Du khách tham quan tại Nhà máy sản xuất thực phẩm đóng hộp từ thủy sản Lê Gia tại xã Hoằng Phụ. Ảnh: Việt Hương
Phát triển sản phẩm chất lượng, đặc trưng
Xã Hoằng Phụ vốn nức tiếng với làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống Khúc Phụ. Từ khi tham gia vào Chương trình OCOP, nhiều cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống ở địa phương này đã kết hợp phát triển kinh nghiệm mà cha ông để lại với việc đầu tư đổi mới quy trình chế biến, thay đổi nhãn mác, mẫu nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng. Dồn lực thực hiện các giải pháp, xã Hoằng Phụ hiện có nhiều sản phẩm nước mắm, mắm truyền thống được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia là một trong những đơn vị đi đầu trong phát triển các sản phẩm nước mắm, mắm truyền thống của xã Hoằng Phụ. Các sản phẩm mang thương hiệu Lê Gia ngày càng khẳng định chất lượng với người tiêu dùng. Sản phẩm mắm tôm Lê Gia vinh dự là 1 trong 12 chủ thể đầu tiên được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia năm 2021 và được công nhận lại vào tháng 7/2024. Ngoài ra, Lê Gia còn sở hữu 2 sản phẩm OCOP 4 sao là mắm tép và nước mắm Lê Gia; 1 sản phẩm OCOP 3 sao là ruốc tôm sú Lê Gia. Đáng chú ý, sản phẩm nước mắm Lê Gia dự kiến sẽ được nâng hạng sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia.
Ông Lê Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia, chia sẻ: “Với một sản phẩm nước mắm để được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia rất là khó. Chúng tôi đang nỗ lực, cố gắng với hy vọng trên bản đồ nước mắm Việt Nam có thêm 1 sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia đến từ Thanh Hóa”.
Lê Gia sản xuất nhiều sản phẩm chế biến từ thủy sản, mang chung giá trị cốt lõi “an lành - tự nhiên - không chất bảo quản - không hương liệu - không phẩm màu”. Với chất lượng được khẳng định, sản phẩm của Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia đã được bán tại hầu hết các hệ thống siêu thị trên cả nước như: Winmart, Winmart+, Aeon, Co.opmart... Đồng thời, được xuất khẩu đến các thị trường Nhật Bản, Singapore, Mỹ, Úc, Newzealand. Với mong muốn cung cấp những trải nghiệm thú vị, góp phần gìn giữ, quảng bá những đặc sắc văn hóa bản địa, tháng 5/2024 Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để đưa vào vận hành nhà máy sản xuất thực phẩm đóng hộp, chế biến sâu các sản phẩm thủy sản đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, thân thiện môi trường, gắn với khai thác lợi thế du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm tại xã Hoằng Phụ. Đây là địa điểm được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận điểm du lịch tham quan trải nghiệm vào tháng 8/2024.
Với sản phẩm OCOP 3 sao rượu sim rừng Bảo An, hộ sản xuất, kinh doanh Nguyễn Thanh Hà ở thôn Đại Điền, xã Hoằng Xuân đã và đang khai thác lợi thế từ vùng nguyên liệu sim rừng vốn có tại địa phương. Hoằng Xuân vốn là vùng đất bán sơn địa với những đồi sim tự nhiên mọc xen kẽ trong rừng. Vào mùa sim chín rộ, người dân một số thôn trong xã lên rừng hái sim, bán cho thương lái trong vùng.
Nhận thấy lợi thế từ nguồn nguyên liệu tự nhiên sẵn có của quê hương, chị Hà đã dành thời gian nghiên cứu quy trình, công thức nấu ủ rượu sim rừng. Chị bắt đầu khởi nghiệp vào năm 2017. Ban đầu, sản phẩm rượu sim của gia đình chị chỉ tiêu thụ trong xã, trong huyện. Từ những phản hồi tích cực từ khách hàng, chị quyết định đầu tư hoàn thiện quy trình sản xuất, xây dựng nâng cấp nhà nấu ủ rượu theo tiêu chuẩn phòng sạch.
Nói về quy trình sản xuất, chị Hà chia sẻ: “Cùng với vùng nguyên liệu chủ yếu sẵn có tại địa phương, gạo nếp được nấu chín, ủ men thuốc bắc trong nhiệt độ thích hợp, dùng nhiệt chưng cất thành rượu trắng, khử độc tố trong rượu, sau đó ngâm ủ kết hợp cùng sim rừng tự nhiên. Nguyên liệu sim rừng chủ yếu được thu mua từ người dân trong xã. Sau khi phân loại, lựa chọn kỹ những quả to mọng, chín đều và rửa lại bằng nước muối, phơi ráo nước trước khi ngâm rượu. Thời gian ngâm kéo dài ít nhất khoảng 6 tháng. Màu sắc của rượu sim sau thời gian ngâm ủ có màu nâu sáng, thơm nhẹ, uống có vị ngọt dịu, hơi chát. Rượu được sản xuất với quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ, hàm lượng và các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm đạt tiêu chuẩn nên sản phẩm luôn giữ được các dược chất có ích của quả sim rừng”.
Thúc đẩy khai thác lợi thế
Khai thác giá trị văn hóa bản địa, thế mạnh địa phương để phát triển sản phẩm OCOP đang là hướng đi đúng trong phát triển các sản phẩm OCOP. Sau gần 6 năm triển khai Chương trình OCOP, huyện Hoằng Hóa đã có 27/37 xã, thị trấn phát triển được 45 sản phẩm OCOP xếp hạng từ 3 sao trở lên.
Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP không ngừng được hoàn thiện, nâng cấp về quy mô, chất lượng, quy trình sản xuất, chế biến cũng như mẫu mã bao bì, hệ thống nhận diện thương hiệu. Nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến như VietGAP, ISO, HACCP, FDA... để tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Hiệu quả kinh tế của các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP tăng từ 15 - 20% so với trước đó. Đồng thời, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Bên cạnh việc quan tâm định hướng, tư vấn, giúp người dân nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm OCOP theo hướng chuẩn hóa chất lượng, huyện Hoằng Hóa luôn đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá, kết nối cung - cầu các sản phẩm tại các siêu thị, hội chợ OCOP, sự kiện văn hóa, du lịch, các sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến. Để lan tỏa các sản phẩm mang thương hiệu địa phương đến người tiêu dùng, huyện còn bố trí quầy trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại điểm du lịch Hải Tiến, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoằng Hóa ở thị trấn Bút Sơn và tại Công ty CP OCOP Hương Việt, xã Hoằng Phụ.
Với kết quả trên, huyện Hoằng Hóa được đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu trong thực hiện Chương trình OCOP. Điều quan trọng hơn, các chủ thể có sản phẩm tiềm năng ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của Chương trình OCOP, tiếp tục xây dựng kế hoạch khai thác lợi thế địa phương, nâng tầm chất lượng sản phẩm OCOP.
Việt Hương