Hoang mang khi uống nhầm sữa giả, thuốc giả: Khuyến cáo từ chuyên gia y tế

Hoang mang khi uống nhầm sữa giả, thuốc giả: Khuyến cáo từ chuyên gia y tế
7 giờ trướcBài gốc
Nhiều phụ huynh hoang mang, lo lắng khi cho con uống nhầm sữa giả. (Ảnh: THÚY QUỲNH)
Với mong muốn cho con phát triển chiều cao, chị Nguyễn Hà An, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã cho cậu con trai 4 tuổi của mình uống sữa hằng ngày. Tuy nhiên, chị rất lo lắng vì loại sữa bột mà con uống là sản phẩm được phát hiện nằm trong đường dây sản xuất sữa giả. Dù chỉ mới dùng được hơn nửa hộp, nhưng chị không rõ sức khỏe của con có bị ảnh hưởng hay không, liệu loại sữa này có gây ra bệnh tật cho con, gây hại cho sự phát triển về sau.
Đây cũng là tình trạng chung của không ít người hiện nay, nhất là các bà mẹ có con nhỏ, người thân lỡ dùng phải sản phẩm giả. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Anh Xuân, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba, ngay khi phát hiện trẻ nhỏ đã sử dụng sản phẩm sữa giả, việc đầu tiên là ngưng dùng ngay sản phẩm, theo dõi sát tình hình sức khỏe của trẻ và sớm đưa trẻ đi thăm khám tại các cơ sở y tế khi có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết, tùy vào thành phần pha trộn, sữa bột giả có thể gây hại ở nhiều mức độ. Nếu tỷ lệ dinh dưỡng không đúng chuẩn, trẻ uống vào sẽ không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết. Nguy hiểm hơn, quy trình sản xuất không bảo đảm có thể khiến vi khuẩn, nấm mốc xâm nhập, dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như tiêu chảy cấp, ngộ độc, thậm chí ảnh hưởng đến hệ hô hấp. Chính vì thế, trẻ cần được kiểm tra sức khỏe tổng quát để bảo đảm an toàn cho sự phát triển.
Với các loại sản phẩm sữa giả đã được công bố, người dùng còn có thể kiểm tra xem mình có dùng nhầm sữa giả hay không. Tuy nhiên, với thuốc giả thì khó khăn hơn, vì sau khi uống thuốc, nhiều bệnh nhân sẽ không giữ lại bao bì thuốc. Do vậy, họ không chắc mình có uống nhầm thuốc giả hay không.
Anh Lương Văn Giang, quận Ba Đình (Hà Nội), rất lo lắng cho tình trạng của bố mình. Bố anh có thói quen mỗi khi thấy mệt trong người, đau đầu chóng mặt hay nhức mỏi xương khớp là lại tự ra hiệu thuốc mua thuốc về uống vì ngại đi thăm khám. Sau khi đường dây thuốc giả bị cơ quan chức năng phát hiện, anh không rõ bố có uống nhầm thuốc giả hay không, tuổi cao, sức yếu, chỉ sợ sức khỏe bị ảnh hưởng nếu uống nhầm thuốc giả.
Theo Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Việt Hà, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ thành phố Hà Nội, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, người bệnh cần theo dõi sát các biểu hiện bất thường như: đau đầu, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, dị ứng... và ghi lại diễn biến triệu chứng để cung cấp cho nhân viên y tế. Bên cạnh đó, cũng không nên vứt bỏ bao bì thuốc, đồng thời đến bệnh viện thăm, khám để phát hiện sớm những bất thường về sức khỏe nếu có.
Để tránh mua phải thuốc giả, sữa giả, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân khi mua nên kiểm tra thông tin về nhà sản xuất, giấy chứng nhận đạt các tiêu chuẩn như: GMP, ISO, HACCP, hoặc có được Bộ Y tế cấp phép hay không.
Ngoài ra, có thể kiểm tra mã vạch, mã QR để xác minh thông tin sản phẩm. Mua ở những cửa hàng thuốc, những cơ sở uy tín, có thương hiệu, không nên mua các sản phẩm trôi nổi, không nguồn gốc, xuất xứ trên mạng xã hội.
THÚY QUỲNH
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/hoang-mang-khi-uong-nham-sua-gia-thuoc-gia-khuyen-cao-tu-chuyen-gia-y-te-post876241.html