Một góc thôn NTM kiểu mẫu Đức Tiến, xã Hoằng Hợp.
Nơi khởi nguồn những đổi thay
Những ngày đầu năm 2025, đến thăm thôn Thanh Minh, ấn tượng đầu tiên với khách thập phương là hệ thống đường làng, ngõ xóm được cứng hóa hoàn toàn, sạch đẹp. Không còn cảnh lầy lội khi trời mưa, thay vào đó là những con đường bê tông, thảm nhựa rộng rãi, phẳng lỳ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân.
Một trong những tấm gương tiêu biểu về tinh thần đồng thuận trong XDNTM là gia đình ông Nguyễn Quốc Cần. Dù phải phá bỏ tường rào và hiến hơn 50m2 đất thổ cư để mở rộng đường từ 2m lên 4m, ông Cần vẫn rất vui vì giờ đây ô tô có thể vào tận cửa nhà. Không chỉ có gia đình ông Cần, nhiều hộ dân khác trong thôn cũng sẵn sàng hiến đất để góp phần xây dựng giao thông nông thôn.
Điểm nhấn đặc biệt trong quá trình xây dựng thôn NTM kiểu mẫu của Thanh Minh chính là công viên mini với diện tích hơn 3.000m2. Nơi đây không chỉ được đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời hiện đại mà còn là không gian sinh hoạt cộng đồng xanh - sạch - đẹp, vừa phục vụ nhu cầu vui chơi, tập thể dục của người dân, vừa tạo cảnh quan đẹp mắt cho thôn.
Theo ông Lê Ngọc Hồng, Trưởng thôn Thanh Minh, công trình này được xây dựng nhờ sự đóng góp của hơn 200 hộ dân hiến đất nông nghiệp cùng với số tiền ủng hộ lên đến hơn 900 triệu đồng từ bà con xa quê và người dân trong thôn.
Thanh Minh còn gây ấn tượng bởi sự năng động trong phát triển kinh tế với 58 cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, thôn đã chú trọng phát triển các dịch vụ thương mại gắn với sản xuất nông nghiệp, tạo nên chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Vùng rau VietGAP rộng hơn 3ha đã và đang trở thành thương hiệu của địa phương, mang lại thu nhập ổn định từ 300 - 400 triệu đồng mỗi năm cho nhiều hộ dân. Đây là bước chuyển mình quan trọng từ canh tác lúa và rau màu truyền thống sang mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng quy trình VietGAP để tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng cao.
Ở thôn kiểu mẫu Đức Tiến, các công trình phúc lợi trong thôn đều do người dân đóng góp, ủng hộ. Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Đức Tiến Lê Văn Dự hào hứng kể cho chúng tôi nghe những phần việc mà Nhân dân đã chung tay làm được trong những năm qua. Từ việc xây dựng nhà văn hóa mới từ năm 2020 với kinh phí trên 1,2 tỷ đồng; việc cải tạo lại toàn bộ hệ thống nước thải dài 1,5km trong khu dân cư đến việc nâng cấp khuôn viên thể dục thể thao, cải tạo ao Đình, làm đường giao thông đến khu nghĩa trang, lắp đặt camera giám sát để theo dõi trực tiếp tại nhà văn hóa thôn... Ông Lê Văn Dự chia sẻ: “XDNTM thực sự trở thành động lực quan trọng để mỗi làng quê trở nên sạch hơn, đẹp hơn”.
Cán bộ xã Hoằng Hợp thăm mô hình sản xuất rau trong nhà màng, nhà lưới của người dân.
Công cuộc XDNTM ở hai thôn Thanh Minh và Đức Tiến đã trở thành minh chứng sinh động cho quá trình chuyển đổi từ nông thôn truyền thống sang NTM kiểu mẫu. Không chỉ thay đổi về cảnh quan, môi trường, mà quan trọng hơn là sự thay đổi trong nhận thức và cách làm của người dân. Những thành công bước đầu của hai thôn không chỉ góp phần vào mục tiêu XDNTM nâng cao của xã Hoằng Hợp, mà còn là tấm gương cho các thôn khác học tập trong phong trào xây dựng thôn NTM kiểu mẫu của huyện Hoằng Hóa.
Quyết tâm đổi mới từ tư duy đến hành động
Khi bước chân vào xã Hoằng Hợp khó ai có thể hình dung được trước đây là một xã thuần nông, với 262ha đất nông nghiệp chủ yếu trồng lúa và rau màu. Những con đường bê tông rộng rãi, những vườn hoa rực rỡ hai bên đường là thành quả của một hành trình vượt khó đầy ấn tượng trong XDNTM nâng cao.
