Hoàn thiện thể chế, pháp luật gắn với chính quyền 2 cấp
Bộ Xây dựng vừa ban hành văn bản do Bộ trưởng Trần Hồng Minh ký, gửi các Thứ trưởng và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, yêu cầu quán triệt và triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ – đặc biệt là 4 Nghị quyết “bộ tứ chiến lược” của Bộ Chính trị.
Bộ yêu cầu các đơn vị tận dụng tối đa thời cơ, thuận lợi – nhất là hiệu quả từ chính sách, giải pháp mới và mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp – để khai thác không gian phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng ngay trong quý III và cả năm 2025. Mục tiêu phấn đấu là hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt đạt tốc độ tăng trưởng GDP cả năm từ 8% trở lên.
Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị về: Đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; Hội nhập quốc tế; Phát triển kinh tế tư nhân
Bộ nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện thể chế gắn với việc sắp xếp lại bộ máy, đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng thông suốt, hiệu quả.
Các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục rà soát, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản QPPL theo đúng chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ.
Trong đó, lưu ý một số văn bản cần trình trong tháng 7/2025, gồm: Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 68/2015 về đăng ký quốc tịch và quyền đối với tàu bay; Nghị định quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt; Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa
Bộ cũng yêu cầu tiếp tục rà soát, sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy năm 2025 bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị định 178/2024 và Nghị định 67/2025.
Đồng thời, khẩn trương tham mưu xây dựng chương trình tập huấn, hướng dẫn và tập trung giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc từ các địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ theo phân cấp, phân quyền và triển khai tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, tránh để xảy ra chậm trễ, tồn đọng kéo dài.
Bộ Xây dựng yêu cầu tập trung triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành mục tiêu 3.000km đường cao tốc năm 2025 (ảnh minh họa).
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành 3.000km đường cao tốc năm 2025
Bộ Xây dựng yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc đề cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Mục tiêu là phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân 100% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025.
Trong đó, tập trung cao độ để đảm bảo hoàn thành 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025 do các Ban Quản lý dự án thuộc Bộ làm chủ đầu tư; cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; và đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt quan trọng.
Bộ giao Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi sát tiến độ các dự án, đặc biệt là các công trình khởi công, hoàn thành trong năm 2025 gắn với dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Kịp thời báo cáo lãnh đạo Bộ để chỉ đạo, xử lý các vướng mắc, nhất là tại các dự án cao tốc có nguy cơ không hoàn thành đúng tiến độ.
Cùng với đó, khẩn trương hoàn tất các thủ tục để khởi công tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng trong năm 2025. Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Vụ Kế hoạch – Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ tiến độ giải ngân, định kỳ báo cáo lãnh đạo Bộ 2 lần/tháng để kịp thời chỉ đạo, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị nếu để xảy ra chậm trễ. Đồng thời chủ động tham mưu Bộ phân bổ vốn đầu tư công hợp lý, không để các dự án, công trình bị thiếu vốn.
Rà soát, tham mưu giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong công tác chuẩn bị đầu tư các dự án dự kiến thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026–2030, đặc biệt là các dự án cao tốc, đường sắt theo quy hoạch và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án đường sắt trọng điểm, nhất là tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam và các tuyến kết nối Việt Nam – Trung Quốc.
Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Vật liệu xây dựng có trách nhiệm theo dõi thường xuyên tình hình biến động giá cả, nguồn cung vật liệu xây dựng; tham mưu, đề xuất giải pháp bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung ổn định phục vụ các dự án trọng điểm.
Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các Sở Xây dựng trong theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai các dự án do địa phương làm cơ quan chủ quản; kịp thời tham mưu Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành nhằm đáp ứng yêu cầu tiến độ. Đồng thời, khẩn trương hoàn tất các thủ tục để khởi công Dự án đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú trong tháng 8/2025.
Bộ Xây dựng yêu cầu theo dõi, đánh giá chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản, kịp thời gỡ khó về cơ chế, đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững (ảnh minh họa).
Quyết liệt triển khai chính sách nhà ở xã hội, gỡ khó thị trường bất động sản
Bộ Xây dựng yêu cầu các cơ quan, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn được giao triển khai đồng bộ, đầy đủ các cơ chế, chính sách an sinh xã hội, nhất là chính sách đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ; tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ 27/7.
Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung đẩy nhanh triển khai thực hiện hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ; chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước đảm bảo thời gian, tiến độ Thủ tướng Chính phủ giao.
Cùng đó, theo dõi, phân tích, đánh giá chặt chẽ diễn biến tình hình thị trường bất động sản, tham mưu lãnh đạo Bộ chỉ đạo xử lý kịp thời hoặc đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương án tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định và bền vững.
Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ nhà ở Quốc gia, theo tiến độ yêu cầu.
Các Cục quản lý chuyên ngành, các chủ đầu tư/Ban QLDA chủ động phối hợp với các địa phương rà soát, có các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống thiên tai trước mùa mưa lũ đối với các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng, nhất là hệ thống tiêu thoát nước trên các tuyến giao thông trọng điểm và tại các đô thị lớn.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh truyền thông chính sách
Bộ Xây dựng cũng yêu cầu tích cực triển khai các nhiệm vụ theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng về thực hiện thủ tục hành chính thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn khi sắp xếp đơn vị hành chính và triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Bộ Xây dựng yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc tập trung thực hiện phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 (ảnh minh họa).
Khẩn trương, tập trung thực hiện phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 của Bộ; thực hiện nghiêm quy định về chế độ tiếp công dân; về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp thực tiễn đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, không để hình thành "điểm nóng" về an ninh trật tự.
Vụ Quản lý doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan đơn vị có liên quan tăng cường thực hiện kiểm tra, đôn đốc, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là việc triển khai, thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2025, đảm bảo đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch năm đã được Bộ Xây dựng phê duyệt hoặc thông qua. Đẩy nhanh việc thực hiện các Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu triển khai thực chất, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường thông tin, truyền thông chính sách, tạo đồng thuận xã hội.
"Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chủ động rà soát kỹ lưỡng các nhiệm vụ để tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, đảm bảo không bỏ sót nhiệm vụ, đặc biệt các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có thời hạn phải hoàn thành; đồng thời chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Xây dựng nếu để xẩy ra chậm chễ, không bảo đảm tiến độ, chất lượng", văn bản của Bộ nêu rõ.
Yến Chi