Ngày 18-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật lần thứ hai trong tháng 4-2025, xem xét, cho ý kiến đối với 5 nội dung xây dựng pháp luật, đảm bảo tiến độ và chất lượng để trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 9.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Nhật Bắc
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại kỳ họp thứ 9, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội 63 tài liệu, báo cáo, trong đó có 37 dự án luật và nghị quyết quy phạm pháp luật. Đây là khối lượng văn bản lớn, mang tính chất quan trọng, có tác động sâu rộng đến toàn xã hội.
Thủ tướng nhìn nhận thời gian từ nay đến khi khai mạc kỳ họp thứ 9 của Quốc hội không còn nhiều, trong khi khối lượng công việc cần chuẩn bị rất lớn, nhiệm vụ nặng nề, yêu cầu cao và tính chất phức tạp. Ngoài việc trình các dự án luật và nghị quyết, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ và các bộ, ngành cần xây dựng các nghị định, thông tư để tổ chức thực hiện các luật một cách hiệu quả.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết tại Hội nghị thượng đỉnh P4G và các cuộc tiếp xúc khác, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước vừa qua, các vướng mắc về thể chế đã được đề cập. Theo đó, doanh nghiệp thường phải làm việc với nhiều cơ quan để giải quyết một vấn đề.
Cho rằng thể chế vẫn là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", Thủ tướng yêu cầu dành thời gian, công sức để tháo gỡ và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh và phức tạp, việc giải quyết các vấn đề cần được thực hiện nhanh chóng, quyết đoán, vì sự chần chừ có thể dẫn đến mất cơ hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tình hình thế giới hiện nay diễn biến nhanh, phức tạp, với nhiều khó khăn hơn là cơ hội và thuận lợi. Trong bối cảnh đó, việc Đảng và Nhà nước xác định xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả là hoàn toàn đúng đắn. Theo Thủ tướng, không có thị trường duy nhất, mà chỉ có lợi ích quốc gia, dân tộc là duy nhất, với nguyên tắc lợi ích hài hòa và rủi ro chia sẻ.
Toàn cảnh phiên họp ngày 18-4. Ảnh: Nhật Bắc
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, sáng tạo trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện pháp luật. Việc xây dựng luật cần theo sát thực tiễn, có cách tiếp cận và phương pháp luận phù hợp để xử lý các vấn đề thực tiễn một cách nhanh chóng, linh hoạt và hiệu quả.
Việc xây dựng pháp luật cần thiết kế khung chính sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bao gồm cả những vấn đề thực tiễn đã vượt qua và những vấn đề mới phát sinh. Pháp luật phải được xây dựng theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường giám sát, kiểm tra.
Thủ tướng nhấn mạnh những việc Trung ương nắm rõ thì Trung ương thực hiện, xóa bỏ tư duy "không biết vẫn quản". Trung ương cần quản lý bằng chính sách, luật pháp, thay vì can thiệp trực tiếp vào các công việc cụ thể, qua đó phát huy tính sáng tạo và chủ động của các cấp, các ngành.
Bên cạnh đó, cần cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Một việc chỉ nên giao cho một cơ quan, ưu tiên cơ quan hoặc cấp nào làm tốt nhất; những việc mà người dân, doanh nghiệp có thể làm tốt hơn thì nên để họ thực hiện. "Cần xóa bỏ cơ chế xin - cho và đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số để giảm tiếp xúc trực tiếp, giảm tiêu cực và tiết kiệm chi phí"- Thủ tướng chỉ đạo.
Với tinh thần "thần tốc, thần tốc hơn nữa" của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ và công sức cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật. Các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau cần được trao đổi, thảo luận để xin ý kiến Chính phủ, đảm bảo tiến độ và chất lượng của phiên họp.
Theo chương trình, tại phiên họp, Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với 5 nội dung xây dựng pháp luật, bao gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung của Luật Các tổ chức tín dụng.
Minh Chiến