài chính lớn trên thế giới, mở ra khả năng tối ưu hóa dòng vốn toàn cầu thông qua việc vận hành "xuyên múi giờ".
Đặc biệt, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực về tốc độ ứng dụng công nghệ tài chính từ fintech, blockchain đến trí tuệ nhân tạo, tạo tiền đề cho một trung tâm tài chính số hiện đại và bền vững. Trong đó, TP.HCM nhiều năm gần đây liên tục được xếp vào danh sách các trung tâm tài chính mới nổi, còn Đà Nẵng đang vươn lên như một trung tâm công nghệ - tài chính cấp vùng đầy tiềm năng.
Theo định hướng của Bộ Chính trị tại Kết luận số 47-TB/TW, việc phát triển Trung tâm Tài chính không chỉ là nhiệm vụ riêng lẻ của một thành phố hay một bộ, ngành, mà cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ cả hệ thống chính trị.
“Đây không phải là câu chuyện riêng của TP.HCM hay Đà Nẵng, mà là nỗ lực tổng thể của quốc gia nhằm tạo đột phá thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế về tài chính và đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Theo đó, Nghị quyết của Quốc hội sẽ thiết lập một hành lang pháp lý thông thoáng, minh bạch, với các chính sách ưu đãi vượt trội, phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm thu hút các định chế tài chính lớn và nhà đầu tư chiến lược. Nghị quyết cũng xác lập một lộ trình cụ thể, từng bước hình thành Trung tâm Tài chính tại Việt Nam vào năm 2035, với kết nối tương hỗ với các trung tâm tài chính lớn của khu vực và thế giới.
Trung tâm Tài chính Việt Nam sẽ được định hình theo mô hình số hóa và phát triển xanh. Trọng tâm là thúc đẩy các công nghệ tài chính tiên tiến, phát triển hệ sinh thái fintech, blockchain, và trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực tài chính; đồng thời khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư theo tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội - quản trị), thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm và tài chính xanh.
Song song, Việt Nam cũng chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực tài chính, tăng cường hợp tác đào tạo với các trung tâm tài chính quốc tế, nâng cao năng lực quản trị và giám sát rủi ro theo chuẩn mực toàn cầu. Việc bảo vệ nhà đầu tư và giữ ổn định thị trường tài chính sẽ là những ưu tiên xuyên suốt trong quá trình xây dựng và vận hành trung tâm.
“Xây dựng Trung tâm Tài chính không phải là điều mới trên thế giới, nhưng với Việt Nam, đây là việc chưa có tiền lệ. Chúng ta sẽ vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn để không bỏ lỡ cơ hội lịch sử,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm Tài chính đang được kỳ vọng là "chìa khóa" thể chế, tạo dựng nền tảng pháp lý mạnh mẽ và linh hoạt cho hành trình dài hạn, hướng đến khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, như mục tiêu đã được đặt ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
NH