Thế nhưng, đường đến đích không hề trải hoa hồng. Ông Lê Văn Phượng, Chủ tịch UBND xã Hoằng Hợp chia sẻ: "Lúc mới bắt tay vào XDNTM nâng cao, địa phương gặp không ít khó khăn. Kinh tế phát triển chưa toàn diện, diện tích đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu là trồng lúa, cây rau màu, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng còn chậm, cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển sản xuất còn hạn chế, hoạt động sản xuất phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Đặc biệt, một bộ phận cán bộ, đảng viên, Nhân dân lúc bắt đầu triển khai còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, cho rằng NTM là việc của Nhà nước. Nhưng qua tuyên truyền, vận động, bà con đã hiểu đây là việc của chính mình. Từ đó, người dân đã tự nguyện đóng góp tiền của, công sức để xây dựng quê hương".
Trường Mầm non xã Hoằng Hợp được đầu tư khang trang.
Đứng trước thực trạng đó, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/ĐU về lãnh đạo xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, giai đoạn 2021-2025, tích cực vận động Nhân dân tham gia các phong trào XDNTM nâng cao như: Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững; xây dựng vườn hộ, vườn mẫu; phong trào mua, lắp đặt thùng rác, phân loại rác thải; phong trào trát tường, quét vôi ve, xây dựng hố rác hộ gia đình, trồng hoa, cây xanh... Điểm nhấn trong các giải pháp mà địa phương thực hiện đó là vận động thay đổi tư duy sản xuất của người dân, từ manh mún nhỏ lẻ sang liên kết theo chuỗi giá trị. Những mô hình hiệu quả dần xuất hiện như: Trồng lúa chất lượng cao, cá lúa, nuôi cá kết hợp hồ câu... Hay phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương như sản phẩm bánh đa Nghĩa LX được huyện công nhận OCOP 3 sao, tạo thương hiệu và nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân.
“Khó vạn lần dân liệu cũng xong” - câu nói ấy đã trở thành hiện thực khi nguồn lực từ Nhân dân chiếm tới 85,255% tổng vốn đầu tư XDNTM nâng cao. Con số 295,4 tỷ đồng từ đóng góp của người dân cho thấy sức mạnh của niềm tin và sự quyết tâm. Họ tự nguyện đóng góp không chỉ tiền của mà cả công sức vào các công trình phúc lợi, chỉnh trang nhà cửa, cải tạo vườn tạp.
Thành quả đã đến xứng đáng với những nỗ lực không ngừng nghỉ! Thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt 69,84 triệu đồng/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực với tỷ trọng dịch vụ - thương mại chiếm 40,38%, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng chiếm 38%, nông - lâm nghiệp chỉ còn 21,62%. 100% đường giao thông được bê tông hóa, điện chiếu sáng phủ khắp các ngõ xóm. 5/5 thôn có nhà văn hóa, sân thể thao bảo đảm diện tích, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của Nhân dân. Các công trình trường, trạm đạt chuẩn theo quy định. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chỉ còn 2,78%.
Không chỉ thay đổi diện mạo vật chất, chương trình XDNTM nâng cao còn mang đến những giá trị tinh thần bền vững. Các hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, chất lượng giáo dục được nâng cao, 100% người dân tham gia BHYT. Hệ thống chính trị cơ sở không ngừng được củng cố, đội ngũ cán bộ ngày càng trưởng thành.
Từ những bài học quý báu trong hành trình vượt khó, cán bộ và Nhân dân xã Hoằng Hợp đã đúc kết”: Muốn thành công phải bắt đầu từ thay đổi tư duy. Phương châm “Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là cần thiết” đã thực sự đi vào cuộc sống. Việc huy động, sử dụng nguồn lực vào các công trình công cộng đều được sử dụng công khai, minh bạch, có sự giám sát của cộng đồng.
“Với việc hoàn thành 19/19 tiêu chí, xã Hoằng Hợp đã thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt trong công cuộc XDNTM nâng cao. Thành công của xã là minh chứng cho thấy khi có quyết tâm chính trị cao, cách làm sáng tạo và sự đồng lòng của người dân, không có khó khăn nào không thể vượt qua”, Chủ tịch UBND xã Hoằng Hợp Lê Văn Phượng nhấn mạnh.
Bài và ảnh: Dung Hương