Hoạt động của HĐND cấp xã theo mô hình mơíBài 2: Kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh

Hoạt động của HĐND cấp xã theo mô hình mơíBài 2: Kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh
12 giờ trướcBài gốc
Áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn
Một trong những vướng mắc được ghi nhận sớm nhất trong tuần đầu vận hành mô hình chính quyền 2 cấp là việc thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã. Theo khoản 2 Điều 21 Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 72/2025/QH15, HĐND xã có thẩm quyền “Quyết định thành lập, tổ chức lại, thay đổi tên gọi, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp theo quy định của pháp luật”. Quy định này được xem là bước mở rõ ràng về mặt phân quyền, theo đó thẩm quyền quyết định thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã với tư cách là tổ chức hành chính thuộc về HĐND cấp xã. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 7 Nghị định số 118/2025/NĐ-CP ngày 09/6/2025 về thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại bộ phận một cửa và Cổng dịch vụ công quốc gia, thẩm quyền quyết định thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã lại được quy định thuộc UBND xã.
Việc thành lập và vận hành Trung tâm phục vụ Hành chính công cấp xã nhận được sự quan tâmcủa đại biểu và cử tri. Ảnh: Bình Nguyên
Hai văn bản pháp lý cùng ban hành trong năm 2025, nhưng chưa thực sự “nói cùng một tiếng nói”, đã và đang khiến không ít địa phương loay hoay trong triển khai. Để giải quyết bài toán này, nhiều địa phương đã có ý kiến phản ánh bằng văn bản lên cấp có thẩm quyền nhưng vẫn chưa rõ ràng, dẫn đến có nơi HĐND cấp xã ra quyết định thành lập, có nơi UBND cấp xã thực hiện thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã.
“Chìa khóa” cho vướng mắc này chính là vận dụng đúng nguyên tắc áp dụng văn bản pháp luật mà Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định là trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Theo đó, HĐND cấp xã ra quyết định thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã là đúng quy định.
Cần một hành lang pháp lý linh hoạt để chủ động
Giữa guồng quay của bộ máy mới, một câu chuyện tưởng như giản đơn - quyết định tổ chức bao nhiêu kỳ họp HĐND trong 6 tháng cuối năm - lại trở thành phép thử khó có lời giải rõ ràng. Bình thường, kỳ họp thường lệ giữa năm của HĐND cấp huyện cũ diễn ra vào giữa hoặc cuối tháng 7, HĐND cấp xã diễn ra vào khoảng cuối tháng 7, chậm thì đầu tháng 8 hàng năm. Từ ngày 1/7/2025, khi chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, HĐND cấp huyện và cấp xã trước đây chưa thể tổ chức kỳ họp thường lệ giữa năm. Bài toán đặt ra là xác định rõ bao nhiêu kỳ họp thường lệ, có tổ chức kỳ họp thường lệ giữa năm hay không cũng khiến không ít địa phương đắn đo.
Có địa phương xác định chỉ có kỳ họp thường lệ cuối năm và bỏ qua kỳ giữa năm vì cho rằng chuẩn bị không kịp và trình tự thực hiện, việc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh cũng khó khăn vì không tổ chức cấp huyện, nhập xã không có cơ sở để lấy số liệu và cũng không được hướng dẫn cụ thể. Có địa phương mong muốn tổ chức kỳ họp sớm để kịp gỡ những “nút thắt” đang chờ đợi; lại có nơi muốn chờ cho đến khi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được định hình rõ ràng rồi mới bàn tính.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 72/2025/QH15, khoản 2 Điều 34, quy định rõ: HĐND họp mỗi năm ít nhất 2 kỳ. HĐND quyết định kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ vào Kỳ họp thứ Nhất của HĐND đối với năm bắt đầu nhiệm kỳ và vào kỳ họp cuối cùng của năm trước đó đối với các năm tiếp theo của nhiệm kỳ theo đề nghị của Thường trực HĐND. Một khung pháp lý mang tính định kỳ - nhưng trong thực tiễn, có những yêu cầu không thể chờ, cũng không dễ tìm ra mốc thời điểm “đủ chín” để triệu tập họp, bởi việc hình thành bộ máy HĐND mới trên cơ sở chỉ định chứ không bầu sau khi không tổ chức một cấp hành chính là chưa có tiền lệ.
Luật mới (Luật số 72) không ấn định cụ thể mốc thời gian như trước đây về tổ chức kỳ họp thường lệ và đột xuất mấy ngày phải làm kế hoạch, mấy ngày để thẩm tra và triệu tập. Đối với kỳ họp thường lệ hoặc họp để quyết định các vấn đề chuyên đề, phát sinh đột xuất liên quan đến đối tượng là Nhân dân cần phải có thời gian chuẩn bị thỏa đáng. Tuy nhiên trong xu thế “vừa chạy, vừa xếp hàng, nhiều nơi đang lúng túng thực sự khi tham mưu kế hoạch tổ chức kỳ họp thường lệ giữa năm của HĐND. Theo quy định và thực tiễn, không thể chỉ tổ chức một kỳ họp thường lệ vào cuối năm, bởi HĐND cần kịp thời quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh 6 tháng cuối năm vì HĐND trước đó chưa làm, chưa kể vấn đề phân khai ngân sách, đầu tư công sau khi vận hành chính quyền mới, HĐND phải thực hiện đúng vai, chờ đến cuối năm mới quyết định thì chưa đúng”, bà Nguyễn Thị Thùy, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND xã Mai Phụ, Hà Tĩnh bộc bạch.
Một lời chia sẻ ngắn, gói trọn phân vân rất thật giữa cái cần làm ngay và cái cần đúng luật. HĐND cơ sở rất cần một hành lang pháp lý linh hoạt - đủ để chủ động, nhưng không vượt khỏi nền của kỷ cương.
Hồng Lam
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/hoat-dong-cua-hdnd-cap-xa-theo-mo-hinh-moi-bai-2-kip-thoi-thao-go-vuong-mac-phat-sinh-10379117.html