Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành - Chủ nhiệm Đề tài và Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, thực hiện hoạt động nghiên cứu năm 2024, Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê duyệt đề tài cấp Bộ “Tiếp tục hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm định hướng sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật” do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành làm Chủ nhiệm Đề tài.
Quang cảnh hội thảo
Nhấn mạnh tầm quan trọng, sự cần thiết cũng như ý nghĩa lý luận và thực tiễn, ứng dụng của Đề tài trong thời điểm hiện nay, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, kết quả của Đề tài sẽ có những đóng góp rất thiết thực vào Đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng như đưa ra nhiều khuyến nghị trong quá trình sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Phát biểu đề dẫn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho biết, quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có bước kế thừa và phát triển qua các thời kỳ; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã “gọn nhẹ” hơn và đơn giản hóa về hình thức văn bản. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình mới, đòi hỏi yêu cầu ngày càng cao, quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế nhất định.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành - Chủ nhiệm Đề tài phát biểu
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt về chuyển đổi tư duy trong xây dựng pháp luật, từ đó đặt ra yêu cầu cần đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật.
Cho biết đây là hội thảo thứ ba trong chuỗi hoạt động của Đề tài, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, các đại biểu tập trung cho ý kiến khách quan, toàn diện vào nội dung chủ đề của hội thảo; đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện, đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu hiện nay.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, quy trình xây dựng pháp luật hiện hành có nhiều điểm mới, tiến bộ theo hướng nâng cao chất lượng, với trình tự, thủ tục chặt chẽ, có sự phân công, phối hợp, gắn với trách nhiệm của các chủ thể tham gia. Tuy nhiên, trước tình hình với nhiều thách thức và yêu cầu ngày càng cao đối với chất lượng thể chế, đòi hỏi hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, minh bạch, công bằng, khả thi, chi phí tuân thủ thấp thì việc nghiên cứu, đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả là rất cần thiết.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu
Một số ý kiến lưu ý, việc đổi mới bước thẩm định văn bản quy phạm pháp luật cũng là một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm để cải thiện hiệu quả thực tế của hoạt động này, góp phần nâng cao chất lượng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, cần nâng cao hơn nữa công tác rà soát, đối chiếu văn bản quy phạm pháp luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập để kịp thời phát hiện những quy định của pháp luật trong nước còn thiếu, mâu thuẫn để có giải pháp kịp thời xử lý. Cũng có ý kiến đề nghị, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng cần chú ý đến khả năng thi hành trong thực tiễn.
Minh Trang