Mô hình trồng cây ăn quả của nhân dân bản Thượng Lang, xã Mường Lang, huyện Phù Yên.
Đồng chí Hà Ngọc Chung, Bí thư Huyện ủy Phù Yên, cho biết: Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung Chỉ thị số 05-CT/TW theo chủ đề hằng năm. Trong đó, chú trọng lựa chọn các nội dung đột phá học tập và làm theo Bác gắn với giải quyết các vấn đề phát sinh từ cơ sở mà nhân dân quan tâm. Ban Thường vụ Huyện ủy phân công các đồng chí cấp ủy viên phụ trách địa bàn, nắm tình hình, chỉ đạo xử lý kịp thời những vụ việc phức tạp, kéo dài, không để tồn đọng. Qua đó, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và tạo sự đồng thuận trong thực hiện các chủ trương, chính sách.
Từ năm 2017 đến nay, Huyện ủy Phù Yên đã lựa chọn 24 nội dung mang tính đột phá học tập và làm theo Bác, tập trung giải quyết những vấn đề thiết thực tại cơ sở. Các chi bộ, đảng bộ trực thuộc đã lựa chọn hơn 4.000 nhiệm vụ mang tính đột phá, tập trung vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và xây dựng Đảng. Nhờ đó, kinh tế huyện duy trì tăng trưởng khá; văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên được nâng cao; hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố, hoạt động hiệu quả. Tác phong làm việc của cấp ủy, chính quyền và cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu, ngày càng gần dân, sát dân, lắng nghe và đối thoại với nhân dân.
Năm 2024, thực hiện nội dung đột phá về thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, quảng bá và nâng cao hiệu quả tiêu thụ gạo mang nhãn hiệu “Gạo Phù Yên”, UBND huyện đã triển khai mô hình “Ruộng nhà mình”, có quy mô trên 82.200m2 tại thị trấn Quang Huy, với sự tham gia của 45 tổ chức, cá nhân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Mô hình giúp minh bạch quy trình sản xuất, ứng dụng số hóa và phát huy giá trị các nhãn hiệu “Gạo hữu cơ”, “Gạo Phù Yên”.
Ông Đặng Quang Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, cho biết: Triển khai mô hình “Ruộng nhà mình”, UBND huyện đã nghiên cứu, khảo sát, đánh giá năng lực sản xuất của các hộ, để lựa chọn tham gia mô hình và được hướng dẫn trồng lúa theo hướng hữu cơ, sử dụng nhật ký điện tử EGAP ghi lại quá trình sản xuất, giúp việc theo dõi, điều chỉnh lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với từng giai đoạn phát triển cây lúa. Qua 2 vụ lúa triển khai thực hiện đã cho thấy hiệu quả, nâng giá trị kinh tế tăng lên 7-10 triệu đồng/ha và giúp nông dân dần làm quen được với quá trình chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng vững chắc thương hiệu “Gạo Phù Yên”.
Ca sản xuất của công nhân Xí nghiệp giày Phù Yên, Công ty cổ phần giày Ngọc Hà.
Các chi bộ, đảng bộ trực thuộc triển khai nhiều mô hình học tập và làm theo Bác gắn với phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Tiêu biểu như mô hình trồng rau củ quả hữu cơ ứng dụng công nghệ cao ở HTX Mường Tấc; phát triển cây cam, quýt ngọt ở bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi; nuôi cá lồng, dê tại các xã ven sông; chăn nuôi bò ở xã Tường Thượng; trồng rừng ở xã Nam Phong; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Phù Yên theo hướng hiện đại; xây dựng quỹ tiết kiệm tặng thẻ BHYT cho người dân khó khăn...
Ông Nguyễn Đức Cường, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên, nói: Chi bộ đã lãnh đạo đảng viên và nhân dân thực hiện mô hình làm theo Bác bằng cách trồng và chăm sóc hơn 50 ha cây ăn quả, gồm bưởi da xanh, bưởi Diễn, cam Vinh, cam Canh, quýt ngọt… sản lượng đạt khoảng 2.000 tấn quả/năm. Thu nhập bình quân đầu người của bản năm 2024 đạt 60 triệu đồng/năm; nhiều hộ thu trên 900 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, Huyện ủy Phù Yên cũng đã chỉ đạo gắn việc học tập và làm theo Bác với các phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”... Qua đó, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong 10 năm qua, nhân dân trong huyện đã đóng góp hơn 1.800.000 ngày công; trên 400 triệu đồng tiền mặt; tu sửa, nâng cấp hàng nghìn tuyến đường; nạo vét hàng trăm km mương dẫn nước, thu gom hàng chục tấn rác; xây dựng hơn 300 tuyến đường hoa… Đến nay, toàn huyện có 12 xã và 5 bản đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12,26% vào cuối năm 2024.
Việc học tập và làm theo Bác được Đảng bộ huyện Phù Yên cụ thể bằng những nội dung đột phá và các mô hình cụ thể, tạo chuyển biến tích cực về tất cả các lĩnh vực, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025. Năm 2018, huyện Phù Yên được công nhận thoát khỏi diện nghèo; năm 2024, Đảng bộ huyện được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Bài, ảnh: Khải Hoàn