Hoang phí cơ sở dạy nghề tiền tỷ

Hoang phí cơ sở dạy nghề tiền tỷ
15 giờ trướcBài gốc
Trung tâm dạy nghề (TTDN) cho người khuyết tật ở xã Cổ Đạm được xây dựng khoảng năm 2013 và đi vào hoạt động năm 2015, trên diện tích 1ha ở thôn Song Nam, do Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật Hà Tĩnh quản lý, sử dụng.
Trường Trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh bị bỏ hoang
Trung tâm được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ việc đào tạo và thực hành với kinh phí đầu tư khoảng 9 tỷ đồng; giai đoạn 2 dự kiến xây dựng khu trồng trọt và chăn nuôi với diện tích khoảng 67ha nhưng chưa triển khai do vướng kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng. Trung tâm từng được kỳ vọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người khuyết tật.
Lúc mới đi vào hoạt động, mỗi năm trung tâm đón hàng chục học viên đến học kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi. Ngoài ra, cơ sở còn mở một số khóa học ngắn hạn về trồng rừng cho người dân địa phương. Từ năm 2017, học viên đến học tại trung tâm thưa thớt dần và sau đó không phát huy hiệu quả nên trung tâm bỏ hoang đến nay.
Có mặt tại TTDN cho người khuyết tật ở xã Cổ Đạm, PV Báo SGGP ghi nhận tại nhiều dãy phòng học, phòng thực hành, nhà làm việc, phòng bảo vệ, cầu thang, bàn ghế, tường, nền gạch bị bong tróc, mối mọt, hư hỏng, cửa kính vỡ nát...
Ông Trần Công Tráng, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián cũ, cho biết, TTDN cho người khuyết tật là tài sản của nhà nước, địa phương đã kiến nghị lên cấp có thẩm quyền tìm giải pháp xử lý, đưa trung tâm hoạt động đúng mục đích để tránh lãng phí nhưng không có kết quả. Thời gian tới, nếu trung tâm vẫn tiếp tục bỏ hoang thì nên bàn giao lại cho địa phương quản lý hoặc có thể cho thuê, cải tạo, sử dụng làm trang trại chăn nuôi, trồng trọt, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Ông Thái Ngọc Lâm, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật Hà Tĩnh, cho biết, nguyên nhân trung tâm này ngừng hoạt động là do gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí hỗ trợ. Thời gian qua, đơn vị đã có văn bản trình UBND tỉnh Hà Tĩnh để trả dự án, cơ sở vật chất, đất đai cho địa phương quản lý. Hiện nay, các sở ngành đang thực hiện các thủ tục liên quan để trình UBND tỉnh quyết định, chuyển giao.
Tương tự, cách xã Cổ Đạm gần 15km, cơ sở hạ tầng Trường Trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh ở xã Nghi Xuân được đầu tư xây dựng khoảng 19 tỷ đồng trên diện tích khoảng 4,6ha cũng bỏ hoang tàn, lãng phí hơn 10 năm nay. Nhiều hạng mục tại dãy nhà học 4 tầng, ký túc xá 3 tầng, nhà thí nghiệm 2 tầng, nhà xưởng, thư viện, nhà bảo vệ, nhà xe… bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Sân trường cỏ dại mọc um tùm, nhếch nhác và trở thành nơi chăn thả gia súc. Thời gian qua, người dân và địa phương đã kiến nghị cấp có thẩm quyền tìm giải pháp xử lý đất đai, cơ sở vật chất của trường nhằm tránh hư hỏng, lãng phí, song đến nay vẫn chưa có kết quả.
DƯƠNG QUANG
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/hoang-phi-co-so-day-nghe-tien-ty-post803157.html