Hoàn thiện thể chế - Khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực

Hoàn thiện thể chế - Khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực
7 giờ trướcBài gốc
Công việc hệ trọng này đang được thực hiện trên tinh thần “nói không” với bất cứ hạn chế, bất cập trong thể chế, pháp luật; không thỏa hiệp với bất kỳ yếu kém nào trong thiết kế chính sách, soạn thảo pháp luật và quá trình tổ chức thực thi.
Hoàn thiện thể chế là một trong những đột phá chiến lược để phát triển đất nước giàu mạnh, văn minh và hiện đại. Ảnh: Nguyễn Quang
1. Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV đang diễn ra với khối lượng công việc được dự kiến là lớn nhất trong các kỳ họp Quốc hội từ trước đến nay. Kỳ họp được nhìn nhận có ý nghĩa lịch sử với các quyết sách lịch sử về lập hiến, lập pháp đối với tương lai phát triển của đất nước.
Nội dung nổi bật là vấn đề sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 - văn bản pháp lý cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với tầm quan trọng đặc biệt, những ngày này, từ nghị trường Quốc hội đến các cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, đâu đâu cũng ghi nhận những thảo luận sôi nổi, ý kiến góp ý thực chất về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
Hiện nay, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các cấp, các ngành về những nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp đang tiến hành rất khẩn trương và bảo đảm đúng quy định, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Chủ tịch UBND xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) Bùi Tiến Linh cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp thời điểm này là rất phù hợp với chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương. Đây là tiền đề quan trọng để chúng ta từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, đưa đất nước phát triển vững chắc trong giai đoạn mới.
Trên cơ sở kết quả lấy ý kiến, cơ quan có thẩm quyền sẽ hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trình Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 30-6-2025 để kịp thời công bố và có hiệu lực từ ngày 1-7-2025. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là nhiệm vụ mang tính chiến lược cả về chính trị và pháp lý, nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, sát thực tiễn.
Cũng trong kỳ họp lịch sử lần này, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 34 dự án luật, 11 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật khác, bao gồm các lĩnh vực then chốt phát triển đất nước trong giai đoạn tới, như: Tổ chức bộ máy nhà nước, quốc phòng, an ninh, tư pháp, quản lý vốn nhà nước, tài chính - ngân sách, giáo dục, khoa học - công nghệ, dữ liệu cá nhân, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số...
Một trong những văn bản luật quan trọng đang nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và nhân dân cả nước là dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Nội dung cốt lõi trong dự thảo sửa đổi luật là việc phân định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh và cấp xã. Qua theo dõi ở nghị trường, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cũng như dư luận nhân dân đồng tình rất cao với việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương là cần thiết nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy và tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp.
Nội dung hệ trọng được sửa đổi trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương là quy định về phân cấp, phân quyền cho chính quyền cấp tỉnh và cấp xã. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, chính quyền địa phương cấp tỉnh, ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh theo quy định hiện hành, sẽ bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phân quyền từ Trung ương, nhất là trong việc ban hành các cơ chế, chính sách, các lĩnh vực quy hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư… Chính quyền địa phương cấp xã thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện và cấp xã hiện nay; được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và phạm vi, nhiệm vụ quản lý của chính quyền địa phương cấp xã (mới).
Nhân dân đang rất kỳ vọng vào sự thay đổi đột phá của thể chế, nhất là hệ thống chính quyền địa phương. Bà Đỗ Vân Hà (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, với nhiều thay đổi về các quy định phân cấp, phân quyền là điều kiện tiên quyết để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước ở cấp địa phương, nhất là cấp xã. Việc tăng thêm thẩm quyền, tổ chức, bộ máy cho cấp xã sẽ giúp cấp chính quyền này gần dân, sát dân và giải quyết tốt các vấn đề dân sinh”.
2. Cùng với hệ thống pháp luật hiện hành tương đối đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, những chuyển động mạnh mẽ trong thực tế cho thấy, Đảng, Nhà nước ta đã, đang quyết tâm tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” là thể chế để phát triển đất nước. Đặc biệt, việc từng bước bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật sẽ thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Trong bài viết “Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Để hiện thực hóa khát vọng vươn mình của dân tộc, chúng ta phải giải quyết nhiều việc, trong đó, một nhiệm vụ rất trọng tâm là phải tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế, pháp luật để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của đất nước, tận dụng mọi cơ hội phát triển”.
Người đứng đầu Đảng ta yêu cầu 5 nhiệm vụ quan trọng. Trước hết phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật. Hai là, đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển. Ba là, tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật. Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế, pháp luật quốc tế. Năm là, thực hiện các giải pháp đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật; tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, cùng cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Những thông điệp mạnh mẽ của Tổng Bí thư Tô Lâm về yêu cầu đột phá thể chế là lời nhắc nhở sâu sắc về trách nhiệm chính trị, đạo đức và chuyên môn của mỗi chủ thể khi tham gia vào quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật cũng như quá trình thực thi trong thực tiễn.
Trong bối cảnh hiện nay, các lĩnh vực cần ưu tiên tháo gỡ về mặt thể chế và hoàn thiện pháp luật là: Sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; những giải pháp đột phá để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; chuyển đổi xanh; giải pháp thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân... Đặc biệt, công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật phải khắc phục cho được những hạn chế, bất cập đang đặt ra hiện nay. Nổi lên là chất lượng pháp luật chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; tổ chức thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu; việc phân cấp, phân quyền chưa đủ mạnh; còn có những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, chưa rõ ràng, cản trở việc thực thi...
Hoàn thiện thể chế, pháp luật để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới là một nhiệm vụ trọng tâm trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nghị quyết số 66-NQ/TƯ (ngày 30-4-2025) của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, xác định: Xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, “đứng trên mảnh đất thực tiễn của Việt Nam”, tiếp thu có chọn lọc giá trị tinh hoa của nhân loại, bảo đảm tính hệ thống, nắm bắt mọi cơ hội, mở đường, khơi thông mọi nguồn lực, đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh, nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ cho phát triển, tạo dư địa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hai con số, nâng cao đời sống của nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.
Một hệ thống pháp luật tin cậy, chất lượng là rất cần thiết, song đi cùng với đó phải là một hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Hai nhiệm vụ đặc biệt quan trọng hay nói cách khác là 2 cuộc cách mạng đang được Đảng, Nhà nước ta thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhằm đạt đến mục tiêu cao nhất là vì tương lai phát triển đất nước. Đây cũng chính là những vấn đề mang tính quốc kế dân sinh được thống nhất, hòa quyện ý Đảng, lòng dân để đưa đất nước tiến bước vững chắc vào kỷ nguyên mới.
Chí Kiên
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/hoan-thien-the-che-khoi-day-moi-tiem-nang-nguon-luc-702272.html