Thay thế học bạ truyền thống
Chị Nguyễn Hải Phương, có con đang học ở trường tiểu học Thăng Long chia sẻ: "Khi sử dụng học bạ số tôi vẫn còn lúng túng, chưa quen với việc sử dụng thiết bị điện tử và ứng dụng công công nghệ.
Nền tảng số giúp giáo viên giảm tải tối đa công việc hành chính và tập trung vào chuyên môn.
Nhờ ứng dụng này, tôi có thể xem được con mình tiến bộ thế nào qua các bài kiểm tra hay thi cuối kỳ và dễ dàng theo dõi việc học của con, biết con giỏi môn gì, yếu môn gì để giúp đỡ kịp thời từ phía thầy cô bất cứ lúc nào, mà không cần đến tận trường để sao chép thông tin của con nữa, học bạ số rất tiện lợi cho những phụ huynh bận rộn như tôi".
Còn chị Nguyễn Thị Nhung có con đang theo học tại trường tiểu học Chu Văn An chia sẻ, với hình thức lưu trữ truyền thống hồ sơ cứng, sổ học bạ giấy, phụ huynh cũng như các con phải đến tận trường để sao chép giấy, phụ thuộc vào hồ sơ giấy dễ mất mát hoặc hư hỏng.
"Với ứng dụng học bạ số giúp tôi đã theo dõi và cập nhật thông tin học tập của các con một cách thuận tiện, nhanh chóng và an toàn hơn so với phương thức truyền thống", chị Nhung cho biết.
Hai phụ huynh như chị Phương và Nhung đồng tình học bạ số mang lại nhiều lợi ích như dễ theo dõi, an toàn, tiết kiệm thời gian và thúc đẩy giáo dục hiện đại.
Học bạ số là một nền tảng số hóa toàn diện các thành tích và hồ sơ học tập của học sinh, thay thế hoàn toàn hình thức học bạ giấy truyền thống.
Thông qua hệ thống này, phụ huynh không còn phải chờ đợi cuối kỳ hay cuối năm để nhận được thông tin về kết quả học tập, có thể tra cứu kết quả học tập của con em mình một cách dễ dàng, mọi lúc, mọi nơi chỉ với một vài thao tác trên thiết bị di động hoặc máy tính.
Cùng với đó, học sinh cũng được khuyến khích chủ động sắp xếp thời gian, chuẩn bị bài vở và tham gia các hoạt động trường lớp, nâng cao tính tự giác và trách nhiệm từng ngày.
Ngoài ra, hệ thống này còn giúp các giáo viên giảm thiểu công việc hành chính liên quan đến nhập điểm, nhận xét và theo dõi quá trình học tập của học sinh.
Nhờ đó, giáo viên có thể tập trung hơn vào công tác giảng dạy, phân tích dữ liệu để đưa ra các phương pháp giảng dạy phù hợp, nâng cao chất lượng giáo dục.
Thách thức không nhỏ đối với một bộ phận phụ huynh và giáo viên
Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, cô Phạm Minh Thảo, Hiệu trưởng trường tiểu học Thành Công B cho biết, hiện nay rất nhiều trường học hoặc cơ sở giáo dục hiện nay đang chuyển đổi từ hình thức lưu trữ truyền thống sang hình thức số để nâng cao hiệu quả quản lý và thuận tiện trong truy xuất hồ sơ.
Với nền tảng số hóa đảm bảo lưu trữ đầy đủ, chính xác thông tin về học sinh và kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong quá trình học tập. Tuy nhiên, việc lưu trữ kết hợp cả hai hình thức vẫn phổ biến trong thời gian chuyển đổi này.
Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội): Đào tạo gắn với thực tiễn và công nghệ số
Đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao công nghệ và trí tuệ nhân tạo tại các cơ sở giáo dục đại học
Đảm bảo nhất quán, toàn vẹn thông tin khi học bạ đã được phát hành (không thể thay đổi thông tin). Thuận tiện cho việc sử dụng, quản lý, tra cứu, xác thực học bạ trực tuyến, cho phép xuất ra bản mềm của học bạ số, có thể in được trên giấy theo mẫu học bạ quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo.
"Việc chuyển đổi sang học bạ số mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng không tránh khỏi những khó khăn ban đầu, do máy tính giáo viên đã cũ, phần mềm không tương thích, mã tra cứu học bạ số quá dài, khó nhớ, về học bạ giấy và học bạ số đang khác nhau.
Song cần có sự liên thông toàn quốc khi học sinh chuyển trường vẫn phải thực hiện in ra bản giấy và ký trực tiếp thay vì công nhận học bạ điện tử.
Chưa kể, cuối năm, khi cần xác nhận từng điểm số thì cũng phải in ra giấy và giáo viên ký xác nhận thì mới được chấp thuận, kéo theo sự bất tiện đối với từng giáo viên", cô Thảo nói.
Ông Nguyễn Như Tùng, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình cho biết, các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận đã thể hiện sự quyết tâm và khẩn trương cao độ trong việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ được giao, đảm bảo hoàn thành công việc theo đúng tiến độ trong công tác triển khai học bạ số.
Học bạ số được triển khai tại trường tiểu học Thành Công B.
Việc tiếp cận và sử dụng học bạ điện tử cũng đặt ra một thách thức không nhỏ đối với một bộ phận phụ huynh và giáo viên chưa thực sự thành thạo về công nghệ thông tin.
Sự khác biệt về trình độ sử dụng công nghệ có thể tạo ra rào cản trong việc khai thác hiệu quả các tính năng ưu việt của hệ thống, khiến họ cảm thấy lúng túng và gặp khó khăn trong quá trình sử dụng.
Một yếu tố quan trọng khác cần được đặc biệt chú trọng là vấn đề bảo mật thông tin cá nhân của học sinh trên hệ thống học bạ điện tử. Việc đảm bảo an toàn dữ liệu đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ giữa các bên liên quan.
Đồng thời, trong quá trình chuyển đổi số, việc triển khai song song học bạ số và học bạ giấy truyền thống vẫn là cần thiết, đặc biệt là để đảm bảo quy trình xử lý học sinh chuyển trường được diễn ra thuận lợi và thông suốt.
Phượng Nguyễn