Buổi chiều ấy, tôi đặt chân lên đảo Trí Nguyên khi mặt trời vừa bắt đầu ngả bóng. Biển Nha Trang hiền hòa trải rộng trước mắt như một bức tranh thủy mặc đang chuyển dần sang những gam màu hoàng hôn đậm sắc. Chiếc thuyền cập bến, sóng vỗ vào mạn thuyền mấp mé, nhẹ nhàng như lời chào từ đại dương. Gió biển mang vị mặn mòi và mùi rong rêu ướt át khẽ thấm vào mặt.
Trí Nguyên không rộng lớn, nhưng mỗi lối nhỏ quanh đảo đều mở ra một mảng đời riêng. Tôi men theo con đường dốc uốn lượn qua những xóm chài, nơi từng mái nhà thấp thoáng, cũ kỹ theo thời gian sau tán bàng và cây sứ cổ thụ. Dưới bóng râm mát là một góc quán nhỏ dựng bằng tôn, đơn sơ và nép mình bên vách rào. Từ trong quán, mùi bánh căn mực nướng trên than hồng bốc lên thơm nức. Chị chủ quán cười hiền mời tôi và bạn ngồi xuống chiếc ghế nhựa con con, thân thiện như cứ ngỡ như người xa đến thăm mình. Trên chiếc khuôn đất nung, những chiếc bánh tròn nhỏ đang chín tới, lớp bột gạo trắng đục mềm mịn nổi lên như tấm vải mỏng ôm lấy phần nhân tươi rói là từng khoanh mực ống vừa bắt ngoài biển về. Bánh ăn kèm mắm nêm pha loãng với xoài bào sợi, rau thơm hái ngay sau nhà. Vị béo của bánh, dai ngọt của mực, mằn mặn của biển - tất cả như một lời thì thầm dịu dàng của xứ đảo.
Bến cảng Trí Nguyên. Ảnh: LÊ ĐỨC DƯƠNG
Khi mặt trời chìm dần sau dãy núi mờ xa, nơi có con đèo nhỏ uốn cong thấp thoáng ánh đèn xe chạy. Ánh sáng cuối ngày rải xuống mặt nước những dải màu loang loáng, phản chiếu cánh chim hải âu đang bay về. Rồi những chiếc thuyền câu bắt đầu ra lộng kiếm con mực, con cá. Đèn đã lập lòe nơi nóc thuyền như lời chào hoàng hôn… Trong lòng tôi bất giác ngân lên tiếng hát xa thẳm: “Khi chia tay anh dạo trên bến cảng, biển một bên và em một bên…”. Ở bờ kè kia, trong bóng nhập nhoạng của hoàng hôn, những người phụ nữ đang lúi húi dọn dẹp… Họ thản nhiên trước con tàu người thân nhổ neo nhưng tôi biết sớm mai họ sẽ dậy sớm ra bãi cát chờ đón gương mặt đẫm nước trở về với con tàu…
Theo chân vài người dân ra bãi đá gần mép biển - nơi buổi tối trở thành “quán ốc” dã chiến của xóm đảo. Không cầu kỳ, chỉ là vài cái bàn nhựa nhỏ, vài chậu nước ngọt để rửa tay, ánh sáng đến từ những con tàu cá đang neo ngoài xa. Gió biển thì thào. Mùi khói bếp lẫn mùi nước mắm tỏi ớt quyện trong không khí. Một mẹ một con đang nướng ốc nón, ốc vú nàng, vài đĩa sò nướng mỡ hành, nghêu hấp xả vừa dọn ra, khói bay nghi ngút, thơm đến nao lòng.
Ngồi bên kè biển, tay cầm xiên ốc, tôi nghe tiếng cười rôm rả của các cô chú ngư dân, tiếng sóng vỗ nhè nhẹ vào bờ và cả tiếng nhạc bolero phát nhỏ từ chiếc radio cũ. Không gian lúc ấy vừa hoang sơ, vừa ấm áp, như một lát cắt giản dị của đời sống miền biển chưa vướng chút bon chen. Một cụ ông rót cho tôi chén rượu chuối hột, bảo: “Uống đi cháu, cho ấm người, cho nhớ biển này lâu hơn”. Ôi không phải hương rượu mà chính lời nói thấm sâu đến tận đáy lòng người làm khách chốn này.
Khi đêm buông hẳn, đảo Trí Nguyên khoác lên mình tấm áo yên bình, chỉ còn lại ánh sáng lập lòe ngoài khơi và ánh đèn dầu leo lét nơi các hiên nhà. Những chiếc lưới treo cao trong sân, phơi sẵn cho chuyến ra khơi sớm mai. Tiếng gió thổi qua vách lá, tiếng con dế rúc bên bờ giếng cạn - tất cả như bản hòa ca không lời, chậm rãi và đầy ám ảnh.
Tôi rời đảo khi đêm đã khuya. Ngoái lại lần cuối, thấy bóng đảo mờ trong ánh sáng hải đăng. Trong lòng tôi, đảo Trí Nguyên không chỉ là nơi dừng chân mà còn là một mảnh đời dịu dàng, giản đơn mà sâu sắc - nơi một miếng bánh căn mực, một đĩa ốc bên bờ, hay một nụ cười của người dân cũng đủ để níu lòng người đã từng ghé qua. Nha Trang đón tôi khi vừa bước lên bờ: Thành phố rực rỡ và rộn sắc âm thanh, ánh sáng nhưng phía sau tôi, đảo Trí Nguyên đã bắt đầu chợp mắt trong sương mờ.
DƯƠNG MY ANH